Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã chi 261 triệu USD nhập khẩu xe máy, linh kiện và phụ tùng. Con số này có nhích so với cùng kỳ năm ngoái, song nếu so với năm 2011 thì chỉ xấp xỉ một nửa (547 triệu USD).
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tổng sức mua xe máy trên toàn thị trường trong năm tài chính 2016 đạt gần 2,9 triệu chiếc, tăng 7% so với năm tài chính 2015.
Theo cách tính của VAMM, mỗi năm tài chính được tính từ tháng 4 của năm trước đến hết tháng 3 của năm sau. Cụ thể, năm tài chính 2016 được tính từ tháng 4/2015 đến hết tháng 3/2016.
VAMM dự báo tổng dung lượng thị trường trong năm tài chính 2017 sẽ khó vượt qua được mốc 3 triệu chiếc.
Lý giải số xe máy, linh kiện và phụ tùng nhập giảm mạnh so với các năm trước, nhiều ý kiến cho rằng thị trường xe máy đã đạt mức bão hòa. Việc kinh doanh xe máy không còn thuận lợi, cả với xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như xe nhập khẩu như vài năm trước.
Mặc dù có chiều hướng giảm sức mua, song hiện xe máy vẫn là phương tiện chính của đông đảo người dân Việt Nam.
Cũng chính vì vậy, số lượng xe lớn lưu thông trên thị trường đang đặt áp lực rất lớn đối với môi trường sống, đặc biệt biệt là môi trường không khí. Hiện, khói thải từ các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô góp đến 70% ô nhiễm ở các thành phố.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”, trong đó hạn chế tiến tới cấm xe máy theo lộ trình từ 2025.
Nếu đề án đi vào thực thi, sức mua xe máy được dự báo sẽ giảm hơn nữa.