Cần tiền đã có app
Trước đây, các đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng thường sử dụng sổ sách ghi chép, viết giấy vay nợ, cầm cố tài sản của “con nợ” nhưng từ khi dịch COVID -19 bùng phát, họ đã biến không gian mạng thành nơi hoạt động, thông qua một số ứng dụng (app) vay tiền trực tuyến.
Đặc biệt, nhiều đối tượng còn sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, thu hút khách hàng với những bài đăng chạm lòng người đang túng tiền như: “Bạn cần gấp 10-30 triệu đồng trong ngày mà không muốn làm phiền bạn bè, người thân? Không thẩm định nhà ở, nơi làm, không cần chứng minh thu nhập và đăng ký chỉ mất 5 phút”, hay “Những khó khăn về tài chính của bạn, sẽ được giải quyết một cách đơn giản và nhanh chóng, chỉ cần CMND để tiếp cận khoản vay từ 1-10 triệu đồng trong 30 ngày”.
Những khoản phí dịch vụ vô lý khi vay tiền qua app
Ngay cả những người đang có nợ xấu thì vẫn có thể vay tiền qua ứng dụng bằng cách đăng ký tài khoản Senmo, Tamo, Drdong, Atm Online, Moneycat, Oneclick, Robocash...thông qua các đường link do đối tượng cho vay gửi.
T - một thành viên trong nhóm cho vay qua app còn giới thiệu các khoản vay nhận tiền trong ngày từ 10-200 triệu đồng, trả góp trong 12-36 tháng với điều kiện phải có CMTND/CCCD, sổ hộ khẩu hoặc giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế và thẻ ATM.
Các đối tượng cắt ghép hình ảnh người thân, bạn bè chị V.A đăng tải lên mạng xã hội để bôi nhọ
Đáng chú ý, hầu hết các dịch vụ “tín dụng đen” cho vay qua app đều không đề cập mức lãi suất khi quảng cáo, tuy nhiên, khách hàng khi vay tiền đều phải chịu khoản phí, lãi “cắt cổ”. Ví dụ, tại app “Oceanvay” để vay 2 triệu đồng trong 7 ngày, khách hàng sẽ phải trả lãi 12 nghìn đồng/ngày, cùng khoản phí dịch vụ 588 nghìn đồng - khoản tiền này bị cắt luôn vào khoản vay nên khách chỉ nhận được 1,4 triệu đồng (trong khoản vay 2 triệu đồng).
Khốn khổ cũng vì app
Tin vào những lời quảng cáo vay tiền qua app, nhiều người đã bị lừa tiền cọc; thậm chí các đối tượng còn “khủng bố” người thân, đến công ty người vay tiền làm việc để gây sức ép đòi nợ hoặc gán ghép hình ảnh nạn nhân với nội dung như “muốn bán dâm để trả nợ”…
Điển hình, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen trên mạng xã hội về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Gần 1.000 nạn nhân, trong đó có các cô gái mại dâm, tiếp viên karaoke phải thế chấp vay tiền bằng video nhạy cảm. Đến khi nạn nhân không trả tiền, các đối tượng gửi cho người thân, bạn bè để đòi nợ.
Hay như trường hợp chị T.H.Y (trú tại Tuyên Quang) vay 3 triệu đồng qua app “Sieudong” với thủ tục gửi CMTND và cho app truy cập danh bạ điện thoại. Sau đó, chị Y. nhận được 1,2 triệu đồng kèm theo lời giải thích đã thu lãi, phí dịch vụ và yêu cầu hoàn trả 3 triệu đồng trong vòng 7 ngày.
Do không có tiền trả, chị Y. được các đối tượng giới thiệu vay qua nhiều app như “cây phát tài”, “vay tốt”, “ví vui vẻ”, “trạm tiền”, “ví chanh”…với tổng số tiền phải trả lên tới 480 triệu đồng . Chị Y sau đó bị nhóm đối tượng đòi nợ bằng cách đe dọa, quấy rối người thân và đồng nghiệp.
Một nạn nhân khác là chị V.A (trú tại Bắc Ninh) cũng chỉ vì vay nợ qua app đã phải gửi đơn cầu cứu cơ quan công an địa phương. Trong đơn, chị A. cho biết, tháng 10/2021, bản thân đăng ký vay tiền qua app trên điện thoại vì lầm tưởng đây là ứng dụng của ngân hàng. Khi phát hiện là app tín dụng đen, chị A. đã thoát ra và xóa khỏi điện thoại. Điều đáng nói, vài tiếng sau, tài khoản người phụ nữ nhận được 900 nghìn đồng kèm nội dung “VMDVCHHO sun ck”.
Sau 5 ngày, chị A. nhận được cuộc gọi từ số máy lạ yêu cầu thanh toán gần 1,4 triệu đồng. Không đồng ý trả số tiền trên, chị A. bị các đối tượng gọi điện nhắn tin quấy rối và ghép các hình ảnh kèm thông tin bịa đặt để bôi nhọ.
Tưởng chừng như đi vay thì được tiền, thế nhưng anh T (SN 1992, trú tại Hà Nội) chưa vay được đồng nào đã bị lừa hàng trăm triệu đồng. Anh T cho biết, tháng 10/2021, anh đăng ký vay tiền qua app với lãi suất 0,5%/ tháng và được hướng dẫn chuyển một số tiền đặt cọc làm hồ sơ. Do tin tưởng, nam thanh niên đã chuyển 252,5 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng sau đó không nhận được tiền.
Cẩn trọng mất hết dữ liệu
Ông Đào Quang Anh - một chuyên viên phát triển phần mềm cho biết, nhiều người đã không lường trước được rủi ro khi cài đặt một số app trên điện thoại, đặc biệt là ứng dụng “rác”.
Cụ thể, đối với hệ điều hành Android hay IOS, khi cài đặt app sẽ xin cấp quyền truy cập danh bạ, tin nhắn, bộ nhớ (hình ảnh, video…). Nếu đồng ý, app có thể biết số điện thoại trong danh bạ, tin nhắn, hình ảnh và sao chép về máy chủ. App cũng sẽ nắm được việc bạn thường xuyên gọi điện, nhắn tin cho ai hoặc tin nhắn thông báo lương. Theo đó, các đối tượng cho vay lãi sử dụng phương thức này để nắm được các mối quan hệ của người vay và xác định ai là người thân, đồng nghiệp… và lấy thông tin cá nhân nhằm mục đích đòi nợ.
Nguy hiểm hơn, người dùng còn gặp rủi ro khi cho phép app tạo lớp phủ lên màn hình đọc thông tin. Ví dụ, khi đăng nhập tài khoản ngân hàng trên điện thoại, app có thể ghi lại được các thông tin và dùng quyền đọc tin nhắn để lấy mã OTP…
Liên quan đến các thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua app, công an một số tỉnh, thành phố đã cảnh báo tình trạng các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất cao.
Theo Công an TP Hà Nội, vừa qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người có nhu cầu vay tiền để phục vụ cuộc sống. Đánh vào tâm lý khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện, không ít đối tượng đã tạo lập các app vay tiền để lừa đảo, bằng cách đưa ra những lời mời chào vay vốn khiến nhiều người đã sập bẫy.
“Người dân cần cảnh giác và không cài đặt các app vay tiền online hoặc vay tiền qua mạng xã hội. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn nhằm bảo vệ quyền lợi trước pháp luật” - cơ quan công an khuyến cáo.
Rủ nhau “bùng” tiền vay app
Lỡ vay tiền của các app tài chính, nhiều người không có khả năng chi trả vì lãi suất cao nên đã nghĩ ra đủ cách rủ nhau bùng tiền. Một số thành viên chia sẻ cách đối phó với việc truy tìm bằng cách sử dụng sim rác, hóa đơn, giấy tờ đã cũ hoặc giả mạo để làm hồ sơ hay cách xóa quyền truy cập của app vào danh bạ, khóa tài khoản Facebook, khóa sim...