Tháng 12 năm 2020, sự việc liên quan đến giao dịch chuyển khoản nhầm của người phụ nữ tên Trương đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận Trung Quốc.
Theo đó, khi đang chợp mắt buổi trưa, chị Trương bất ngờ nhận được thông báo biến động số dư từ ứng dụng ngân hàng. Mở điện thoại để kiểm tra, chị phát hiện tài khoản của bản thân được cộng thêm 280.000 Nhân dân tệ (khoảng 970 triệu đồng) kèm nội dung chuyển tiền mặc định của một người tên là Tạ.
Bất ngờ nhận được số tiền lớn, chị Trương lập tức kiểm tra các khoản chi tiêu, thu nhập và giao dịch gần đây. Tài khoản ngân hàng mà chị Trương đang sử dụng chỉ nhận thông báo tiền lương hàng tháng. Do đó, chị cho rằng phía công ty đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình nên liền liên hệ để xác minh. Thế nhưng, bộ phận kế toán cho biết không có giao dịch nào được chuyển vào tài khoản của chị.
Trong lúc bối rối, chị Trương nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Người phụ nữ ở đầu dây bên kia tự xưng là Tạ, vừa chuyển nhầm 280.000 Nhân dân tệ vào tài khoản của chị Trương. Sau đó, người này yêu cầu chị hoàn trả số tiền đã gửi nhầm vào số tài khoản được cung cấp.
Nghe vậy, chị Trương lập tức đến chi nhánh ngân hàng gần đó để trình báo về sự việc và chuyển khoản lại cho Tạ. Sau khi nắm bắt sự việc, nhân viên ngân hàng yêu cầu chị Trương bình tĩnh. Họ thông báo ‘‘giao dịch này không nên vội hoàn trả’’ vì thấy điều gì đó không ổn.
Sau đó, phía ngân hàng đã gọi điện cho cảnh sát để trình báo về sự việc của chị Trương. Cảnh sát yêu cầu chị Trương không chuyển lại 280.000 Nhân dân tệ cho người phụ nữ tên Tạ vì nghi ngờ hành vi lừa đảo.
Trong lúc chờ cảnh sát làm việc, chị Trương nhận được nhiều cuộc gọi từ phía Tạ. Người này yêu cầu chị trả 280.000 Nhân dân tệ ngay lập tức, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước sự trấn an của cảnh sát, chị Trương bình tĩnh đáp lại những câu hỏi của người phụ nữ ở đầu dây bên kia. Khi biết chị Trương đã báo cảnh sát, người này bắt đầu hạ giọng, nói cả hai có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng, không cần sự can thiệp của chính quyền.
Thấy Tạ thay đổi thái độ nhanh chóng, chị Trương đã dần nhận ra chiêu trò tinh vi phía sau. Theo thông tin từ phía cảnh sát, đây thực chất là một chiêu trò lừa đảo. Trường hợp của chị Trương giống với những tình tiết trong vụ việc của một người phụ nữ tên Lý, sống tại Thượng Hải (Trung Quốc).
Trước đó, tài khoản của chị Lý nhận được 19.000 Nhân dân tệ chuyển khoản nhầm. Chị cũng được phía bên kia yêu cầu chuyển lại tiền ngay lập tức vì lý do cá nhân. Khi đến ngân hàng thực hiện giao dịch, nhân viên tiến hành tra soát thông tin thì phát hiện số tiền 19.000 NDT thực chất là khoản vay đứng tên chị Lý.
Khi cảnh sát can thiệp điều tra, họ biết được thông tin thẻ ngân hàng và CMND của chị Lý đã bị các đối tượng lừa đảo đánh cắp khi chị thực hiện quy trình mua sắm trực tuyến. Kết quả là những đối tượng này đã lấy thông tin của chị Lý để vay tiền. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của chị Lý, chúng sẽ giả danh người chuyển khoản nhầm để yêu cầu chị trả lại tiền. Còn chị Lý phải chịu trách nhiệm với khoản vay mà bản thân không đăng ký.
Cũng theo phía cảnh sát, những đối tượng lừa đảo này thường hoạt động ở nước ngoài nên việc bắt giữ vô cùng khó khăn.
Để làm sáng tỏ sự việc và giúp chị Trương giải quyết khoản vay 280.000 Nhân dân tệ, phía ngân hàng đã hợp tác làm việc, cung cấp giấy tờ cần thiết cho quá trình điều tra của cảnh sát.
Qua sự việc của chị Trương cũng như chị Lý, cảnh sát khuyên người dân nên cảnh giác trước các khoản tiền lạ được chuyển vào tài khoản của bản thân. Khi gặp phải trường hợp tương tự, cá nhân nên tìm kiếm sự trợ giúp và lời khuyên từ phía ngân hàng, cảnh sát hoặc các cơ quan có thẩm quyền, tuyệt đối không tự ý làm theo yêu cầu của các đối tượng lạ mặt.