Nhật - Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh để siết chặt Triều Tiên

Bùi Hùng |

Tối 15/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới sân bay Haneda, Nhật Bản bắt đầu chuyến thăm 3 nước Đông Á lần đầu tiên trên cương vị mới, từ ngày 15-18/3.

Diễn ra vào thời điểm khu vực Đông Bắc Á - một trong những “chảo lửa” ngoại giao “nóng” nhất thế giới - với nhiều thách thức an ninh, chuyến công du này được xem là phép “thử lửa” đối với chính sách đối ngoại của ông Rex Tillerson.

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Tillerson là Nhật Bản - quốc gia đồng minh thân thiết của Mỹ ở Đông Bắc Á. Và điều đầu tiên ông muốn giải quyết trong chuyến thăm Nhật Bản lần này là vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

"Siết chặt" Triều Tiên bằng quan hệ đồng minh

Trong ngày 16/3, Ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và chào Thủ tướng Shinzo Abe.

Trong cuộc hội đàm, hai bên tập trung thảo luận về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, trong đó xác nhận tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ giữa Nhật-Mỹ-Hàn trong bối cảnh sự đe dọa của việc phát triển hạt nhân của Triều Tiên đã chuyển sang một giai đoạn mới.

Ngoại trưởng Kishida cũng mong muốn được trực tiếp nghe những động thái mới của chính quyền Tổng thống Trump liên quan tới chính sách đối với Triều Tiên.

Trước đó, ngày 12/2, đúng lúc Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump vừa kết cuộc hội đàm nhân dịp ông Abe thăm Mỹ, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo mới.

Ngay lập tức, mặc dù vừa kết thúc bữa tiệc tối với Tổng thống Trump, Thủ tướng Abe đã tiến hành họp báo, phê phán gay gắt hành vi của Triều Tiên coi đây là hành động không thể chấp nhận được, đồng thời khẳng định Nhật-Mỹ sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ, đối phó với những diễn biến mới của Triều Tiên.

Tổng thống Trump cũng đã nhấn mạnh rằng Mỹ luôn sát cánh bên Nhật Bản và sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong vấn đề Triều Tiên.

Nhật - Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh để siết chặt Triều Tiên - Ảnh 1.

Chuyến thăm của ông Abe tới Mỹ vào tháng 2/2017 được cho là thành công. Ảnh: Getty

Nhằm tăng cường thử nghiệm kỹ thuật mới trong lĩnh vực hạt nhân, ngày 6/3 vừa qua, Triều Tiên tiếp tục phóng 4 quả tên lửa đạn đạo, trong đó có 3 quả rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản (EEZ).

Thủ tướng Abe một lần nữa chỉ trích gay gắt động thái này và cho rằng đe dọa về hạt nhân của Triều Tiên đã chuyển sang giai đoạn mới cần phải tăng cường cảnh giác.

Ngay ngày hôm sau, Thủ tướng Abe đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump khẳng định hành vi của Triều Tiên là khiêu khích đối với quốc tế và không thể chấp nhận được, mong muốn rằng hai nước sẽ sớm mở Hội nghị 2+2 (Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng) bàn cụ thể về vấn đề Triều Tiên.

Áp lực Mỹ-Nhật đối với Triều Tiên chưa đủ mạnh?

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình NHK của Nhật Bản, một chuyên gia châu Á của Mỹ dưới thời chính quyền George W. Bush cho rằng, việc Triều Tiên đang ráo riết thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân thể hiện mối đe dọa hạt nhân của nước này đối với thế giới đã chuyển sang giai đoạn cao hơn.

Tại sao Triều Tiên vẫn “đường hoàng” phóng tên lửa? Chuyên gia này cho rằng những chế tài mà Mỹ đang áp dụng để gây áp lực đối với Triều Tiên là chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, chìa khóa nữa để gây áp lực đối với Triều Tiên là Trung Quốc. Xét trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn tăng cường quan hệ tốt đẹp với Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải có những động thái rõ ràng đối với Triều Tiên để làm Washington hài lòng, nếu như không muốn nói là ủng hộ quan điểm của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, đồng nghĩa với việc ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề này.

Dù chính quyền Nhật Bản đã có những động thái mạnh mẽ đối với Triều Tiên, sẵn sàng gia tăng các biện pháp trừng phạt mới, nhưng trên thực tế những động thái này mới chỉ dừng lại ở mức phản đối, kháng nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hay áp dụng một số biện pháp về visa đối với công dân, doanh nhân Triều Tiên khi đến Nhật Bản. Theo thống kê, số lượng người Triều Tiên đến Nhật Bản cũng không nhiều.

Rõ ràng, để “siết chặt” Triều Tiên như Mỹ-Nhật-Hàn mong muốn, cần có những biện pháp đủ mạnh và thích hợp hơn. Nhưng việc liên kết, hợp tác như thế nào trong thời gian ngắn cũng chưa thể giải quyết.

Vì thế, chuyến thăm Đông Bắc Á lần này của Ngoại trưởng Mỹ có thể là bước chuẩn bị quan trọng để đối phó với vấn đề Triều Tiên đang ngày càng phức tạp.

Ngoài vấn đề Triều Tiên, hai Ngoại trưởng Mỹ-Nhật cũng trao đổi ý kiến về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông khi Trung Quốc đang mở rộng hoạt động tại khu vực này, xác nhận việc sớm mở Hội nghị 2+2 nhằm thảo luận chính sách cụ thể hướng tới tăng cường quan hệ đồng minh hai nước.

Ngoại trưởng Kishida cũng bày tỏ hy vọng rằng thông qua cuộc hội đàm lần này, quan hệ cá nhân với người đồng cấp Rex Tillerson sẽ sâu sắc hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại