Công trình trái phép ở Hoàng Sa tạo bình phong "bảo vệ sức mạnh hạt nhân TQ" như thế nào?

Hải Võ |

Reuters ngày 15/3 đưa tin, hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs cho thấy Trung Quốc đã khởi động một số công trình trái phép mới ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Theo Reuters, hình ảnh vệ tinh được chụp hôm 15/2 và 6/3 ở khu vực Đảo Bắc, thuộc quần đảo Hoàng Sa cho thấy một số hoạt động khai khẩn đất đai và chuẩn bị xây dựng bến tàu, nhằm phục vụ cho cái mà một số chuyên gia cho rằng có thể là căn cứ quân sự.

Các hoạt động xây dựng trái phép ban đầu của phía Trung Quốc đã bị thiệt hại trong một trận bão hồi năm ngoái. Động thái mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục tăng cường tầm ảnh hưởng quân sự trong khu vực.

Reuters dẫn lời các chuyên gia quân sự trong khu vực cho rằng, mặc dù Bắc Kinh cố gắng tránh xung đột trực diện với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng công trình mới cho thấy Trung Quốc cứng rắn trong chính sách xây dựng mạng lưới quân sự ở các đảo, đá trên biển Đông.

Nước này kiểm soát một cách chặt chẽ tiến độ cải tạo ở biển Đông để tránh tỏ ra quá thách thức nhằm vào Mỹ và đồng minh, nhưng điều đó không che dấu được tham vọng kiểm soát và "biến biển Đông thành sân sau" - Trang Guancha Syndicate dẫn thông tin từ báo cáo tình báo của phương Tây,

Trang này dẫn nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề biển Đông thuộc Học viện quốc phòng Australia, cho hay "quần đảo Hoàng Sa có vị trí rất quan trọng đối với việc Trung Quốc 'thống trị' biển Đông trong tương lai".

"Dù người Trung Quốc luôn tuyên bố sẽ không quân sự hóa ở các đảo đá, nhưng những hành động họ đang làm chính là quân sự hóa, kể cả là quân sự hóa từng chút một đi nữa," ông nói.

Công trình trái phép ở Hoàng Sa tạo bình phong bảo vệ sức mạnh hạt nhân TQ như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh chụp Đảo Bắc ngày 15/2 (trên) và 6/3 (Ảnh: Reuters)

Theo Guancha, Trung Quốc đã triển khai (trái phép) tên lửa đất đối không và hoàn thành sân bay cho phép cất/hạ cánh các chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Reuters bình luận mục đích của việc bố trí này là để "bảo vệ" các cơ sở thiết bị và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Trong khi đó, với vai trò là bình phong cho đảo Phú Lâm, trên Đảo Bắc đã xuất hiện các cơ sở hạ tầng dân sự và thiết bị sonar.

Giáo sư Trương Bạc Hối, Chủ nhiệm trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông nhận định về lâu dài, Bắc Kinh sẽ không ngừng tăng cường cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa.

Theo ông, Trung Quốc đánh giá rằng chính quyền Trump sẽ không đưa việc đối phó các hoạt động cải tạo trái phép của Bắc Kinh vào nhóm sự vụ cần ưu tiên.

"Chính quyền Trump vẫn còn những yếu tố không chắc chắn (đối với Trung Quốc). Nhưng các hoạt động xây dựng là hết sức quan trọng với Bắc Kinh. Quần đảo Tây Sa (cách gọi vô giá trị của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam-ND) là bình phong của đảo Hải Nam, mà đảo Hải Nam là điểm trọng yếu của sức mạnh hạt nhân Trung Quốc," ông Truong phân tích.

Ngày 18 và 19/3 tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc. Hồi tháng 1, ông từng cảnh cáo Trung Quốc cần chấm dứt việc cải tạo phi pháp ở biển Đông.

Tất cả những hoạt động trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định hôm 13/3: "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những hành động như vậy đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc ký tháng 10/2011.

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay và không tái diễn những hoạt động đó, đóng góp xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại