Thành danh và cú sốc phải nhập viện cấp cứu
Nhạc sĩ Bảo Chấn tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Bảo Chấn. Ông sinh năm 1950 là con trai lớn trong một gia đình thuộc dòng dõi hoàng tộc ở Huế. Ông nội của nhạc sĩ Bảo Chấn là Tuyên hóa công Nguyễn Bửu Phúc Thiên – con trai thứ 9 của vua Dục Đức và là em ruột vua Thành Thái.
Cha của nhạc sĩ Bảo Chấn là nhạc sĩ Vĩnh Phan, giám học trường nhạc, chuyên về âm nhạc dân tộc, còn mẹ là nghệ sĩ Bích Liễu chuyên hát chầu văn của nhạc cung đình.
Cả 5 anh em nhà Bảo Chấn đều theo nghiệp gia đình nhưng chỉ có hai người thành danh là nhạc sĩ Bảo Chấn và em trai – nhạc sĩ Bảo Phúc (người sáng tác ca khúc Những nẻo đường phù sa trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Châu Huế).
Trước năm 1975, Bảo Chấn nổi tiếng là nhạc công chơi piano tại nhiều phòng trà ở Sài Gòn. Ông đặc biệt được danh ca Thái Thanh và Khánh Ly cực kỳ yêu mến, thường xuyên "kéo" đi biểu diễn. Phòng trà của Khánh Ly cũng là nơi cuối cùng Bảo Chấn làm nhạc công trước khi giải phóng.
Sau năm 1975, Bảo Chấn làm việc ở các đoàn Bông Hồng, Kim Cương, Bông Sen. Bảo Chấn được xem là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu của dòng nhạc trẻ Việt Nam. Ông bắt đầu sáng tác từ đầu thập niên 80.
Tên tuổi của Bảo Chấn gắn liền với giai đoạn hưng thịnh của chương trình Làn sóng xanh. Các ca khúc Bảo Chấn sáng tác mang âm hưởng lãng mạn, trữ tình của dòng nhạc nhẹ.
Đầu thập niên 1980, Bảo Chấn cùng người bạn thân là nhạc sĩ Dương Thụ thành lập ban nhạc trẻ với tên gọi Trống Đồng. Buổi trình diễn ra mắt ban nhạc được tổ chức tại sân khấu 126. Thời đó, đường xá còn vắng tanh nhưng ngã 5 Dân Chủ gần sân khấu kẹt xe vì khán giả đến quá đông. Thế nhưng ngay sau đêm ra mắt, ban nhạc đã phải giải thể.
Nhạc sĩ Bảo Chấn
Nhắc lại câu chuyện lịch sử này, nhạc sĩ Bảo Chấn nói: "Cái gì cũng phải đúng quy trình, không đúng quy trình là hỏng. Lúc đó chúng tôi ngây thơ, cứ nghĩ mình làm hết sức mình, cống hiến cái gì hay nhất cho thành phố, cho âm nhạc là được nhưng không phải. Ban nhạc phải thuộc đơn vị nào đó chứ cá nhân không được tự ý thành lập".
Thập niên 90 được xem là thời kỳ thịnh vượng nhất của dòng nhạc nhẹ Việt Nam với nhiều bảng xếp hạng. Nửa cuối thập niên này, hai cái tên Bảo Chấn và Dương Thụ là những nhạc sĩ có nhiều bài hát được yêu thích nhất như Tình thôi xót xa, Nỗi nhớ dịu êm, Hoa cỏ mùa xuân, Bên em là biển rộng...
Cũng chính những ca khúc này đã đưa nhiều ca sĩ lên hàng ngôi sao như Lam Trường, Hồng Nhung.
Bảo Chấn được coi là một trong những nhân vật tiên phong lĩnh vực hòa âm phối khí tại Việt Nam. Chính nhạc sĩ Bảo Chấn và em trai mình - nhạc sĩ Bảo Phúc là những người hòa âm phối khí cho rất nhiều album của Lam Trường, Hồng Nhung cùng nhiều ca sĩ khác.
Năm 2004, Bảo Chấn dính vào scandal đạo nhạc với bài hát "Tình thôi xót xa". Sự kiện này đã khiến ông bị Hội nhạc sĩ Việt Nam cảnh cáo và chịu sự đả kích rất lớn từ truyền thông, đồng nghiệp cũng như khán giả.
Thời điểm đó, Bảo Chấn đã phải nhập viện cấp cứu và gần như ngừng lại toàn bộ sáng tác âm nhạc vì cú sốc quá lớn.
5 năm sau đó, người em trai, người tri kỷ trong âm nhạc của ông - nhạc sĩ Bảo Phúc cũng đột ngột qua đời. Từ đó, Bảo Chấn như chìm vào thương đau và "mất tích" trong làng nhạc Việt.
Sụp đổ hoàn toàn khi mất em trai
Cái chết của người em trai đã khiến nhạc sĩ Bảo Chấn sụp đổ hoàn toàn, khiến ông không còn tha thiết gì với âm nhạc nữa.
Nhạc sĩ Bảo Chấn trong đêm nhạc "Góc ký ức" hồi cuối năm 2017.
Chia sẻ với phóng viên, ông nói: "Tôi rời bỏ hẳn âm nhạc năm 2009, năm mà tôi mất đi người em trai là nhạc sĩ Bảo Phúc. Đó là sự sụp đổ lớn nhất trong đời tôi.
Bảo Phúc với tôi, ngoài tình huyết thống còn là tình đồng nghiệp. Tôi ra trường trước nên suốt thời gian Bảo Phúc học trường nhạc, tôi là người hướng dẫn, nhiều khi còn làm lén bài thi cho em.
Tôi và Bảo Phúc chia sẻ với nhau rất nhiều thứ nên có sự đồng cảm rất lớn. Khi Bảo Phúc viết nhạc phim, tôi thường là người làm phân nửa. Tôi biết gì lại chỉ cho Bảo Phúc. Còn Bảo Phúc biết gì lại truyền đạt cho tôi. Hai anh em tôi cùng đàn chung trên sân khấu suốt 8 năm trời, tôi chơi piano còn Bảo Phúc đánh keyboard.
Cần nói để bạn hiểu rằng, trong âm nhạc, hòa âm hay không quan trọng bằng sự kết nối linh cảm giữa các nhạc công với nhau.
Trên thế giới, các nhóm The Beatles hay Rolling Stone... họ không giỏi về nốt nhạc nhưng chơi lâu với nhau, cái máu thấm vào nhau mà thành ra mẫu mực, dù họ hòa âm không chuẩn và cũng không phải học bài bản từ trường lớp.
Sự ăn ý giữa họ siêu tới mức, khi tôi dẫn ban nhạc đi chơi, trước khi từ bài này chuyển qua bài khác, họ không hết biết bài tiếp theo là gì nhưng chỉ cần nghe một vài ngón đàn của tôi ở đoạn cuối, họ biết bài tiếp theo là gì và họ phải đánh như thế nào, nhất là những điệu kinh điển như valse hay tango...
Giữa anh em tôi cũng thế. Tôi và Bảo Phúc nhuần nhuyễn tới mức chúng tôi hồi đó nổi tiếng là ban nhạc hòa tấu. Tôi chỉ cần nhướng mắt lên một cái là Bảo Phúc biết tôi sẽ chơi bài gì tiếp theo. Sự linh cảm và ăn ý ấy giống như máu mủ vậy.
Dĩ nhiên trước đó, tôi đã bị những nhát dao đời rồi nên khi Bảo Phúc mất, tôi hoàn toàn sụp đổ và không còn nghĩ gì tới chuyện làm âm nhạc nữa.
Khi không còn Bảo Phúc tôi không còn hứng thú, không còn động lực nữa. Giống như mình mất đi người tri kỷ vậy. Nỗi mất mát đó đau và lớn lắm. Tôi bị hẫng và mất cả nửa bầu trời.
Nhạc sĩ Bảo Chấn và bức chân dung ông do ca sĩ Nguyễn Hải Yến tặng.
Ban đầu tôi không thấy điều đó, nhưng càng lúc càng nhận ra. Bảo Phúc ở ngoài tào lao, chơi bời nhưng về nhà rất sợ tôi. Mỗi lần Bảo Phúc viết nhạc phim bị bí lại gọi tôi. Tất cả những ca khúc nhạc phim ngày xưa tôi viết đều do Bảo Phúc hát.
Không phải tôi hà tiện, không mướn ca sĩ mà vì Bảo Phúc hát hay nên sáng tác xong là Bảo Phúc hát luôn.
Trong khoảng thời gian đầu khi Bảo Phúc mất, tôi vẫn viết chút ít nhưng không có ý định phổ biến. Những bài tôi viết sau này, âm nhạc khác xưa, thay đổi theo tuổi tác của tôi. Và phân nửa những ca khúc đó đều có hình bóng em trai tôi trong đó. Dĩ nhiên tôi không biến em mình thành người yêu, kiểu thương nhớ em.
Tới tận bây giờ, tôi vẫn chưa quên, vẫn còn nằm mơ thấy em trai mình. Chính xác là vài năm gần đây tôi mới không viết nữa. Không phải vì cơm áo gạo tiền mà vì tôi có một gia đình lớn với những đứa con, đứa cháu xung quanh. Lúc nào mở mắt ra cũng thấy chúng nó nên trong đầu không còn nốt nhạc nào nữa", nhạc sĩ Bảo Chấn nói.