Nói về chủ trương nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã có đủ điều kiện vừa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận tại hội nghị TƯ 6, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng: “Làm được thế thì rất tốt”.
Theo ông, nhất thể hóa không những gọn bớt chức danh mà còn làm cho hoạt động của bộ máy hiệu quả, nhanh gọn, quyết liệt hơn. Vì theo quy trình, nếu tách 2 vị trí đó, cấp uỷ họp, cho ý kiến rồi mới triển khai sang UBND, HĐND.
Nếu bí thư kiêm chủ tịch HĐND hay UBND, sau khi có ý kiến cấp uỷ sẽ triển khai luôn, không có độ trễ nữa.
“Bộ máy càng gọn nhẹ thì càng hiệu quả cao”, nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thống nhất cao sẽ làm được
Việc này cũng có nghĩa sẽ tinh giản hàng loạt biên chế, chức danh, động chạm trực tiếp đến “nồi cơm” của không ít lãnh đạo. Làm sao để giải bài toán này một cách hài hòa, thưa ông?
Vấn đề này đã nhiều lần được đặt ra.
Việc nhất thể hoá chỉ đụng chạm đến những người là cán bộ lãnh đạo, số lượng đó không nhiều, nhà nước sẽ có chính sách bố trí vị trí cho phù hợp. Nếu có sự thống nhất cao kèm theo chính sách hỗ trợ cán bộ thì sẽ giải quyết được.
Như lời Tổng bí thư, việc thực hiện bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, xã chỉ thực hiện ở những nơi có đủ điều kiện. Vậy theo ông, những điều kiện nào cần và đủ để thực hiện theo mô hình này, những nơi nào có thể thực hiện được?
Điều kiện trước hết phải là về con người. Bí thư kiêm chủ tịch UBND, tức là hợp nhất giữa Đảng với hành pháp thì công việc rất nhiều, đòi hỏi con người phải có đủ năng lực thực hiện, không thì rất khó.
Thứ hai là nơi đó cần có sự đồng thuận và nhất trí cao trong cấp uỷ và chính quyền, trong đội ngũ cán bộ. Thống nhất cao sẽ làm được.
Là vị trí 2 trong 1 nên quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu bí thư kiêm chủ tịch HĐND còn có yếu tố thuận vì lâu nay HĐND lãnh đạo tập thể nhưng với UBND là cơ quan hành pháp, bí thư kiêm chủ tịch UBND sẽ có vai trò rất quan trọng.
Chọn không đúng người rất nguy hiểm
Người nắm giữ vai trò 2 trong 1 này cần phải có những yếu tố gì?
Người giữ vai trò vừa là bí thư, vừa là chủ tịch HĐND/UBND đòi hỏi vừa có năng lực, vừa có đạo đức thì mới vận hành bộ máy thông suốt, hiệu quả.
Nếu chọn người không có chuyên môn, thực tiễn, không có đạo đức thì rất nguy hiểm.
Khi ấy, việc trao quá nhiều trọng trách cho 1 người sẽ là sức nặng khiến công việc không trôi chảy, không dám làm, lại phải xin ý kiến tập thể, hay có tình trạng sợ nên núp bóng tập thể. Việc này dễ dẫn đến sai lầm, dễ mất cán bộ, gây tác hại cho xã hội.
Điều nhiều người lo ngại khi thực hiện mô hình nhất thể hóa là vấn đề kiểm soát quyền lực để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
Đảng ta đã nói nhiều về các biện pháp kiểm soát quyền lực kể cả lúc chưa nhất thể hoá, vì mỗi vị trí đều có quyền lực cụ thể. Nhưng nhất thể hoá thì quyền lực tập trung hơn.
Nếu chọn người không rèn luyện, quán triệt tốt lại sử dụng quyền lực đi chệch hướng thì sẽ rất nguy hiểm và thực tế đã có trường hợp thế rồi.
Vì vậy điều quan trọng khi có quyền lực trong tay, phải có sự giám sát, phải có chế tài kiểm soát, tăng cường dân chủ hoá, tăng cường kiểm tra giám sát ở cấp trên, trong nội bộ.
Có quyền hạn thì phải có trách nhiệm. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý kiên quyết và triệt để. Nếu thực hiện cơ chế giám sát tốt thì sẽ kiểm soát được.
Bài học kiểm soát quyền lực từ vụ Bí thư Đà Nẵng Khi thực hiện nhất thể hóa phải quan tâm đến việc giám sát quyền lực, không chỉ cấp uỷ, mà cần có sự giám sát của dân qua các tổ chức chính trị xã hội, tập trung dân chủ phải mạnh hơn. Như ở Đà Nẵng, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, vì không có sự giám sát của dân nên không kịp thời phát hiện ra các sai phạm. Khi có tiếng nói, ý kiến của dân thì trong nội bộ Đảng lại không tập trung dân chủ nên mới dẫn đến sai lầm và bị kỷ luật như vừa qua. (Ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn chủ tịch MTTQ VN) Giám sát quyền lực Người nắm giữ 2 chức danh này cần phải phụ thuộc vào ý chí của người dân. Người dân có bỏ phiếu cho người nắm 2 chức danh hay không? Phải tạo ra được môi trường giám sát quyền lực nhà nước khi nhập vào. Ngược lại, không kiểm soát được mà nhập lại thì vấn đề càng trở nên nguy hiểm hơn. Nguyên tắc của kiểm soát quyền lực nhà nước là phải lấy "tham vọng đối trọng bằng tham vọng". (GS.TS Nguyễn Đăng Dung, nguyên Trưởng bộ môn Luật hành chính Hiến pháp, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) |