Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại một cuộc họp báo: “Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hết sức để cứu người, thậm chí sau mốc 72 giờ”. Theo các chuyên gia, tỷ lệ sống sót của những người mắc kẹt sẽ giảm đáng kể sau 72 giờ tính từ thảm họa.
Đến thời điểm hiện tại, 156 người đã được giải cứu, nhưng ít nhất 179 người khác vẫn đang mất tích. 84 người được xác định đã thiệt mạng.
Quang cảnh tuyến phố Asaichi-dori (thành phố Wajima) - nơi xảy ra một vụ cháy lớn sau trận động đất. Ảnh: Reuters
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm những người sống sót tại một tòa nhà bị đổ sập ở Wajima. Ảnh: Reuters
Mức độ thiệt hại do trận động đất hôm 1/1 gây ra vẫn chưa rõ ràng, trong khi lực lượng cứu hộ đang cố gắng tiếp cận các khu vực cực bắc của bán đảo Noto (tỉnh Ishikawa) - nơi có nhiều người thiệt mạng.
Theo chính quyền tỉnh Ishikawa, vì nhiều tuyến đường bị cắt đứt nên lực lượng cứu hộ hiện chưa thể kết nối với khoảng 30 ngôi làng.
Viện trợ vật chất đã được phân phối, nhưng một số người vẫn không thể tiếp cận nguồn điện, nước và thông tin liên lạc trong bối cảnh nhiệt độ thấp và thời tiết xấu.
3.000 suất ăn và 5.000 chai nước được giao đến Wajima, nhưng không đủ cho 11.000 người đang phải sơ tán ở thành phố này, Thị trưởng Shigeru Sakaguchi cho biết tại một cuộc họp.
Ông nói: “Đầu tiên và quan trọng nhất là đường bộ. Những con đường bị cắt đứt đang cản trở không chỉ nguồn cung cấp viện trợ mà còn cản trở việc phục hồi điện, nước, tín hiệu di động và các cơ sở hạ tầng huyết mạch khác”.
Shunsaku Kohriki, một nhân viên y tế nhận định: “So với các thảm họa khác, tình hình đường sá dẫn đến Wajima rất tồi tệ. Tôi nghĩ những người sơ tán sẽ phải sống trong điều kiện thiếu thốn thêm một thời gian nữa”.
Ngoài ra, những tiện ích cơ bản khác như mạng Internet, vật tư y tế và nhà vệ sinh sạch cũng sẽ chưa thể được đáp ứng một cách đầy đủ.
"Chúng tôi không có nước. Chúng tôi không thể rửa tay sau khi đi vệ sinh", bà Kyoko Kinoshita (62 tuổi) nói khi xếp hàng cùng hàng trăm người sống sót khác để nhận thức ăn ở Wajima. “Một trong những em bé ở trung tâm sơ tán mới được 3 tuần tuổi và có vẻ như cũng không có đủ nước hoặc sữa cho em bé”.
Lực lượng chức năng tại một ngôi nhà bị đổ sập ở Wajima ngày 4/1. Ảnh: Reuters
Người dân xếp hàng lấy nước ở Wajima. Ảnh: Reuters
Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ chủ động cung cấp hàng viện trợ thay vì chờ đợi yêu cầu chính thức từ chính quyền địa phương. Tokyo cũng đã tăng gấp năm lần số lượng nhân viên Lực lượng Phòng vệ được giao nhiệm vụ cứu hộ, nâng tổng số lên khoảng 7.000 người.
Một số lô hàng viện trợ đã được chuyển bằng đường biển thay vì đường bộ, với các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển đã đến các cảng ở Wajima và Suzu vào thứ Tư (3/1).
Tuy nhiên, các tàu lớn hơn không thể cập cảng ở một số vịnh trên bán đảo Noto vì đáy biển bị ảnh hưởng sau trận động đất, Thống đốc Ishikawa - Hiroshi Hase cho biết hôm thứ Năm.
Theo Reuters, những người sống sót sau động đất sẽ phải đối mặt với một chặng đường dài để khôi phục tình hình kinh tế ở khu vực từng hy vọng có nhiều khách du lịch hơn sau vài năm ảm đạm vì đại dịch COVID-19.
Khi các doanh nghiệp Nhật Bản quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết vào thứ Năm, các nhà sản xuất cũng đã đánh giá tác động của trận động đất lên dây chuyền sản xuất của họ.
Các công ty sản xuất màn hình Japan Display và EIZO, cũng như công ty bán dẫn Kokusai Electric cho biết họ đang sửa chữa các cơ sở nhà máy bị hư hỏng.
Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân thay vì rung chuông đánh dấu giờ mở cửa giao dịch.
Thủ tướng Kishida cam kết sẽ sử dụng khoảng 4 tỷ yên ngân sách quốc gia để cứu trợ sau thiên tai.
Theo Reuters