Hoạt động lao động tại Dentsu, vốn nổi tiếng vì tình trạng làm việc quá sức, bị đưa vào tầm ngắm sau khi nữ nhân viên Matsuri Takahashi tự sát ở tuổi 24 vào năm 2015. Chính phủ tuyên bố người phụ nữ trẻ này thiệt mạng vì "karoshi", hay còn gọi là "chết vì làm việc quá sức".
Các công tố viên buộc tội Dentsu ép cô Takahashi và 3 nhân viên khác làm việc ngoài giờ vượt quá giới hạn được thỏa thuận với công đoàn của công ty từ tháng 10 đến tháng 12-2015.
Nhưng luật pháp Nhật Bản hiện nay chỉ cho phép phạt một số tiền nhỏ đối với những vi phạm liên quan đến tình trạng làm thêm giờ.
"Chúng tôi hy vọng luật pháp sẽ thay đổi để những hình phạt cứng rắn hơn có thể được áp dụng khi một nhân viên qua đời. Không phải chỉ mình con gái tôi mà những trường hợp bi kịch tương tự đang xảy ra khắp Nhật Bản, trong tất cả các ngành công nghiệp và bất kể những công ty lớn hay nhỏ" - bà Yukimi, mẹ của cô Takahashi, phát biểu sau phán quyết của tòa án.
Bà Yukimi, mẹ của cô Takahashi. Ảnh: REUTERS
Cô Takahashi đã làm ngoài giờ tới 105 tiếng vào tháng 10-2015 và rơi vào tình trạng trầm cảm.
Nữ nhân viên nhảy lầu tự sát từ một ký túc xá của công ty vào ngày Giáng sinh, để lại nhiều lời than trách của cộng đồng trên mạng xã hội về số giờ làm việc không ngừng nghỉ và sự khủng bố bằng lời nói của cấp trên cô Takahashi.
"Chúng tôi rất coi trọng phán quyết này và bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc nhất tới các bên liên quan và công chúng vì sự việc chúng tôi gây ra" - trích thông báo của Dentsu. Ngoài ra, CEO của công ty này, ông Toshihiro Yamamoto, sẽ bị trừ lương 20% trong 6 tháng.
Vụ việc đã tạo nên làn sóng tự vấn lương tâm khắp Nhật Bản và thúc đẩy các kế hoạch cải cách luật lao động của chính phủ.
Dù vậy, tình trạng karoshi lại 1 lần nữa trở thành tâm điểm chú ý vào tuần này khi đài phát thanh NHK hé lộ tin tức về một phóng viên 31 tuổi qua đời 4 năm trước vì làm việc quá sức.
NHK là đài phát thanh đưa tin về trường hợp của Dentsu và tình trạng karoshi trong xã hội Nhật Bản. Họ quyết định công bố thông tin về cái chết của nữ phóng viên Miwa Sado để đảm bảo một cuộc cải cách triệt để trong công ty.
Cách đây 4 năm, cô Sado đã qua đời vì suy tim sung huyết sau khi làm thêm 159 giờ và chỉ được nghỉ 2 ngày trong một tháng.
Dentsu là công ty quảng cáo nổi tiếng của Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Trong báo cáo thường niên của chính phủ công bố ngày 6-10, Nhật Bản có 191 cái chết được chính thức xác nhận liên quan tới tình trạng làm việc quá sức trong năm 2016, tăng thêm 2 vụ việc so với năm trước đó. Tuy nhiên, những người vận động cho rằng con số thật còn cao hơn rất nhiều.
Theo một cuộc khảo sát của chính phủ được công bố năm 2016, gần 1/4 các công ty Nhật Bản có nhân viên làm thêm hơn 80 giờ/tháng mà không trả thêm lương. Theo nghiên cứu, điều này có thể gây ra những đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe.
Cũng theo số liệu của chính phủ, trong tháng 3-2016, có hơn 2.000 người Nhật Bản tự sát vì những căng thẳng liên quan đến công việc trong khi hàng chục nạn nhân khác qua đời vì đau tim, đột quỵ và những vấn đề liên quan đến sức khỏe khác do tình trạng làm quá giờ gây ra.
Trong năm nay, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua một kế hoạch hành động về việc cải cách cách thức làm việc, trong đó bao gồm giới hạn về giờ làm thêm và tăng lương cho các nhân viên bán thời gian và hợp đồng.
Động thái trên diễn ra vào lúc các công ty Nhật Bản đang rơi vào tình trạng thiếu nhân công vì tốc độ lão hóa của dân số. Dù nhiều doanh nghiệp hứa hẹn sẽ cải cách nhưng một số lao động Nhật Bản vẫn tỏ ra nghi ngờ.
"Công ty của tôi nói họ đang thúc đẩy cải cách nhưng tôi đang làm thêm giờ giống như trước. Tôi còn phải làm việc vào cả thứ 7. Nếu ngân hàng không giảm số lượng công việc, tình trạng làm thêm sẽ không giảm bớt" - một nữ nhân viên 38 tuổi của một ngân hàng nói.