Nhật thử nghiệm vũ khí khắc tinh của tên lửa siêu vượt âm

Tuấn Nhật/VOV |

Trong bối cảnh các vũ khí thế hệ mới, đặc biệt là tên lửa siêu vượt âm của Triều Tiên, có khả năng xuyên thủng tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa, Nhật Bản đang nỗ lực nghiên cứu – phát triển các kỹ thuật mới để đối phó, song song với việc hợp tác với Mỹ.

Hiện nay, Tổng cục quân khí thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang đẩy mạnh thử nghiệm hướng tới sản xuất và đưa vào sử dụng pháo siêu điện từ (Railgun) -  một loại vũ khí được coi là khắc tinh của tên lửa siêu vượt âm.

Theo cơ quan này, pháo siêu điện từ không dùng hỏa dược thông thường mà dùng năng lượng điện để đẩy đầu đạn đi với tốc độ gấp nhiều lần âm thanh. Trong lần thử nghiệm gần đây nhất, tốc độ này đã đạt tới 2.297m/s, vượt xa mục tiêu 2.000m/s mà Tổng cục quân khí Nhật Bản đặt ra ban đầu, trong khi tốc độ cao nhất của đạn pháo thông thường chỉ là 1750m/s.

Ngoài tốc độ cao hơn các loại đạn pháo và tên lửa nghênh kích hiện nay, pháo điện từ có có một số tính năng vượt trội như: tính an toàn cao khi phát hỏa, có khả năng tùy biến tốc độ, có thể sử dụng cho cả nghênh kích và tấn công mục tiêu trong trường hợp cần thiết, có khả năng bắn rơi tên lửa siêu vượt âm với xác suất rất cao, khó bị phát hiện và đánh chặn khi tấn công.... Sau khi thử nghiệm thành công trên thực địa, Tổng cục quân khí Nhật Bản đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tính năng của loại vũ khí ưu việt này để sử dụng cho các mục đích đối không, diệt hạm, đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa siêu vượt âm.

Nguồn điện, thân chính và đầu đạn của pháo điện từ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để phát triển – chế tạo các loại tên lửa đánh chặn thế hệ mới. Trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được giữa 2 nước từ tháng 8 năm 2023, Chính phủ Nhật Bản vừa ký với Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries, Ltd.) một hợp đồng trị giá hơn 56 tỷ Yên (tương đương khoảng 9.500 tỷ VND) liên quan việc sản xuất các bộ phận của một loại tên lửa nghênh kích mới. Để phát triển loại tên lửa này, Nhật Bản đã phải bổ sung 75,7 tỷ Yên (tương đương 12.800 tỷ đồng) vào ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo hợp đồng vừa ký, Mitsubishi sẽ phụ trách phần động cơ đẩy, đầu đạn và thiết bị hành trình. Thời hạn giao nộp sản phẩm là tháng 3 năm 2029.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ giao cho Northrop Grumman – một doanh nghiệp chuyên chế tạo các thiết bị bay và khí tài quân sự, đảm nhiệm các bộ phận còn lại của tên lửa, với mốc hoàn thành là vào năm 2030. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản loại tên lửa này có thể đánh chặn vũ khí siêu vượt âm trong hành trình lượn không lực đẩy. Tất cả các vũ khí nêu trên là nhằm đối phó với vũ khí siêu vượt âm do Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên đang sở hữu với số lượng được cho là rất lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại