Nhật Bản "ra tay" khi Philippines tìm cách "phá băng" với TQ

Thi Anh |

Có lẽ đây là nỗ lực của Tokyo nhằm giúp Philippines "đối phó" với một Trung Quốc đang ngày càng hung hãn trên biển Đông.

Tăng cường tuần tra biển Đông?

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tokyo và Manila đã bắt đầu đàm phán về việc chuyển giao 2 tàu tuần tra cỡ lớn nhằm tăng cường năng lực an ninh cho Philippines tại vùng biển tranh chấp. Dự kiến, quá trình chuyển giao sẽ bắt đầu từ tuần tới.

"Chúng tôi đã trao đổi về cách Nhật Bản có thể giúp Philippines tăng cường năng lực an ninh, đặc biệt là an ninh trên biển", ông Masato Ohtaka, phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay.

"Chúng tôi rất lo ngại", ông Ohtaka nhấn mạnh, những diễn biến trên biển Hoa Đông và biển Đông có thể sẽ diễn ra song song, khi mà trong thời gian gần đây, Bắc Kinh rầm rộ đưa tàu hải cảnh vào tuần tra tại vùng biển tranh chấp.

Trao đổi với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định: Tokyo sẽ tiếp tục cung cấp tàu tuần tra cho Manila, đồng thời nâng cấp trang bị cho lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, đặc biệt là năng lực do thám.

Khoản vay lớn nhất bằng đồng yen

Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẵn lòng hỗ trợ Philippines xây dựng hệ thống tàu hỏa - một phần trong khoản tiền 241,991 triệu yen (tương đương 2,37 tỉ USD) mà Nhật Bản cho Philippines vay để xây dựng đường ray dài 38 km.

Đây là một trong những khoản vay lớn nhất bằng đồng yen của Tokyo.

Nằm trong Dự án Đường ray Bắc - Nam, đường tàu hỏa này sẽ nối liền Tutuba (Manila) với Malolos (Bulacan).

Lý giải về quyết định của phía Nhật Bản, ông Ohtaka cho biết: "Philippines là một đối tác rất quan trọng. Sự thịnh vượng của Philippines cũng rất quan trọng".

Người Nhật vốn rất tự hào về hệ thống tàu cao tốc của mình - hệ thống Shinkasen.

Nhật Bản ra tay khi Philippines tìm cách phá băng với TQ - Ảnh 1.

Hệ thống Shinkansen - niềm tự hào của Nhật Bản.

Khi trận động đất mạnh 9 độ richter khiến Nhật Bản rung chuyển vào tháng 3/2011, 38 con tàu cao tốc đang hoạt động ở khu vực phía Bắc.

"Cả 38 đoàn tàu đã dừng lại - một cách an toàn. Và không có ai bị thương", ông Ohtaka nói, "Suốt hơn 50 năm qua, mỗi năm có hàng chục nghìn chuyến tàu và chúng tôi không gặp bất cứ tai nạn chết người nào".

Ông Ohtaka chia sẻ thêm, "Chúng tôi muốn người Philippines cũng được hưởng điều này".

Cải thiện tình trạng giao thông là một trong những ưu tiên hàng đầu và cũng là điều ông Duterte đã hứa hẹn khi tranh cử Tổng thống. Ông Duterte từng nói, dự án trọng điểm đầu tiên của ông sẽ là "đường tàu hỏa".

Tuy nhiên, chưa chắc Philippines sẽ sử dụng 100% công nghệ Nhật để xây dựng đường ray này.

Hiện ông Duterte cũng đang cân nhắc tới đề nghị thi công đường ray của Trung Quốc. Cuối tháng 6, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ chỉ mất 2 năm để xây dựng đường ray từ Metro Manila tới Clark, Pampanga.

Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, hệ thống tàu của Trung Quốc có thể không đến cùng với một khoản vay, mà là một thỏa thuận.

Khi còn tranh cử, ông Duterte đã thẳng thừng khẳng định, ông sẽ cho phép Trung Quốc cùng khai thác vùng biển tranh chấp để đổi lấy hệ thống tàu.

Hai vấn đề trên đã được 2 bên đem ra trao đổi nhân dịp Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida có chuyến công du 3 ngày tới Philippines. Chuyến thăm xảy ra đúng vào thời điểm cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos tới Trung Quốc để tìm cơ hội "phá băng", cải thiện quan hệ sau vụ kiện biển Đông.

Hôm nay, 12/8, ông Ramos đã tiến hành gặp gỡ bà Phó Oánh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và ông Wu Shichun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc. 

Theo ông Ramos, vấn đề tranh chấp lãnh hải không được đưa ra trong cuộc gặp, nhưng 2 bên có trao đổi về quyền đánh bắt cá. Ông Ramos cũng cho biết, vòng thảo luận thứ 2 có thể sẽ sớm diễn ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại