Nhật Bản giáo dục đạo đức học sinh ra sao?

Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) |

GD&TĐ - Coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh ngay từ cấp học mầm non, tiểu học là một điểm nhấn nổi trội của nền giáo dục Nhật Bản.

Không sách vở, giáo điều

Nhật Bản là một quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người biết chữ thực tế gần như bằng 100% và gần 80% số học sinh tốt nghiệp phổ thông được tiếp tục theo học lên, một con số ngang hàng với Mỹ và vượt trội một số nước châu Âu. Đặc biệt, coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh ngay từ cấp học mầm non, tiểu học là một điểm nhấn nổi trội của nền giáo dục Nhật Bản.

Các mục tiêu 3 năm đầu ở tiểu học, nội dung giáo dục đạo đức, bao gồm: rèn luyện tác phong, kỉ luật trước khi học kiến thức, kĩ năng học tập, giúp các em hình thành những quy chuẩn về hành vi và phát triển tính cách. Học sinh được dạy cách tôn trọng người khác, đối xử nhẹ nhàng với động vật và thiên nhiên. Học sinh được hướng dẫn, rèn luyện các quy tắc ứng xử với mọi người với quy tắc nền tảng là tôn trọng cộng đồng, làm việc theo nhóm. Những cảm xúc và niềm tin này rất quan trọng trong xã hội Nhật Bản và theo mỗi cá nhân suốt cuộc đời.

Phương pháp giáo dục đạo đức nhấn mạnh tới: quá trình nuôi dưỡng đạo đức thì từng học sinh có thể cảm nhận sự trưởng thành của chính bản thân suốt quá trình đó, từ đó tìm ra mục tiêu cũng như vấn đề của bản thân. Thay vì nhận xét các hành vi của người khác, tập trung giúp học sinh tự đánh giá hành động của mình và tự trau dồi học hỏi cho bản thân. Học sinh sẽ tự tham gia cảm nhận về chủ đề mình đang học từ đó tự có thái độ và cách đối xử đúng đắn.

Học sinh được tạo nhiều điều kiện để suy nghĩ về các tình huống, bài học đạo đức theo nhiều chiều, nhiều cách khác nhau. Chú trọng giáo dục khả năng phán đoán, ra quyết định và hành động của học sinh. Thêm vào đó, có thể phát huy giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động trải nghiệm hay thực hành đa dạng qua các hoạt động đặc biệt. Không giáo dục học sinh thiên về cách suy nghĩ hay cái nhìn mặc định đối với các sự việc, không áp đặt cảm xúc, cách xử lí mà tạo nhiều cơ hội để học sinh bộc lộ nhiều cảm xúc đa dạng, cách xử lí phong phú phù hợp với từng cá nhân.

Có thể có những gợi ý về câu trả lời, suy nghĩ của học sinh nhưng giáo viên luôn đón nhận những suy nghĩ, cách nhìn đa dạng của học sinh để phân tích. Học sinh còn được dạy và rèn luyện: trước khi nói, trước khi hành động cần suy nghĩ phán đoán đối tác của mình sẽ suy nghĩ, sẽ phản ứng thế nào? Hay nói khác hơn là phải đặt mình vào vị trí của người khác trước khi nói và hành động để không làm tổn thương đến người khác. Rộng hơn là giáo dục giá trị sống nhân hậu cho học sinh.

Nhật Bản giáo dục đạo đức học sinh ra sao? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa/ITN

Nhiệm vụ giáo dục đạo đức diễn ra trong mọi hoạt động hàng ngày

Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức và diễn ra trong mọi hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở; không phải học thuộc, mà phải rèn luyện thực hành hàng ngày để hình thành những thói quen, từ thói quen trở thành những hành động tự nhiên, từ những hành động tự nhiên biến thành tố chất của mỗi con người.

Giờ ăn trưa của học sinh cũng là một tiết học, nơi trẻ em được dạy tính tự lập; biết vệ sinh cá nhân và vệ sinh tập thể; biết chăm sóc bản thân; biết phục vụ bạn bè và thể hiện lòng biết ơn.

Sau giờ học buổi sáng, trước khi ăn bữa trưa, học sinh toàn trường có thời gian để làm vệ sinh lớp học, nhặt rác, lau chùi bàn ghế, khuôn cửa,… Hàng tuần, học sinh các lớp tham gia vệ sinh, quét dọn trạm dừng xe bus gần trường; bữa ăn hàng ngày, học sinh cùng nhau chia thức ăn và thu dọn sau khi ăn xong,… Những hoạt động ấy được duy trì và kiểm tra, đôn đốc thường xuyên khiến học sinh có ý thức với công việc chung, trân trọng sức lao động của người khác và tăng cường tính hợp tác trong sinh hoạt tập thể.

Các lớp học trong trường đều không có lớp trưởng, hàng ngày, học sinh lần lượt thay phiên nhau làm các công việc điều hành lớp. Các hoạt động khác ở lớp, ở trường, tất cả học sinh đều được tham gia như nhau, do đó, mọi học sinh đều được tạo những cơ hội như nhau để bộc lộ và rèn luyện năng lực trong mọi hoạt động, trong điều hành công việc chung, những học sinh có đôi chút hạn chế ở một số mặt, sẽ xóa dần mặc cảm và từng bước hòa đồng với mọi thành viên trong tập thể.

Giáo dục đạo đức được thực hiện ngay từ học sinh còn nhỏ tuổi và quan trọng nhất là các em được thực hành theo tấm gương từ các thầy cô giáo trong các hoạt động hàng ngày về các quy tắc ứng xử, nề nếp một cách rất kỹ lưỡng.

Việc đánh giá kết quả giáo dục đạo đức dựa trên quan điểm phát triển, nắm bắt liên tục tình hình phát triển của học sinh liên quan đến cảm xúc, thái độ đạo đức cũng như tình hình học tập của các em. Đánh giá dựa trên nhận xét không được đánh giá học sinh dựa trên điểm số, đánh giá về “tuân thủ nội quy” hay “vi phạm nội quy”, “hướng nội” hay “hướng ngoại”.

Tóm lại, giáo dục đạo đức cho học sinh là “dạy người” rất được chú trọng trong nền giáo dục Nhật Bản, được thực hiện từ sớm và xuyên suốt. Học sinh học “làm người” không phải từ các lời thuyết giảng giáo điều, sách vở mà thông qua các hoạt động thực tế ở trường lớp, ở nhà và xã hội, thẩm thấu tự nhiên và nuôi dưỡng nhân cách con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại