Nhận thức mới về người tiền sử trong hang động Đắk Nông

Cao Nguyên |

Lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam và Đông Nam Á biết đến một loại hình di tích khảo cổ hang động núi lửa, giúp nhận thức mới về sự thích ứng của người tiền sử với môi trường hoạt động núi lửa trên đất Tây Nguyên.

Di tích tiền sử trong hang động núi lửa ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được phát hiện và đào hố thám sát năm 2017, được khai quật năm 2018 - 2019 trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước do Bảo tàng Địa chất Việt Nam thực hiện.

Dấu tích người tiền sử trong 12 hang động

Kết quả khai quật đã phát lộ nhiều di cốt người tiền sử, gây chấn động trong giới khảo cổ khi lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam và thế giới biết đến một loại hình di tích khảo cổ hang động núi lửa, giúp nhận thức mới về sự thích ứng của người tiền sử với môi trường hoạt động núi lửa trên đất Tây Nguyên.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác lập được 50 hang động núi lửa ở Krông Nô. Trong đó, có 21 hang được đo vẽ chi tiết và 12 hang chứa di tích tiền sử. Hệ thống hang động này có mối liên quan mật thiết với quá trình hoạt động phun trào của núi lửa Chư B’Luk (thuộc xã Buôn Choa’h, huyện Krông Nô).

Trong số 12 hang chứa di tích tiền sử, các nhà khoa học đã lựa chọn khai quật 2 hang là C6.1 (có tầng văn hóa dày) và hang C6’ (có tầng văn hóa rất mỏng). Công tác nghiên cứu chi tiết, chuyên môn sâu đa ngành, liên ngành được triển khai ở di tích hang C6.1.

Hố khai quật nằm cạnh khu vực cửa hang C6.1 có diện tích 10,5 m2, tầng văn hóa dày 1,85 m được chia thành 2 lớp. Lớp văn hóa trên (muộn) dày 40-35 cm, có niên đại cách đây từ 5.391 năm đến 5.815 năm. Lớp văn hóa dưới (sớm) dày 145 - 150 cm, niên đại cách đây từ 5.815 năm đến 6.954 năm.

Kết quả khai quật đã phát lộ nhiều di tích, thu được hàng vạn hiện vật các loại bao gồm: đồ đá, mảnh gốm, mũi tên đồng, mũi nhọn xương mài, mảnh xương, vỏ nhuyễn thể và nhiều vụn than củi phân bố rải rác trong tầng văn hóa…

TS La Thế Phúc (nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất, chủ nhiệm đề tài này), cho biết hệ thống di tích và hiện vật ở hố khai quật đã minh chứng cho các loại hình di tích đặc trưng: di tích cư trú - xương - mộ táng ở hang C6.1 và di tích trại săn tạm thời ở hang C6’. "Đặc biệt, tại hố khai quật đã phát lộ các mộ táng, di cốt người tiền sử trong tầng văn hóa được bảo tồn khá tốt. Sự hiện diện di cốt người tiền sử trong hang động đá vôi ở nước ta cũng như trên thế giới là rất phổ biến, nhưng trong hang động núi lửa là rất hiếm ở Tây Nguyên cũng như trên thế giới, đã gây chấn động giới khảo cổ trong và ngoài nước. Sự kiện này cũng được vinh danh là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2018" - TS La Thế Phúc cho biết.

Nhận thức mới về người tiền sử trong hang động Đắk Nông - Ảnh 1.

Các nhà khoa học khảo sát hệ thống hang động núi lửa ở huyện Krông Nô. Ảnh: LÊ THÀNH ĐẠT

Nền văn minh Hòa Bình trên Tây Nguyên

Kết quả khai quật tại hang C6.1 đã phát lộ 7 mộ táng còn bảo tồn tốt với táng thức chủ yếu là nằm co bó gối. Trong đó, mộ 1 là người đàn ông trưởng thành khoảng 25 đến 35 tuổi, di cốt còn bảo tồn tốt và khá nguyên vẹn. Dựa vào độ dài xương chi, có thể tính được chiều cao người, trong đó người mộ 1 cao nhất là khoảng 1,84 m - 1,85 m. Người mộ 7 cũng có chiều cao khoảng 1,81 m - 1,83 m. Lần đầu tiên trong các di cốt người cổ ở Việt Nam bắt gặp chiều cao lớn như vậy. Các vấn đề chuyên môn sâu liên quan đến nhân chủng học đang tiếp tục được nghiên cứu.

Theo kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho rằng cư dân tiền sử hang C6.1 đã cư trú liên tục ở đây khoảng 3.000 năm, bắt đầu từ khoảng 7.000 năm đến 4.000 năm cách ngày nay, tương đương với niên đại trung kỳ Đá mới. Các loại hình táng thức, tổ hợp công cụ và kỹ nghệ chế tác, sử dụng hoàng thổ vật linh… mang đậm dấu ấn kế thừa của văn hóa Hòa Bình và tiếp tục phát triển với sự xuất hiện các yếu tố mới.

Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô là quần thể di sản hỗn hợp giữa di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, có giá trị nổi bật toàn cầu và không có khả năng tái tạo. Nó được khai quật bảo tồn tại chỗ, khác với khai quật truyền thống. Đây là nguồn tài nguyên vô giá cho nghiên cứu khoa học và du lịch.

"Các giá trị ngoại hạng của di sản hang động núi lửa đã có vai trò quyết định trong bộ hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu. Đây sẽ là điểm nhấn thu hút công chúng đến với Công viên Địa chất Đắk Nông" - ông La Thế Phúc nhấn mạnh.

Phát hiện mới

Từ ngày 22 đến 24-11, tỉnh Đắk Nông đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo khoa học "15 năm phát triển Công viên Địa chất ở Việt Nam".

Theo Ban quản lý Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, trong khuôn khổ ISV20, các chuyên gia quốc tế đã thực hiện khảo sát, thám hiểm một số hang động trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.

Qua đó, quá trình khảo sát hang C7 (hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á) đã phát hiện thêm một số nhánh mới, khám phá thêm 175 m chiều dài, nâng tổng chiều dài hang C7 lên đến hơn 1.240 m. Đây sẽ là nguồn tư liệu khoa học quý giá để bổ sung giá trị cho hồ sơ tái thẩm định Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại