Khai thác chủ đề mẹ chồng- nàng dâu qua cách thể hiện kịch tính mới lạ, Mẹ chồng đang thu hút nhiều sự chú ý của khán giả yêu điện ảnh Việt trong dịp cuối năm 2017.
Nhưng đáng tiếc, cách kể chuyện vụng về và rời rạc đã đẩy Mẹ chồng vào bước đường càng đi càng tối tăm như chính số phận của cô Ba Trân, do Thanh Hằng đóng trong phim vậy.
Trailer phim Mẹ Chồng.
Thanh Hằng diễn xuất thần, "cân" cả bộ phim
Bộ phim lấy bối cảnh vùng đất giả tưởng Đại Điền trong thời Pháp thuộc. Lời truyền dạy của tổ tiên "Trong ba tội bất hiếu không có con nối dõi là tội nặng nhất" luôn văng vẳng đã ám ảnh suốt ba đời nàng dâu nhà Hội đồng Lịnh.
Kiếp đàn bà dù là mẹ chồng hay nàng dâu nhưng một khi đã bị trói buộc bởi lề thói phong kiến thì đều bất hạnh.
Ý tưởng phim là thế nhưng câu chuyện của những người phụ nữ trong phim lại không được xâu chuỗi chặt chẽ, động cơ thủ ác thì lỏng lẻo khó lòng thuyết phục được khán giả.
Siêu mẫu Thanh Hằng trong vai Ba Trân, người con dâu quyền lực nhất đích thực là vị cứu tinh cho kịch bản đầy lỗ hổng của Mẹ chồng. Thể hiện bi thương của Thanh Hằng trong cả kiếp dâu con chịu nhiều chèn ép, khổ đau lẫn phận mẹ chồng gánh trách nhiệm nặng nề trên vai là điểm sáng nhất phim.
Ngoài phần bi, phần ác của "chị rắn" Thanh Hằng với biểu cảm, thần thái sắc lạnh như dao đã giúp khán giả "sống sót" qua diễn xuất không thể đơ hơn của Ngọc Quyên, Lâm Vinh Hải, Lan Khuê.
Thậm chí đến Diễm My 6x hết 2/3 thời lượng phim chỉ vào vai bà mẹ chồng bị liệt toàn thân vẫn đơ khó tả.
Còn Lan Khuê không biết vô tình hay hữu ý mà cứ được gọi đến tên là đưa tay chỉnh trang chiếc kiềng bạc trong mọi cảnh phim. Khán giả cứ mải xem Lan Khuê chỉnh vòng cổ tới hơn chục lần thì phim cũng vừa hết.
Hình ảnh rắn độc gắn liền với Thanh Hằng từ đầu đến cuối phim.
Những thước phim xinh đẹp nhưng rời rạc
Mẹ chồng là một trong số ít những bộ phim được đầu tư bối cảnh và trang phục cầu kỳ, công phu. Hàng chục thiết kế áo dài, áo bà ba lộng lẫy đã đưa dàn diễn viên xinh đẹp của Mẹ chồng trở về đúng với hình tượng người mẫu thời trang catwalk qua lại trong bối cảnh khu biệt phủ cổ hoành tráng.
Khổ nỗi cầu kì thì có cầu kì nhưng phục trang và tạo hình trong Mẹ chồng không hề ăn nhập gì với thời gian những năm 1945-1950 đặt ra cũng như không gian miền quê Nam Bộ.
Nào mắt kẻ son tô, vai bồng bèo nhún, thêu rồng thêu phụng lòe loẹt không những chẳng trợ giúp gì cho việc thể hiện không khí phim mà còn làm người xem thấy xa lạ, khó đồng cảm.
Xanh đỏ tím vàng, váy áo của các nhân vật trong Mẹ chồng sặc sỡ chẳng thiếu màu nào.
Nhưng lạc điệu hơn cả vẫn là cách giải quyết tình huống phim. Sau bao thủ đoạn bùa ngải, rù quyến, thậm chí giết người mà Thanh Hằng cuối cùng cũng vẫn bị hạ dưới tay con dâu Lan Khuê tàn ác.
Điều này khiến người xem hoang mang không rõ thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải là gì?
Rút cục điều gì mới giúp người phụ nữ vượt lên trên những lề thói phong kiến hà khắc - ngoài việc phải tu luyện để ác hơn chính bà mẹ chồng từng chèn ép mình - rồi vùng lên tiếm quyền và ác tiếp. Vậy giá trị nhân văn và giá trị của người phụ nữ trong phim nằm ở đâu?
Ngoài ra cách xử lý cao trào khiên cưỡng ở cuối phim sau hàng loạt mâu thuẫn phức tạp làm khán giả chỉ có thể lắc đầu nuối tiếc cho tác phẩm thai nghén ý tưởng tốt nhưng kết quả lại hóa ra một tổ hợp những mảnh ghép hoàn toàn rời rạc.