Tên lửa Pukguksong-3 của Triều Tiên được phóng thử nghiệm từ tàu ngầm ở ngoài khơi Vịnh Wonsan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mặc dù đang lúc tiếp xúc cử tri trong cuộc bầu cử Hạ viện tại khu vực xa Tokyo cho biết, sẽ sớm trở về Tokyo để đưa ra chỉ thị nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đưa ra những đối sách cần thiết cho việc đảm bảo an ninh quốc gia.
Trong khi đó, phía Hàn Quốc cho biết, quân đội Hàn-Mỹ đang phối hợp, giám sát chặt chẽ các động thái liên quan của Triều Tiên, duy trì trạng thái sẵn sàng đối phó với trường hợp nước này phóng tiếp tên lửa.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc cùng ngày đã triệu tập cuộc họp khẩn Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), nghe Hội đồng tham mưu trưởng liên quân báo cáo về vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên, bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc phóng tên lửa giữa lúc Hàn Quốc và các nước lớn đang tích cực thảo luận nhằm đạt tiến triển cho lộ trình hòa bình bán đảo Triều Tiên.
Seoul hối thúc Bình Nhưỡng nhanh chóng ngồi vào bàn đối thoại, nhấn mạnh ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên là điều cấp thiết hơn lúc nào hết.
Cơ quan tình báo Hàn-Mỹ vẫn đang phân tích các thông tin liên quan, như chủng loại hay tầm bắn của tên lửa. Có khả năng lần này Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), do địa điểm phóng là nơi có cơ sở phát triển tên lửa SLBM của nước này.
Đây là động thái thị uy sức mạnh quân sự lần thứ 8 của Triều Tiên trong năm nay, 19 ngày sau vụ phóng trước đó vào ngày 30/9.
Trong tháng trước, Triều Tiên đã 4 lần phóng thử nghiệm tên lửa. Vào ngày 11 và 12/9, nước này phóng thử nghiệm tên lửa hành trình. Tới ngày 15/9 phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ tàu hỏa, ngày 28/9, phóng tên lửa siêu thanh "Hwasong-8", và ngày 30/9 phóng tiếp tên lửa đất đối không kiểu mới.
Dư luận đang chú ý tới ý đồ trong vụ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên, trong bối cảnh Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân và Giám đốc Cơ quan tình báo ba nước Hàn-Mỹ-Nhật nhóm họp tại Washington và Seoul, thảo luận về việc nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.