Nhận diện tội phạm “nói chuyện” bằng bạo lực

Nhóm PV |

Tại Hội nghị chuyên đề về công tác phòng chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích (CYGTT) do Ban chỉ đạo 138 tỉnh Bình Dương tổ chức, Đại tá, Vũ Văn Sỹ, Trường Đại học CSND đưa ra con số thống kê của Bộ Công an cho biết bình quân mỗi năm cả nước xảy ra trên 1.000 vụ giết người, CYGTT.

Trong đó, nguyên nhân từ mâu thuẫn sinh hoạt cộng đồng chiếm 93% mà số vụ giết người trong nội bộ gia đình chiếm gần 18% trong số này.

Nguyên nhân được xác định – theo Đại tá Vũ Văn Sỹ, là do người gây án lệch chuẩn về nhân cách ngay từ bé với những hình thức giáo dục không phù hợp. Yếu tố không kém phần quan trọng nữa là kinh tế chi phối mọi mối quan hệ xã hội.

Việc thăm hỏi nhau không chỉ dừng lại ở lời nói mà phải có “chút quà”, “cái phong bì” thì mới được cho là “có tình cảm”. Từ đó đã làm lu mờ đi yếu tố tình cảm, máu mủ ruột thịt trong gia đình.

Chủ nghĩa cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều, một bộ phận người dân vì lợi ích cá nhân có thể bỏ qua mọi thứ tình cảm để đạt được nó. Ngoài ra, còn phải kể đến sự hời hợt, thờ ơ trong vai trò trung gian, hòa giải của chính quyền cơ sở.

Nhận diện tội phạm “nói chuyện” bằng bạo lực - Ảnh 1.

Băng nhóm côn đồ phạm tội CYGTT bị bắt ở quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Về nguyên nhân gây án từ mâu thuẫn xã hội, TS Phan Đình Khán, Trường đào tạo - Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xuất phát từ việc chúng ta chưa xây dựng được nền tảng vững chắc về đạo đức, pháp luật trong kinh doanh dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu đạo đức và chưa phù hợp pháp luật.

Kế đến là bị ảnh hưởng bởi văn hóa phẩm độc hại khiến cho giới trẻ bị cuốn vào vòng xoáy chủ nghĩa cá nhân. Họ ngộ nhận về bản thân mình, xem thường người khác và các giá trị truyền thống dẫn đến những hành vi vượt ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, việc có quá nhiều vụ việc bạo lực được đăng tải, chia sẻ… mạnh mẽ trên mạng Internet đã tác động vào nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ vốn là những người đang trong quá trình hoàn thiện nhân thức, bản lĩnh cá nhân, còn thiếu kiềm chế, dễ bị kích động.

Đây chính là lý do vì sao phần nhiều các vụ việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xuất hiện chủ yếu ở giới trẻ.

Về mặt chủ quan, ở cấp độ xã hội, công tác tuyên truyền chống bạo lực chưa thật sự hiệu quả. Việc báo chí đưa tin tức về nạn bạo lực một cách tràn lan, thiếu kiểm soát đôi khi tạo ra phản ứng ngược, chẳng những không đạt hiệu quả tuyên truyền mà còn tác động làm tăng thiên hướng bạo lực trong giới trẻ.

Nhóm gây án còn lại xuất phát từ mâu thuẫn trong đòi nợ thuê, tranh giành địa bàn hoạt động, thanh toán đối thủ trong địa bàn mình bảo kê… đều có nguyên nhân sâu xa của nó.

Tuy đã qua rồi thời “hoàng kim” nhưng các loại hình khinh doanh dịch vụ đánh bạc trá hình núp dưới vỏ bọc giải trí như game bắn cá, chơi bài poker, đánh bạc qua mạng… vẫn mang về cho kẻ tổ chức lợi nhuận kếch xù.

Sòng bạc poker của ba đối tượng Trần Tuấn Anh (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình), Trần Nguyễn Anh Tú (27 tuổi, ngụ quận 7) và Nguyễn Tấn Phát (32 tuổi, ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) tổ chức trong một căn hộ chung cư cao cấp nằm trên địa bàn phường 22, quận Bình Thạnh thu tiền xâu mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng; các điểm game bắn cá bị phát hiện như Câu lạc bộ Vành Đai (Bình Tân), Trung tâm Dream Game (Tân Phú)… mỗi ngày thu từ vài triệu đến vài chục triệu đồng là chuyện thường tình.

Các đối tượng cho vay nặng lãi, cầm đồ cũng tha hồ hốt bạc với lãi suất “cắt cổ” và cầm cố hàng gian.

Bên cạnh đó, các băng nhóm “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” núp bóng dưới vỏ bọc chủ tiệm xe gắn máy, cửa hàng vi tính, điện thoại, laptop… cũng rủng rỉnh tiền vì mua 1 bán 10.

Tất nhiên, trong “thế giới đen này”, muốn tồn tại được không phải dễ nếu không phải là giang hồ cộm cán hoặc có mối quan hệ với “ông nọ, bà kia”. Và khi cần thiết phải dùng bạo lực để đòi nợ, phải thanh toán đối thủ muốn tranh giành địa bàn làm ăn.

Một “mảng tối” khác cũng là mầm móng phát sinh các án bạo lực đó là các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như nhà hàng bia ôm, massage kích dục, hớt tóc thanh nữ… muốn được bình yên phải có bảo kê.

Những kẻ liều lĩnh này sẽ sẵn sàng ra tay thanh trừng đối thủ cạnh tranh, đánh đập “thượng đế” khi phát sinh mâu thuẫn…

TP Hồ Chí Minh có gần 12.000 cơ sở kinh doanh ngành nghề mà theo quy định phải có điều kiện về ANTT. Trong số này kinh doanh khách sạn, lưu trú có 4.931 cơ sở, dịch vụ cầm đồ 2.868 cơ sở, karaoke 404 cơ sở, dịch vụ đòi nợ thuê 21 cơ sở, massage 179 cơ sở…

Với số lượng cơ sở như vậy thì số lượng giang hồ, côn đồ ăn theo có thể lên đến hàng ngàn.

Với bản chất côn đồ hung hãn cộng với nghiện nặng ma túy, bọn chúng chẳng sợ sệt gì khi gây án. Nhất là những lúc lên cơn ngáo đá, nhiều đối tượng thủ sẵn mã tấu, gặp ai chém nấy như nơi không có pháp luật, kỷ cương.

Riêng về tình trạng dân nhập cư gây án giết người, CYGTT đó là một trong những vấn nạn mà nhiều địa phương có tốc độ đô thị hóa cao đang phải gánh chịu và đau đầu.

Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đưa ra con số dẫn chứng: Đồng Nai hiện có khoảng 3,1 triệu dân, trong đó có khoảng 400 ngàn người đến từ các tỉnh, thành khác chỉ chiếm gần 1/8 số dân.

Nhưng số vụ án giết người, CYGTT mà số người này gây ra lại chiếm đến khoảng 1/3 số vụ trên địa bàn toàn tỉnh.

Nguyên nhân gây án từ uống rượu, bia chiếm 27%, mâu thuẫn trong lao động hơn 19%, thù tức cá nhân chiếm 13%, ghen tuông 9,5%...

Việc lao động từ khắp nơi đổ về Đồng Nai làm ăn, sinh sống đã góp phần tăng cường nguồn lao động dồi dào và tạo nên sự đa dạng hơn về văn hóa, phong tục, lối sống trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, cũng chính sự đa dạng này đã phát sinh ra nhiều mâu thuẫn do cách ứng xử, thói quen trong sinh hoạt, nhìn nhận vấn đề… lắm lúc trái ngược nhau dẫn đến xung đột, gây án.

Để xảy ra những vụ việc như vậy có phần lỗi của công tác quản lý nhà nước về ANTT. Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, văn hóa giao tiếp chưa được chú trọng.

Công tác quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện như kinh doanh dịch vụ internet, quán bar, vũ trường, lưu trú còn nhiều hạn chế.

Thậm chí có nơi còn buông lỏng để một bộ phận đối tượng lưu manh sống tùy tiện, bất chấp pháp luật.

Một bộ phận người dân thì thiếu niềm tin vào sức mạnh công lý, có tư tưởng “mạnh được, yếu thua” nên dễ dàng giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong đời sống thường nhật bằng bạo lực.

“Đối với công nhân và người lao động từ nơi khác đến Đồng Nai làm việc họ cần phải được quan tâm hơn, được đối xử công bằng hơn, được bảo vệ an toàn hơn để họ an tâm lao động, sinh sống.

Chúng tôi không coi họ như là “thành phần khác”, là “người ngoài” để họ cùng góp phần xây dựng phát triển xã hội cũng như phòng chống tội phạm tốt hơn trong tương lai”, Đại tá Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh.

Theo phân tích của Công an tỉnh Bình Dương từ thực tế tại tỉnh này, án giết người và cố ý gây thương tích (CYGTT) từ nguyên nhân mâu thuẫn tức thời chiếm khoảng 72%; do ghen tuông, tình ái 12%, tranh chấp tài sản 6%, va quẹt giao thông 5%...

Lứa tuổi gây án chiếm số đông là từ 18-35 (73%), trong đó công nhân chiếm 34%, không có việc làm ổn định 17%, lao động khác 23%... Trình độ văn hóa từ mù chữ đến tốt nghiệp THCS chiếm hơn 75%, nam giới chiếm 96% đối tượng gây án.

Ở tỉnh Đồng Nai, trong số khoảng gần 2.000 vụ pháp pháp hình sự mỗi năm thì án giết người, CYGTT chiếm gần 15%. Có 21% đối tượng phạm tội là công nhân, 32% đối tượng là người đến từ nơi khác, gần 20% đối tượng có tiền án tiền sự. Về nguyên nhân gây án, độ tuổi và giới tính cũng gần giống như ở Bình Dương.

Riêng ở TP Hồ Chí Minh, đối tượng gây án có đến hơn 40% có tiền án, tiền sự. Nhóm đối tượng này chính là số giang hồ, côn đồ chuyên sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, bảo kê nhà hàng bia ôm, chăn dắt gái mại dâm…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại