Nhật ký của một công dân Ý giữa mùa đại dịch: Thật đau đớn khi nỗi sợ hãi khiến chúng tôi phải chối bỏ thói quen của mình

AN ANH VŨ |

Một xã hội mở nhưng bị phong tỏa toàn bộ - nó như là một sự đối nghịch nhau về ý nghĩa vậy. Cho đến khi dịch bệnh xảy ra, cuộc sống của tôi và toàn bộ người Ý đã bị đảo lộn hoàn toàn.

“Mọi thứ đều đóng cửa: không trường học, không cửa hàng nào mở cửa, không quán bar, không nhà hàng, không tụ họp… Hãy chỉ ở nhà! Điều đó khiến tôi và những người dân Ý khác cảm thấy đau đớn vô cùng” - Đó là những lời chia sẻ của Beppe Severgnini, một người đang sinh sống tại Ý, về tình trạng hiện tại của nơi anh đang sinh sống và tình trạng chung của toàn bộ nước Ý.

Một xã hội mở nhưng bị phong tỏa toàn bộ - nó như là một sự đối nghịch nhau về ý nghĩa vậy. Cho đến khi dịch bệnh xảy ra, cuộc sống của tôi và toàn bộ người Ý đã bị đảo lộn hoàn toàn. Nó bắt đầu lây lan từ phía bắc - nơi tôi đang sinh sống - và tiếp đến là toàn bộ đất nước. Mọi thứ đều bị đóng cửa: không trường học, không tụ tập, không tiệc tùng, không rạp chiếu phim, không hoạt động thể thao. Không nhà hàng và quán bar nào được mở. Không cửa hàng nào được mở, trừ cửa hàng thực phẩm và nhà thuốc. Trên khắp đất nước, tính đến thứ 5 ngày 12/3 vừa qua, 15,113 người đã nhiễm virus corona (khoảng một nửa hiện đang nằm viện), 1,016 người đã chết và 1,258 người đã hồi phục.

Câu thần chú của chính phủ Ý chỉ có 3 từ: “Restate a casa” nghĩa là “Ở trong nhà”.

Điều gì đang xảy ra với cuộc sống hàng ngày ở một thị trấn nhỏ gần Milan trong khi đại dịch đang bùng phát?

Crema là một thành phố xinh đẹp, giàu có và kiêu hãnh, một cộng đồng tinh túy của Ý nơi mọi người đều quen biết nhau. Thành phố này đã được mô tả trong nhiều cuốn sách và trở thành bối cảnh nổi tiếng của phim lãng mạn “Call me by your name” (tên tiếng Việt của bộ phim là “Gọi em bằng tên anh”). Chỉ cần nhìn ra cửa sổ là tôi có thể nhìn thấy toàn bộ quảng trường Piazza del Duomo.

Ngay khi tôi đang viết bài viết này vào lúc 10 giờ sáng, bao trùm quảng trường hiện tại là một sự im lặng đến đáng sợ. Thông thường, quảng trường sẽ đầy ắp các sinh viên, người đi mua sắm, nông dân, bạn bè cùng nhau đi đến quán cà phê để tận hưởng một cốc cappuccino vào buổi sáng. Bên dưới cửa sổ của tôi, người già về hưu thường tụ tập để nói chuyện và đón ánh bình minh sớm. Còn hôm nay, nắng đã chiếu lên những viên gạch của nhà thờ mà chỉ có một người đi xe đạp mang mặt nạ đi qua cổng Torrazzo. Ngay cả tiếng chuông từ nhà thờ nghe cũng khác lạ trong sự tĩnh lặng hiếm thấy.

Giờ đây khi mọi người gặp mặt nhau, mọi người thường đứng cách xa nhau hoặc tạo ra một khoảng cách đề phòng. Điều đó thật không đúng với người Ý một chút nào. Thông thường người Ý chúng tôi khi gặp mặt nhau thì sẽ đón tiếp nồng hậu với người kia, bắt tay và ôm hôn. Chúng tôi là một cộng đồng thân thiện. Người Ý có xu hướng tin tưởng vào giác quan và trực giác của mình hơn thông qua sự tiếp xúc. Đối với chúng tôi, cuộc sống là món ăn, rượu, âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc; hương vị của đồng quê; sự ấm áp của một gia đình và sự ôm ấp thân thiết của bạn bè. Những trải nghiệm cảm xúc đó đều liên quan đến miệng, mũi, tai, mắt và tay của chúng tôi.

Nỗi sợ của virus Covid-19 đã khiến người Ý chúng tôi phải chối bỏ những thói quen của mình. Điều đó thật đau đớn.

Bệnh viện gần nhất thành phố Crema đã bị quá tải bởi các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tôi có biết một số người làm việc ở đó là các bác sĩ, y tá, nhân viên. Họ thực sự kiệt sức nhưng quyết tâm không đầu hàng. Dịch vụ y tế công cộng của vùng Bologna là tốt nhất ở nước Ý và Ý thì được coi là tốt nhất ở châu Âu, vậy mà mọi thứ vẫn thật sự khó khăn. Tính đến thứ 4, đã có 91 trường hợp nhiễm Covid-19 ở Crema, và 263 trường hợp nhiễm ở các khu vực lân cận vùng Cremasco. Vào hôm thứ 3 vừa rồi, ba bạn trẻ đã bắt đầu chiến dịch quyên góp từ thiện và chỉ trong một ngày, họ đã có được 80.000 euro (hơn 2 tỷ Việt Nam đồng!). “Nhưng tiền để làm gì nếu bạn không có đủ trang thiết bị để bảo vệ bác sĩ và y tá” - một nhân viên đang làm ở bệnh viện đã nhắn tôi như vậy.

Bạn có thể cho rằng các hộp thư thoại của chúng tôi đang tràn ngập vì mọi người đều có thời gian rảnh nhiều hơn, nhưng thực tế thì ngược lại. Hầu hết các email hiện tại đều thông báo về việc hoãn sự kiện hay các dịch vụ bị gián đoạn, đóng cửa, không thể phục vụ. Ngay cả các tin nhắn trên các phương tiện xã hội, mới đầu mọi người còn hào hứng đùa nhau về bệnh dịch có thể diễn ra, giờ cũng đã “khô cằn” vì không ai muốn nhắc tới nữa. Giờ đây, mọi người sử dụng mạng xã hội như Facebook để chia sẻ với thế giới bên ngoài về tình hình những gì đang xảy ra ở đây, như một thông điệp điện tử được cho vào trong một cái chai và gửi ra bên ngoài vậy.

Irena Soave, một người bạn đồng nghiệp của tôi đã viết rằng: “Rốt cuộc thì những người hay hoảng loạn như tôi lại cảm thấy ít hoảng loạn nhất trong thời điểm hiện tại. Một người bạn được cho là “bình-tĩnh-nhất” của tôi đã gọi cho tôi 10 lần một ngày chỉ để hỏi xem tôi có ổn không, nhưng tôi thì cảm thấy tông giọng của họ càng ngày càng cao.”

Nhật ký của một công dân Ý giữa mùa đại dịch: Thật đau đớn khi nỗi sợ hãi khiến chúng tôi phải chối bỏ thói quen của mình - Ảnh 1.

Sau bữa trưa với vợ của tôi, Ortensia, chúng tôi quyết định đi dạo với chú chó của mình, và chúng tôi đều ý thức được việc chính phủ đã khuyến cáo hạn chế tụ tập ở những nơi đông người. Chính phủ Ý đã ban hành một danh sách những câu hỏi thường gặp và đi bộ ở vùng nông thôn là điều chúng tôi được phép làm, tuy nhiên chúng tôi phải giữ khoảng cách với người khác trong vòng một mét. Một số câu hỏi khác như: “Tôi có thể đi làm không?” (câu trả lời là: có nhưng bạn sẽ phải chứng minh là bạn đi đâu?); “Tôi có thể đến thăm bạn bè ở thành phố/thị trấn khác không?” (câu trả lời là: không); “Tôi có thể đi du lịch không?” (câu trả lời là: quên nó đi).

Chúng tôi đi bộ dưới ánh mặt trời ấm áp, giữa những cánh đồng bằng phẳng và những con mương nông, trên nền của những ngọn núi phủ tuyết xung quanh Bergamo. Bầu trời hôm nay rất trong xanh. Mirta - chú chó của chúng tôi dường như đang tận hưởng không khí của mùa xuân và không hề hay biết gì về những gì đang xảy ra trong cộng đồng người Ý. Trên đường đi, chúng tôi có gặp một số người chạy bộ khác, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc vẫy chào lẫn nhau từ xa và không ai muốn dừng lại để nói chuyện cả.

Con trai của chúng tôi - Antonio, 27 tuổi, đang điều hành một nhà hàng cách đây không xa. Antonio thuê 6 nhân viên khác cỡ trạc tuổi của mình. Chúng cố gắng giữ cho mọi thứ vẫn tiếp tục diễn ra bình thường, cho đến khi thông báo mới nhất của chính phủ công bố, buộc các nhà hàng phải đóng cửa vào lúc 6 giờ tối (khung giờ vàng của việc kinh doanh nhà hàng). Mặc cho nguyên liệu vẫn có thể mua được và đồ ăn vẫn có thể đóng gói để chuyển đi, nhưng không một nhà hàng nào muốn chỉ mở cửa để phục vụ vào buổi trưa cả. Mọi người không thể đi du lịch hay di chuyển để gặp gỡ nhau. Rất nhiều các công ty du lịch ở Ý đã bắt buộc phải để nhân viên của mình nghỉ không lương hoặc cho thôi việc. Con trai của chúng tôi vẫn quyết định trả lương đầy đủ cho nhân viên của mình ngay cả trong bối cảnh nhà hàng làm ăn thua lỗ. Nhưng liệu con trai tôi sẽ trụ được trong bao lâu?

Nhật ký của một công dân Ý giữa mùa đại dịch: Thật đau đớn khi nỗi sợ hãi khiến chúng tôi phải chối bỏ thói quen của mình - Ảnh 3.

Chúng tôi trở về nhà dọc theo những con đường hoang vắng. Tôi bật tivi lên. Serie A - giải bóng đá chính của Ý đã chính thức bị hoãn vô thời hạn, không có một trận đấu nào cả. Lướt nhanh qua kết quả của các trận đấu NBA cũ hay các trận bóng của giải ngoại hạng Anh từ tuần trước, có vẻ tất cả đều vô nghĩa. Tôi đi bộ trở lại văn phòng của mình để cố gắng hoàn thành công việc còn đang dở dang. Tôi cũng sẽ phải đến Milan vào ngày mai nữa. Tôi phải mang theo thẻ nhà báo của mình và điền vào một mẫu đơn để xác nhận rằng chuyến đi của tôi là dành cho công việc, trong trường hợp cảnh sát chặn tôi lại để hỏi thông tin. Cuộc sống trên giấy tờ của con người lại một lần nữa diễn ra.

Với các nhân viên ở Ý, nếu họ có khả năng làm việc tại nhà thì họ sẽ phải tiếp tục công việc như vậy, còn đối với các nhân viên khác thì đều bị cắt giảm tới mức tối thiểu. Hầu hết các công ty ở Ý đều đang áp dụng chế độ đó, đến mức hiện nay còn có một trò đùa rằng “làm việc thông minh” ở Ý có nghĩa là không nên đến văn phòng làm việc. Nhưng đối với công việc truyền thông, thông tin là rất quan trọng - như chính phủ Ý đã nói. Vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục công việc của mình không bằng cách này thì cũng bằng cách khác. Chúng tôi cảm thấy mỗi cá nhân như là một người lính cứu hỏa đang ở giữa tâm của đám cháy - nhưng ít nhất là chúng tôi vẫn có việc gì đó để làm.

Nhật ký của một công dân Ý giữa mùa đại dịch: Thật đau đớn khi nỗi sợ hãi khiến chúng tôi phải chối bỏ thói quen của mình - Ảnh 4.

Chiều muộn, tôi bỏ dở nghiên cứu của mình ở Crema để trở về nhà. Ánh sáng tự nhiên đã bị thay thế bởi ánh sáng từ các cột đèn đường, quảng trường vẫn trống vắng như vậy. Tôi đi bộ dọc theo nhà thờ Duomo, viên ngọc quý của kiến trúc Gothic La Mã. Nó đã từng bị thiêu rụi bởi một hoàng đế Đức đầy tàn bạo vào thế kỷ thứ 12. Sau đấy, những cư dân của Crema đã xây dựng lại một công trình mới thay thế. Tôi thử đẩy cửa và mở được, bên trong tối đen như mực. Bên trong nhà thờ là một cây thánh giá bằng gỗ được chạm khắc từ thế kỷ thứ 13, mà mọi người trong thị trấn đã đến để cầu nguyện trong trận dịch bệnh năm 1630 - 1631, được mô tả trong cuốn “The Betrothed” (tạm dịch “Đính hôn”) của Alessandro Manzoni, và một lần nữa vào năm 1747. Ngày hôm nay, chỉ có duy nhất một người phụ nữ đang ngồi cầu nguyện trong đó, cô ấy nghe thấy tôi gọi nhưng còn không buồn quay đầu lại.

Tôi rời khỏi nhà thờ. Bỗng nhiên có một tiếng nhạc rất lớn ở bên ngoài. Tiếng ồn - đó là thứ tôi cảm thấy nhớ nó. Đó là tiếng nhạc phát ra từ một chiếc loa bởi một anh chàng mất trí sống ở thị trấn của chúng tôi, người luôn lượn lờ khắp nơi với chiếc xe đạp của mình và một thùng loa ở đằng sau. Vài tháng trước, ai đó đã đánh cắp chiếc loa của anh ta, và những cư dân của thành phố Crema đã quyên góp tiền lại để mua cho anh ta một chiếc loa mới. Anh ta yêu thích những bản nhạc hit. Và hôm nay, anh ta đang bật bài “Ti Amo,” của Umberto Tozzi. Nó thật vô lý trong thời điểm này nhưng vẫn đem lại một cảm giác tốt đẹp. Sau cùng, cuộc sống vẫn sẽ cần tiếp diễn ở Ý.

Nhật ký của một công dân Ý giữa mùa đại dịch: Thật đau đớn khi nỗi sợ hãi khiến chúng tôi phải chối bỏ thói quen của mình - Ảnh 5.
Nhật ký của một công dân Ý giữa mùa đại dịch: Thật đau đớn khi nỗi sợ hãi khiến chúng tôi phải chối bỏ thói quen của mình - Ảnh 7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại