Phản ứng của EU
Mối quan hệ giữa EU và Nga vốn đã căng thẳng và trắc trở từ vài năm nay giờ thêm tồi tệ bởi chuyện xảy ra với điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Julia ở thành phố Salisbury của Anh.
Chính phủ Anh và đích thân thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc phía Nga chủ mưu đầu độc bố con ông Skripal và EU cũng tin như vậy nên hậu thuẫn chính phủ Anh gia tăng căng thẳng và đối đầu với Nga cho dù phía này cho tới nay không đưa ra được bất cứ bằng chứng gì và Tổ chức cấm vũ khí hạt nhân của LHQ (OPCW) đang tham gia điều tra nhưng chưa đưa ra kết luận.
Công tác điều tra được thực hiện ở hiện trường tại Salisbury, Anh. Ảnh: Reuters
Một vài vị lãnh đạo nước thành viên EU chủ trương tiến hành trừng phạt Nga ngay lập tức với sự quả quyết là "kết luận của OPCW sẽ chẳng khác biệt cơ bản đánh giá của chính phủ Anh" như tuyên bố của thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau khi phía Anh áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga, phía Nga đã đáp trả theo tinh thần "có đi có lại".
Ngày 26/3, cùng với Mỹ, 14 nước châu Âu đã lên tiếng tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Tại hội nghị cấp cao vừa rồi, EU cũng đã biểu thị sự đoàn kết và ủng hộ Anh trong vụ việc liên quan đến bố con ông Skripal nói riêng và trong quan hệ với Nga nói chung.
Có thể nói đó là thành công ngoại giao và thắng lợi chính trị rất quan trọng đối với bà May. Tuy nhiên cũng vẫn phải thấy là EU hiện không có sự đồng thuận quan điểm hoàn toàn trong nội bộ về cả vụ việc này lẫn về quan hệ với Nga.
Cho nên trong tuyên bố chung của hội nghị cấp cao có thể hiện tình đoàn kết với Anh và sự ủng hộ dành cho Anh thật đấy nhưng không dám khẳng định Nga là thủ phạm mà phải dùng cụm từ "nhiều khả năng Nga là thủ phạm" và không phải tất cả các thành viên EU đều sẵn sàng theo Anh trục xuất các nhà ngoại giao của Nga.
Một số thành viên hoàn toàn không tán thành chủ ý gia tăng căng thẳng và đối đầu với Nga. Một số khác không sẵn sàng vội vàng quyết định mà chờ kết luận điều tra của OPCW.
Nhân chuyện để gây thêm chuyện
Điều có thể thấy được rõ ràng là cả Anh lẫn EU đều nhân chuyện xảy ra với bố con ông Skripal để gây thêm chuyện với Nga. Trước khi xảy ra chuyện này, không chỉ Anh mà cả EU đều thừa hiểu là trừng phạt Nga thì không thể tránh khỏi sẽ bị Nga trả đũa và trong mấy năm vừa qua họ đã tìm mọi cách để gây áp lực và gây khó cho Nga nhưng đâu có làm Nga bị lụi bại.
Những biện pháp và mức độ trừng phạt mới của EU, của Anh hay thành viên EU nào khác rồi cũng sẽ như vậy và cũng sẽ vấp phải sự trả đũa của Nga. Biết vậy mà vẫn hành động vậy bởi cả Anh và EU đều theo đuổi 3 mục tiêu là hạ thấp uy tín quốc tế của Nga, tiếp tục làm khó, gây khó cho Nga để tác động được thêm cái nào hay cái nấy và dùng sự khuấy động ồn ào để che giấu những khó khăn, bế tắc trong nội bộ.
Trong chuyện này, sách lược của Anh và EU là gào to và thổi phồng để tác động và chi phối dư luận cũng như tạo "sự đã rồi" để tận dụng và lợi dụng "sự đã rồi" trước khi "sự đã rồi" này bị chứng minh là không đúng với sự thật.
Chính vì thế mà phía Anh đổ hết mọi trách nhiệm cho Nga nhưng không đưa ra được bằng chứng xác thực cụ thể nào. Chính vì thế mà EU vội vã xếp hàng sau Anh trong khi OPCW vẫn còn đang tiến hành công việc điều tra.
Vụ việc này là cơ hội vô cùng thuận lợi để bà May dùng đối ngoại phục vụ đối nội, ở trong nước thì thể hiện bản lĩnh lãnh đạo trong khi ở bên ngoài thì chứng tỏ nước Anh vẫn có vai vế ở châu Âu, ra khỏi EU đến nơi rồi mà vẫn đầy uy quyền đối với EU. Người phụ nữ này không chỉ chính trị hoá mà còn quốc tế hoá vụ việc.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters
EU cứng rắn bao nhiêu đối với chính phủ của bà May trong đàm phán về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) thì lại dễ dàng và nhanh chóng bấy nhiêu trong chuyện hậu thuẫn Anh đối phó Nga bất chấp cáo buộc của Anh đối với Nga trong vụ việc này đến nay chẳng có cơ sở xác thực nào.
Hành xử như thế, EU vừa có cái để trang trải với Anh, vừa có cớ để làm găng thêm với Nga, và nếu sau này lặp lại chuyện vũ khí hoá học ở Iraq mà nước Anh cũng có phần thì EU lại có thể đổ hết trách nhiệm cho Anh.
Phe Phương Tây này tấn công nhằm vào uy tín của Nga và khuấy động mối đe doạ từ Nga xem ra còn bởi thấy rằng Nga đã trỗi dậy mạnh mẽ về chính trị thế giới và trên thực tế đã giành được vai trò, vị thế, cũng như ưu thế của cường quốc thế giới.
Anh và EU tìm cách lôi kéo Mỹ vào cuộc bởi như thế thì sẽ ngăn cản được Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách cải thiện quan hệ với Nga. Một lý do nữa có thể là: EU và Anh tìm cách hạ thấp uy danh, uy tín và ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở châu Âu và trên thế giới.
Bất kể OPCW rồi đây đưa ra kết quả điều tra thế nào, mối quan hệ giữa EU và Nga đều đã bị tổn hại nặng nề và chưa biết khi nào mới có thể bình thường trở lại.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.