Dự án này bắt đầu được Tập đoàn Obayashi đưa vào vận hành thử nghiệm vào tháng 7-2021 ở thị trấn Kokonoe thuộc tỉnh Oita. Trong dự án này, Obayashi sử dụng địa nhiệt để sản xuất điện, rồi lấy chính nguồn điện mới tạo ra để điện phân nước và tạo ra khí hydro sạch, cung cấp cho các khách hàng có nhu cầu. Đây là dự án đầu tiên ở Nhật Bản thử nghiệm thực hiện tất cả các khâu, từ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và phân phối khí hydro sạch sản xuất từ địa nhiệt. Đáng chú ý, toàn bộ quá trình sản xuất ở nhà máy này đều sử dụng năng lượng sạch và không phát thải khí CO2 ở tất cả các khâu.
Ông Hitoshi Nagatsugu, Phó Phòng Xúc tiến Dự án của Tập đoàn Obayashi, cho biết, dự án thử nghiệm sản xuất khí hydro sạch từ địa nhiệt sẽ kéo dài tới tháng 3-2024. Nhà máy có công suất phát điện 125kW, đủ để cung cấp cho khoảng 150 hộ gia đình và có thể sản xuất 10Nm3 khí hydro/giờ. Tính theo trọng lượng thì cứ một giờ, nhà máy này sẽ tạo ra 1kg khí hydro sạch, đủ để cung cấp cho một ô tô chạy bằng pin nhiên liệu chạy được khoảng 130km.
Theo ông Nagatsugu, trong thời gian thử nghiệm, khí hydro sạch được sản xuất tại nhà máy này sẽ được bơm vào các bình chứa và cung cấp cho các khách hàng ở khu vực Kyushu, trong đó có các trạm cung cấp nhiên liệu hydro ở khu vực Kyushu và một số dự án đang thử nghiệm sử dụng khí hydro như nguồn nhiên liệu sạch khác.
Một trong những khách hàng đầu tiên của nhà máy này là Công ty Công nghệ Năng lượng Yanmar có trụ sở ở Osaka. Công ty này hiện đang chế tạo thử nghiệm tàu thủy được trang bị động cơ chạy bằng pin nhiên liệu.
Ngoài Tập đoàn Obayashi, theo Sở Thương mại, Công nghiệp, Du lịch và Lao động tỉnh Oita, từ tháng 7 năm nay, Tập đoàn Shimizu cũng đưa vào vận hành thử nghiệm nhà máy sản xuất khí hydro sạch sử dụng kết hợp giữa địa nhiệt và năng lượng sinh khối ở thị trấn Kokonoe. Nhà máy này có sản lượng 50Nm3 khí hydro/giờ. Dự án này đã được Bộ Môi trường Nhật Bản lựa chọn là một trong những dự án thử nghiệm nghiên cứu, phát triển và trình diễn công nghệ carbon thấp hồi năm 2020.
Nhật Bản vốn dựa vào các quốc gia như Australia, nơi có nguồn năng lượng tái tạo lớn, để sản xuất hydro. Các nhà cung cấp địa phương trước đây hợp tác với hãng Chevron của Mỹ để xây dựng 30 địa điểm cung cấp nhiên liệu hydro tại California vào năm 2026, cũng đã xây dựng một trung tâm công nghệ tập trung sản xuất hydro xanh gần Osaka. Tuy nhiên, có một vấn đề đang tồn đọng, hiện chi phí cung cấp năng lượng cho một nhà máy nhiên liệu hydro cao hơn nhiều so với một nhà máy sử dụng lưới điện. Nhưng những dự án mới được kỳ vọng nhằm cải thiện nguồn cung và phân phối sẽ có thể giúp chi phí này giảm đi đáng kể.