Sẵn sàng ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão số 11, các địa phương vùng trũng của tỉnh Quảng Trị cơ bản đã thu hoạch xong mùa màng, người dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các phương án đảm bảo tính mạng, tài sản khi mưa lũ tràn về.
Thông tin bão số 11 có diễn biến cùng đường đi phức tạp được cập nhật thường xuyên khiến nhiều người dân tại các địa phương vùng trũng ở tỉnh Quảng Trị không thể chủ quan.
Ông Võ Duy Phúc, 66 tuổi, trú tại thôn Hội Yên, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết, nơi gia đình ông sống thuộc vùng thấp trũng, nếu có mưa lớn chắc chắn nước sông sẽ dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng.
Không chỉ riêng ông Phúc, mà người dân ở đây vốn đã sống chung với lũ nên việc ứng phó phải được chuẩn bị từ trước. Nhiều hộ dân ở đây đã đầu tư xây dựng nhà chống bão lụt.
Đến mùa mưa lũ, những ngôi nhà này không những phát huy được tác dụng giúp cho tài sản, lương thực không bị cuốn trôi mà còn đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Nhà chống lụt bão phát huy tác dụng khi lũ về |
“Người dân Hải Quế đã số là canh tác giống lúa ngắn ngày, nhằm thu hoạch sớm trước khi bão lụt về nhằm tránh thiệt hại cho mùa màng.
Trước khi lũ về gia đình phải đi mua lương thực thực phẩm khô, chuẩn bị nước uống nhằm cung ứng trong suốt thời gian đó đợi lũ rút.
Khi nghe thông báo thì đưa mọi tài sản lên nhà chống bão lũ trên cao, đặc biệt là lúa, lương thực sau đó sẽ sinh hoạt ở trên tầng cao tránh thiệt hại về tình mạng”, ông Võ Duy Phúc cho biết.
Nhà chống lụt bão của người dân vùng trũng |
Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là địa phương có địa hình thấp nhất, hằng năm phải chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Nhằm ứng phó với mưa lũ lâu dài, địa phương đã kêu gọi người dân xây dựng nhà chống lũ.
Vừa qua, địa phương này thời đã phê duyệt hỗ trợ cho hơn 1000 hộ dân xây dựng nhà chống bão lũ, giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, từ kinh nghiệm nhiều năm sống chung với lũ, đến nay địa phương đã thu hoạch xong 7.000 ha lúa giống ngắn ngày, tránh thiệt hại cho mùa màng.
“Huyện có 7 xã thấp trũng âm hơn mực nước biển từ 0,5 đến 0,7 mét, Vì thấp nhất nên mình phải thu hoạch chạy lũ, lúa phải giống ngắn ngày, kinh nghiệm rồi.
Bây giờ lũ lụt đồng bào quen rồi nên nhà nào cũng có cái tra (gác lửng) để di dời lên, thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Chuẩn bị trước hết về tình thần, dân cơ bản cũng chủ động”, ông Hoàng Văn Vinh nói./.