Ở Nhật, vào năm 1990, có khoảng 4 triệu người cao tuổi sống một mình, con số này tăng lên một cách chóng mặt đạt 7 triệu người vào năm 2010 và dự kiến chạm ngưỡng 8,5 triệu người vào năm 2035.
Tỷ lệ dân số già đang tăng cao là bài toán vô cùng nan giải mà giới chức "xứ sở Mặt Trời mọc" phải giải quyết.
Bên cạnh việc mất đi một lượng lớn nguồn lao động, chi phí dành cho những chính sách an sinh xã hội tăng cao, việc sở hữu lượng lớn người cao tuổi của Nhật còn làm nảy sinh vô vàn các vấn đề xã hội khác.
Một trong số đó chính là việc rất nhiều người cao tuổi ở Nhật sống trong trạng thái cô đơn, một mình, không họ hàng thân thích. Do đó, đến một ngày họ nhắm mắt xuôi tay, không một ai hay biết.
Và vì chẳng một ai hay biết nên những cái xác này cứ ở nguyên đó ngày này qua tháng khác và từ từ phân huỷ. Đến một thời điểm, khi mùi hôi bốc lên nồng nặc làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh, người ta mới bắt đầu để ý và thông báo cho cơ quan chức năng vào cuộc.
Và vấn đề được đặt ra ở đây chính là, những căn phòng ngổn ngang ấy sẽ được dọn dẹp như thế nào và ai sẽ là người dũng cảm làm việc đó. Câu trả lời chính là đội ngũ những người chuyên dọn dẹp hiện trường án mạng và các vụ tự sát, hay còn được biết đến với cái tên "Tokushu sen-ou in".
Công việc của những người này chính là trả lại hiện trường y như mới. Đặc thù công việc tiếp xúc với những tử thi nặng mùi và chứa đựng rất nhiều vi khuẩn gây bệnh nên những bộ trang phục bảo hộ lao động đúng chuẩn như quần áo, nón, mặt nạ và găng tay là thứ mà các "Tokushu sen-ou in" phải trang bị một cách kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, để mùi hôi không có cơ hội thoát thêm ra ngoài gây ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh nên tuyệt nhiên việc mở cửa sổ hoặc bật điều hoà là bất khả. Vì lẽ đó, sẽ là một cực hình khi công việc này được diễn ra vào những ngày hè nóng bức.
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với những trường hợp mà nạn nhân tử vong trong bồn tắm. Tóc nạn nhân sẽ bám chặt vào thành bồn, từng bộ phận cơ thể phân rã, trương lên đen ngòm. Trong quá trình làm việc, có nhân viên còn còn thấy dòng chữ "cứu tôi với" được viết rõ ràng trên cửa sổ.
Vì quá ám ảnh nên có người đã chịu đựng không nổi nên oà khóc, thậm chí nôn mửa và bỏ việc. Trong trường hợp, những vết bẩn quá cứng đầu, người ta thậm chí còn phải thay cả miếng lót sàn mới. Công việc này vì thế mà hao tốn rất nhiều sức lực.
Vật phẩm quý giá mà nạn nhân để lại sẽ được gói ghém cẩn thận và chuyển đến tận tay những người thân trong gia đình. Kết thúc công việc, những người lau dọn xác chết thường để tại một bó hoa và hương khói để đưa tiễn người đã khuất.
Vì tỷ lệ "người cao tuổi cô đơn" ở Nhật khá cao nên ngành công nghiệp dọn dẹp "xác chết cô độc" cũng phát triển theo. Hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ này ra đời. Những công ty bảo hiểm bắt đầu mở gói bảo hiểm giúp bảo vệ các chủ bất động sản không may có người đến thuê nhà chết trong căn hộ hay đất của họ.
Chúng bao gồm chi phí dọn dẹp căn hộ và bù đắp khoản tiền cho thuê bị thiệt hại. Thậm chí, một số công ty còn trả tiền làm lễ thanh tẩy căn hộ khi công việc dọn dẹp xác chết hoàn tất. Và vì thế, lương dành cho công việc này cũng "hấp dẫn" không kém.
Số liệu năm 2008 cho thấy, công việc này có mức lương từ 500,000 đến 600,000 Yên (khoảng 100 đến 120 triệu)/tháng. Mức lương hấp dẫn khiến số lượng người gia nhập "ngành" tăng cao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mức này chỉ còn một nửa, dao động từ 250,000 đến 300,000 Yên/tháng.
Nếu cảm thấy mức lương đủ hấp dẫn cũng như bản thân đủ khả năng đảm trách công việc này, bạn có thể một lần đến Nhật Bản để thử.