Ở Triều Tiên, ông Tập Cận Bình đề cập đến "tương lai sáng lạn" và "chương sử tuyệt vời mới" cho mối quan hệ giữa hai nước láng giềnh của nhau này ở khu vực Đông Bắc Á.
Không thấy hai bên công bố đã ký kết với nhau văn kiện chính trị quan trọng nào cũng như thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư gì lớn. Cũng không thấy ông Tập Cận Bình đưa ra cam kết mới của Trung Quốc về hậu thuẫn Triều Tiên. Cơ quan thông tấn chính thức của hai bên không cho biết là tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề hạt nhân của Iran được hai bên đề cập và thảo luận đến đâu. Chỉ thấy nói đến việc ông Tập Cận Bình thôi thúc Mỹ và Triều Tiên tiếp tục đàm phán hoà bình và hoà giải cũng như Trung Quốc và Triều Tiên nhất trí với nhau rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết bằng chính trị và đàm phán hoà bình cần phải được tiếp tục.
Sự đón tiếp trọng thị của Triều Tiên dành cho ông Tập Cận Bình đủ để cho thấy phía Triều Tiên coi trọng và cần chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình như thế nào.
Triều Tiên và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong mọi chuyện thuộc quan hệ song phương cũng như chính trị thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, lại đồng minh chiến lược và đối tác tin cậy thực chất như truyền thống có từ xưa là những nội hàm chính trong thông điệp được hai bên phát đi từ sự kiện này.
Nhưng cái đặc biệt nhất lại ở chỗ chuyến đi Triều Tiên này của ông Tập Cận Bình được thu xếp có phần vội vã và bối cảnh chung ở khu vực cũng như trên thế giới liên quan trực tiếp đến Trung Quốc và Triều Tiên.
Sau 14 năm mới lại có người nắm giữ quyền lực cao nhất và nhiều nhất của Trung Quốc tới thăm Triều Tiên và hơn 7 năm sau khi nắm giữ những quyền kia ở Trung Quốc thì ông Tập Cận Bình mới đi thăm Triều Tiên. Chuyến đi được tiến hành chỉ 3 ngày sau khi được công bố.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã 2 lần gặp tổng thống Mỹ Donald Trump và đã nhiều lần gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng như đã tới Nga để gặp tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau sự khởi đầu tích cực và tràn trề hy vọng, tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên hiện trì trệ và bế tắc ở chỗ giữa hai bên có sự khác biệt rất cơ bản về thực hiện phi hạt nhân hoá Triều Tiên như thế nào, về mức độ đánh đổi giữa Mỹ từ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên và Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Cả quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ với Nga hiện đều rất trục trặc. Trung Quốc và Nga đều bị Mỹ gây khó dễ bằng nhiều cách khác nhau trên nhiều phương diện khác nhau. Ông Tập Cận Bình đi thăm Triều Tiên sau khi tới thăm Nga và trước khi gặp ông Trump ở bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 tổ chức ở thành phố Osaka của Nhật Bản. Cho nên có thể thấy thúc đẩy quan hệ song phương không phải là mục đích chính duy nhất của sự kiện này. Công cụ hoá việc thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ song phương ấy phục vụ cho từng bên trong quan hệ của họ với các đối tác khác là mục đích chính khác quan trọng tương tự đối với Trung Quốc và Triều Tiên.
Ở đây, việc hai nước là láng giềng trực tiếp của nhau và có mối quan hệ gắn kết truyền thống từ nhiều thập kỷ nay là tiền đề thuận lợi cơ bản nhất. Giữa Triều Tiên và Nga cũng vậy. Cái "cự ly" này Mỹ và Triều Tiên không có được với nhau.
Cự ly ấy giúp cho Triều Tiên và Trung Quốc cũng như Triều Tiên và Nga có thể dễ dàng gây dựng, củng cố và tăng cường lòng tin với nhau, nhưng đồng thời khiến cho họ lệ thuộc lẫn nhau nhiều hơn. Triều Tiên phải dựa cậy vào Trung Quốc và Nga để đối phó với những biện pháp gây áp lực và trừng phạt của Mỹ trong khi Trung Quốc và Nga bị ảnh hưởng trực tiếp từ những gì đang xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, bất kể đó là chiến tranh hay hoà bình, đối đầu hay hòa giải.
Sau đó phải kể đến lợi ích riêng của từng bên với việc thúc đẩy quan hệ song phương. Lợi ích về kinh tế, thương mại và đầu tư thì rất rõ. Nhưng đáng được chú ý hơn thế nữa ở đây là lợi ích chính trị và địa chiến lược ở khu vực. Triều Tiên sử dụng Trung Quốc và cả Nga làm đối trọng cho quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn Trung Quốc và Nga có được cái gọi là "con bài Triều Tiên" trong quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc.
Với chuyến thăm Triều Tiên này, ông Tập Cận Bình xác lập ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên và từ đó khẳng định vai trò của Trung Quốc trong những tiến trình chính trị an ninh đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, buộc Mỹ và cả Hàn Quốc dẫu có muốn hay không muốn, thích hay không thích thì cũng đều không thể bỏ qua.
Nói theo cách khác, vì ông Trump có nhu cầu xử lý vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nên không thể không luỵ Trung Quốc và ông Trump phải biết ứng xử như thế nào với Trung Quốc mà gần tới nhất là ở Osaka trong chuyện bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc thì mới có thể cầu vọng được Trung Quốc ra tay trợ giúp.
Cái gì cũng đều có giá của nó và thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên giúp Trung Quốc có thể tăng cái giá buộc Mỹ phải trả. Càng không phân rẽ được Triều Tiên với Trung Quốc và Nga cũng như phân hoá giữa Trung Quốc và Nga liên quan đến Triều Tiên thì phía Mỹ sẽ phải trả giá càng cao cho việc giải quyết chuyện quan hệ song phương với Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình đi thăm Triều Tiên vào thời điểm hiện tại do tình thế thôi thúc, nhưng lại cũng nhờ thời thế mà có được chuyến thăm rất thành công.