Bài viết có tiết lộ nội dung, cân nhắc trước khi đọc
Trong Mẹ chồng, các nhân vật ngoài việc mỗi người mang một màu sắc riêng thì tính cách và vai trò cũng rất khác nhau. Ấn tượng trong số đó buộc phải kể đến Tư Thì do Lan Khuê thủ vai.
Cô được trao cho vai "trùm cuối" của phim, một cô con dâu hiền lành nhưng thực chất lại rất khôn khéo, "nằm vùng" từ đầu phim để có một màn lật mặt bất ngờ ở cuối.
Tuy nhiên, xuất thân hay cách phát triển của Tư Thì lại có nhiều vấn đề, khiến nhân vật này trở thành kẻ phản diện trào phúng bậc nhất màn ảnh Việt.
Xuất hiện không kèm không trống, Tư Thì nổi bật như một vú em của Hai Phước. Mãi đến hơn nửa phim, người xem mới biết được xuất thân của Tư Thì là vợ cả.
Người vợ này của Hai Phước theo như suy luận từ các mạch phim thì đây chính là kết quả của tục tảo hôn - Tư Thì thay vì bị bán vào lầu xanh, thì bị gả làm vợ cho một người nhỏ tuổi.
Có lẽ, với mối hận thù vì lấy phải người chồng không "làm ăn" được gì, Tư Thì đã ngấm ngầm âm mưu "lật đổ chính quyền" từ lúc làm dâu.
"Cậu hai thích chơi cào cào, không thích chơi với chị Tư Thì đâu!" - vợ nào nghe chồng mình nói câu này mà không buồn nhỉ?
Danh phận dâu cả nhưng cuộc sống chẳng khác gì kẻ hầu người hạ trong nhà. Mang trong lòng tâm tư phẫn uất, Tư Thì không ngại sống thảo mai, nhẫn nhịn với mẹ Ba Trân. Bưng thuốc, pha trà, tắm chồng, hầu cơm, Tư Thì làm đủ.
Ngay cả đối với mẹ ba Bảy Loan, Tư Thì cũng lấy lòng tuốt. Trớ trêu cho Ba Trân là dù đã phát hiện con dâu mình cung phụng luôn cả tình địch khi Tư Thì pha trà lài cho Bảy Loan, Ba Trân vẫn chỉ biết dằn mặt "sen là sen lài là lài" rồi cho lui chứ không làm gì, hẳn là Ba Trân chỉ nghĩ Tư Thì tốt bụng quá chứ chẳng có ý đồ gì.
Suy cho cùng, sống thảo mai cũng chỉ đợi có như vậy thôi. Tư Thì ta sẽ thâu tóm hết lòng thiên hạ và lật đổ một phát choáng váng bàn dân.
Với xuất thân bí ẩn, người xem đặt ra câu hỏi lớn phải chăng Tư Thì trước khi về nhà chồng đã có thâm niên phục vụ tửu lầu ở một làng nào đó? Nhờ vậy mới có được phong thái khoan thai, nhẹ nhàng từ tốn?
Rõ ràng diễn xuất của Lan Khuê đã đạt tới đỉnh cao khi kiến người xem thắc mắc từ đầu phim đến cuối phim! Kinh nghiệm có được từ công việc người mẫu đã góp phần rất lớn cho vai diễn Tư Thì của Lan Khuê - một vai diễn gây hoang mang trong suốt 94 phút thời lượng.
Cả bộ phim Tư Thì luôn trong tư thế chắp tay phía trước, sẵn sàng phục vụ, đi đứng khoan thai như người mẫu, nói năng nhỏ nhẹ rành mạch từng chữ như HLV The Face
Sống thảo mai là một nghệ thuật, nhưng để trở thành một nghệ sĩ, Tư Thì tập luôn cho mình phong cách ninja. Thường xuyên xuất hiện một cách đáng sợ và đúng thời điểm những lúc có biến xảy ra, chính cô cũng tự thừa nhận mình giống như một "camera hành trình" của phim khi bình luận trên trang cá nhân.
Lan Khuê rất hiểu nhân vật mình đang đóng đấy chứ!
Nói tóm lại thì Tư Thì buổi sáng là mợ cả thanh tao, đi đứng nhẹ nhàng, đến vòng kiềng cũng phải tám vạn sáu ngàn bốn trăm lần chỉnh sửa cho đẹp trong ngày; buổi tối lại trở thành nhân vật "bóng đen" nổi tiếng trong Conan, luôn luôn có mặt những lúc gây cấn nhất.
Rõ ràng, nhân vật này được đo ni đóng giày cho gương mặt của Lan Khuê bởi cô vốn có gương mặt kiêu kỳ nhưng luôn tỏ ra bình thản.
Gần cuối phim, đặc vụ áo tím Tư Thì đã đem tới một tràn cười giòn giã cho rạp phim khi người nhà chết gần hết, kho thóc cháy gần trụi thì cô ung dung đến bên cạnh Tuyết Mai (Midu) và hỏi nhẹ nhàng "Em đi đâu đó?" với phong thái ngây thơ một cách đáng yêu, một sự bình thản nhìn vào là thấy bất thường cùng chất giọng cao cao the thé như một người đang cố chứng minh mình là con nai vàng.
Nói chung là một câu chốt hạ xóa tan sự căng thẳng trước đó mà Thanh Hằng và Midu đã cất công dựng nên.
Chưa hết, cùng với động tác chỉnh kiềng ấn tượng, Tư Thì cuối cùng đã được trời đến đáp khi lấy được của gia bảo của gia đình hội đồng Lịnh - một cái kiềng khác - để thêm vào bộ sưu tập kiềng của mình.
Có lẽ tiếp theo sẽ có phim Mẹ Chồng 2 với chủ đề là cuộc đời của Tư Thì - Mợ cả chỉnh kiềng. Lúc đó, khán giả sẽ biết được Tư Thì làm gì với bộ sưu tập kiềng của mình và nấu thuốc mấy con rắn độc của Ba Trân ra sao.