Nhật Bản sẽ điều quân đến vùng Vịnh để chiều lòng Tổng thống Trump?

Hồng Anh |

Ông Abe sẽ phải lựa chọn giữa việc chiều lòng Mỹ, đồng minh chính của Nhật Bản hoặc lấy lòng các cử tri trong nước vốn phản đối điều quân ra nước ngoài.

Việc Mỹ kêu gọi Nhật Bản tham gia liên minh an ninh hàng hải bảo vệ tàu thuyền di chuyển ở vùng Vịnh khỏi các cuộc tấn công của Iran đã khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rơi vào thế khó. Ông Abe sẽ phải lựa chọn giữa việc chiều theo đồng minh quân sự chính của nước này hoặc bỏ qua lời kêu gọi của Washington để trấn an các cử tri trong nước vốn hoài nghi về việc triển khai quân tại nước ngoài.

Thủ tướng Abe “tiến thoái lưỡng nan”

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ đã yêu cầu Nhật Bản tham gia cuộc tập trận hải quân chung tại Eo biển Hormuz . Đây là điều từng được dự đoán trước ở Tokyo kể từ khi Tổng thống Donald Trump đăng tải dòng Tweet vào tháng 6 chỉ trích Nhật Bản là “kẻ ăn bám về an ninh”. Chính quyền Tổng thống Shinzo Abe đến nay vẫn tìm cách tránh mọi động thái có thể làm dấy lên những lời chỉ trích cho rằng ông đang làm xói mòn Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

Ông Garren Mulloy, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka ở Saitama (Nhật Bản) cho biết: “Thủ tướng Abe lo ngại dư luận về vấn đề an ninh song cũng sợ “chọc giận” Tổng thống Trump. Điều này cho thấy sự thiếu quyết đoán của ông Abe và của nội các Nhật Bản”.

Sẽ là một sự đánh cược lớn với chính quyền của Tổng thống Abe – người từng cho rằng việc di chuyển an toàn qua Eo biển Hormuz là “vấn đề sống còn” xét về mặt an ninh năng lượng. Ước tính 80% lượng nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản đến từ khu vực Trung Đông và phần lớn được trung chuyển qua Eo biển Hormuz- nơi đang trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công tàu chở dầu, cũng như tranh cãi giữa Mỹ và Iran về những nỗ lực của Washington nhằm đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân được ký kết từ năm 2015. Dù không phải là bên tham gia thỏa thuận này nhưng Nhật Bản luôn tìm cách xoa dịu sự thù địch giữa Mỹ và Iran.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nhật Bản rất khó để khước từ đề xuất của Mỹ bởi Tổng thống Trump từng đe dọa đánh thuế nặng tay đối với lĩnh vực xuất khẩu ô tô chủ chốt của Tokyo, coi đây là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Nhật. Hơn nữa, Hàn Quốc – một đồng minh khác của Mỹ đang cạnh tranh với Nhật Bản về sự hỗ trợ của Washinton, đã xem xét điều động một đơn vị hải quân tham gia liên minh an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu. Đan Mạch cũng đang cân nhắc động thái tương tự, còn Anh đã điều 2 tàu chiến đến khu vực.

Chính quyền Tổng thống Trump đã hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia liên minh an ninh hàng hải sau khi các nước Châu Âu phản đối đề xuất của ông Trump. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thể hiện sự tin tưởng đối với kế hoạch này trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế ở Washington hôm qua (29/7): “Các nước trên nơi trên thế giới có lợi ích từ việc duy trì các tuyến đường biển mở cửa sẽ tham gia. Chúng ta sẽ thành công".

Hiện tại, dư luận Nhật Bản đang chia rẽ về việc triển khai lực lượng đến vùng Vịnh. Một cuộc khảo sát do kênh truyền hình Tokyo công bố hôm qua (29/7) cho thấy, 41% số người được hỏi cho rằng Nhật Bản nên điều tàu quân sự tới khu vực, trong khi 42% phản đối ý tưởng này.

Ông Ryo Sahashi, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học Tokyo cho biết: “Để được sự đảm bảo của Mỹ về mặt an ninh, thì một đồng minh của Mỹ tại Đông Á cần phải hợp tác với Washington ở Trung Đông. Có rất nhiều lý do để giải thích tại sao việc tham gia liên minh lại khó khăn, thứ nhất là quan hệ giữa Nhật Bản và Iran, tiếp đến là rất khó tìm một cơ sở pháp lý”.

Đâu là cơ sở pháp lý?

Tổng thống Shinzo Abe đã tìm cách nới lỏng những hạn chế của hiến pháp được soạn thảo từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, hay còn gọi là “Hiến pháp hòa bình” quy định “không sử dụng vũ lực hay đe dọa bằng vũ lực khi giải quyết các tranh chấp quốc tế". Nói cách khác, các binh sĩ Nhật Bản sẽ không được phép tham chiến ở nước ngoài, và chỉ được nổ súng phản công trong trường hợp bị tấn công, xâm lược.

Năm 2015, liên minh của Thủ tướng Abe đã có một số sửa đổi nhất định, bằng việc thông qua đạo luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản bảo vệ các quốc gia đồng minh trong trường hợp họ bị tuyên chiến. Quyết định này đã gây ra cuộc biểu tình lớn trong nước và sự tranh cãi giữa các nhà lập pháp.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu của thượng viện cách đây 1 tuần, Thủ tướng Abe đã tái khẳng định lại cam kết đẩy mạnh nỗ lực sửa đổi hiến pháp để làm rõ hơn quyền hạn pháp lý của Lực lượng phòng vệ - một động thái có thể gây ra những phản ứng tương tự. Nhà phân tích Sahashi, thuộc Đại học Tokyo cho rằng Nhật Bản có thể thay đổi quan điểm và đồng ý tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu tại vùng Vịnh, tuy nhiên với mức độ hạn chế: “Họ sẽ đàm phán về sự hợp tác ở cấp độ thấp, để ít nhất chứng minh rằng Nhật Bản là một phần của lực lượng đặc nhiệm đảm bảo an ninh tại vùng Vịnh”.

Trước đó vào năm 1991, Nhật Bản đã điều tàu quét mìn của Lực lượng phòng vệ biển tới Vịnh Persian. Tiếp đến năm 1992, nước này tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình ở Campuchia. Nhật Bản cũng đóng góp cho các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi Somalia kể từ năm 2009./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại