Ngày 20/7, trên các trang mạng xã hội chia sẻ nội dung phản ánh của một người phụ nữ tên Phùng Mai T. (36 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc), tố cáo người đàn ông tên Nguyễn Đình V. (30 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) không trả tiền như thỏa thuận sau khi chị nhận "đẻ thuê" cho anh này.
"Em với anh này có làm hợp đồng mang thai hộ với nhau. Khi em với anh ăn ngủ với nhau, mang bầu được rồi thì anh này lại không trả tiền và bỏ mặc 2 mẹ con", chị T. phản ánh.
"Đẻ thuê" bằng hình thức quan hệ trực tiếp
Trao đổi với báo chí, chị T. cho biết quen anh V. thông qua một hội nhóm có tên "Đẻ thuê có hợp đồng" trên mạng xã hội vào cuối tháng 4 năm 2023. Do đang cần tiền nuôi con và trả nợ ngân hàng, chị T. đã liên hệ với anh V. để trao đổi sau khi đọc được bài đăng của anh này trong hội.
Anh V. chia sẻ thông tin cần tìm người đẻ thuê lên mạng xã hội
Theo chị T., ngày 28/4, chị về quê anh V. thăm nhà. Sau đó (chiều 3/5), anh V. đến nhà chị T. nói chuyện và xin phép mẹ chị T. để đón chị về nhà anh V. để tiện cho việc mang thai. Từ 28/5 và khoảng 3-4 ngày sau đó chị T. và anh V. có quan hệ tình dục. Tuy nhiên đến 11/6, dù chưa có hiện tượng đậu thai nhưng lại ra máu, chị T. đã báo lại với anh V.
"V. có nhắc mình đi khám nhưng tôi nói không cần, sau đó có xin phép để về nhà. Đến 15/6, khi chưa thấy có kinh nguyệt, tôi đi khám và nhận được thông tin đã có thai. Khi biết tin đã đậu thai, tôi gọi điện thông báo cho V., nhưng chỉ nhận lại được câu trả lời rằng 'anh không tin tưởng em' và những lời nói khó nghe" , chị T. chia sẻ.
Sau đó, chị T. và anh V. viết cam kết rằng sẽ giữ đứa bé và anh V. phải có trách nhiệm với 2 mẹ con. Tuy nhiên theo chị T., khi chị nói đến việc đi khám thai và mua thuốc thì anh V. chỉ chuyển cho chị 100.000đ tiền khám và 900.000đ tiền ăn. Về bản hợp đồng, chị T. cho biết, bản hợp đồng được lập vào ngày 5/5/2023, sau khi chị xuống nhà anh V. ở và được đưa đi khám sức khỏe tổng quát.
"Trong bản hợp đồng có ghi, trước khi thực hiện hợp đồng, bên anh V. đồng ý đặt cọc cho tôi 50 triệu đồng, nhưng đến nay, anh ấy mới chỉ chuyển cho tôi 30 triệu đồng" , chị T. cho hay. Sự việc sau khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Người trong cuộc nói gì?
Ngày 21/7, liên hệ với anh V., người đàn ông cho biết sự việc hiện đã được giải quyết, tất cả theo anh V. chỉ là sự hiểu lầm. Anh V. cho rằng chị T. vì bực tức mới đăng tải sự việc lên mạng xã hội. Về "Hợp đồng đẻ thuê" mà chị T. nhắc tới, anh V. xác nhận việc đã ứng trước số tiền 30 triệu đồng, tuy nhiên số tiền còn lại anh V. cho rằng chưa thể giải quyết, bởi theo anh V. hiện tại anh chưa biết chị T. có thực sự mang thai hay không.
"Con nằm trong bụng cô ta (chị T. - PV), nếu như sảy hoặc cô ta không muốn làm thì tôi cũng mất tiền cọc chứ đâu làm gì được", anh V. nói.
Cũng theo anh V., sau khi nói chuyện với chị T., chị này cam kết sẽ gỡ bỏ thông tin đã đăng tải trên mạng xã hội.
Hình ảnh siêu âm do chị T. cung cấp
Cùng sự việc, trưa 21/7, người thân của chị T. cho biết hiện nay chị T. đã có thai 7 tuần, sau khi sự việc gây ồn ào trên mạng xã hội, 2 bên đã trao đổi và anh V. đã hứa sẽ có trách nhiệm.
"Em tôi bây giờ quyết định mặc kệ anh ta (anh V. - PV) tự suy nghĩ bằng lương tâm của mình. Em gái tôi còn có con cái, cũng phải nuôi chúng nó ăn học. Còn về tiền, anh V. có nói cứ để đẻ xong sẽ có trách nhiệm với em gái tôi. Sự việc trở nên căng thẳng vì anh V. quá đáng, đăng lên mạng nói em gái tôi lừa đảo. Em tôi có lừa ai đâu?", chị gái chị T. thông tin.
"Hợp đồng đẻ thuê" không có giá trị pháp lý
Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TPHCM) cho hay, xét về mặt pháp lý thì sự việc này không có yếu tố cấu thành tội phạm bởi 2 bên quan hệ với nhau trên tinh thần tự nguyện. Bản "Hợp đồng đẻ thuê" do chị T. đăng tải chỉ thể hiện thỏa thuận dân sự giữa 2 người. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh đạo đức, nếu sau này đứa trẻ được chị T. sinh ra được xác định là con anh V. thì anh này phải có trách nhiệm nuôi dưỡng.
Theo luật sư, "Hợp đồng đẻ thuê" giữa 2 bên không có hiệu lực trước pháp luật
Còn theo quy định của pháp luật, theo luật sư Diệp Năng Bình, "đẻ thuê" là từ dùng để chỉ 2 trường hợp dưới đây:
- Thứ nhất, đó là lấy tinh trùng, noãn của chồng - vợ cấy vào cổ tử cung của người phụ nữ khác, nhờ người này mang thai giúp, rồi sinh nở.
- Thứ 2, là trường hợp người vợ vô sinh, người chồng mua noãn của một phụ nữ khác phối với tinh trùng của mình, rồi thuê chính người phụ nữ ấy mang thai, đẻ con.
Với trường hợp thứ nhất, "hợp đồng đẻ thuê" đơn giản hơn, ít ràng buộc và chi phí cũng không lớn lắm. Bởi, người phụ nữ chỉ đơn thuần là đẻ thuê đúng nghĩa chứ không cùng huyết thống với con.
Với trường hợp thứ hai, cũng được coi là "đẻ thuê" nhưng thực chất có huyết thống của người mẹ. Tuy nhiên, dù ở trường hợp nào thì những giao dịch liên quan đến việc "đẻ thuê" đều vi phạm pháp luật, các hợp đồng nếu có đều vô hiệu trước pháp luật.
Theo luật, dù đứa trẻ không có huyết thống với người mang thai nhưng khi chào đời quan hệ dân sự giữa trẻ và người sinh ra trẻ (người đẻ thuê) vẫn là quan hệ mẹ ruột - con ruột. Nếu phụ nữ "nhờ" người khác đẻ thuê thì yêu cầu xác nhận mẹ cho con trong trường hợp này quả không đơn giản, vì pháp luật thì đương nhiên quy định người đẻ ra là mẹ. Trong trường hợp này thì cả người đẻ thuê, thuê đẻ đều vi phạm pháp luật, đều bị lên án về mặt đạo đức.
Pháp luật đã quy định về chế tài xử phạt quy định tại Khoản 3, Điều 10, Nghị định 96/2011/NĐ - CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám chữa bệnh:
Điều 10. Vi phạm các quy định về sinh con theo phương pháp khoa học
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Mang thai hộ;
b) Sinh sản vô tính;
c) Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời.
Dù không được luật pháp cho phép, tuy nhiên, có một thực tế là việc "đẻ thuê" vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Do đó theo luật sư, cần có biện pháp xử lý nghiêm hơn hành vi này, có thể bị khởi tố hình sự để mang tính răn đe cao trong đời sống.