Chiều 15/8, ban tổ chức dự án "Đồng dao cổ tích" đã có buổi gặp gỡ giới truyền thông để ra mắt hai sản phẩm chào sân là tủ sách "Đồng dao cổ tích" và chương trình nhạc kịch sẽ công diễn lần đầu vào ngày 16/9 và 17/9 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Mang theo thông điệp: "Khơi mở dòng chảy của văn hóa và tâm hồn Việt từ trong thế giới của cổ tích", "Đồng dao cổ tích" kể về hành trình đi lạc vào thế giới siêu thực của hai chị em Thi Ca và Thi Họa mà ở đó, những nhân vật cổ tích Việt Nam quen thuộc sẽ xuất hiện dưới góc nhìn mới mẻ đầy nhân văn và thấu cảm của con người hiện đại.
Diễn viên Phạm Đức Anh cạo đầu để vào vai ông Bụt.
Dàn diễn viên tham gia nhạc kịch.
Ở đó có Ông Bụt thất nghiệp lang thang vô định giữa thế giới hiện tại quá đủ đầy và thế giới cổ tích đang dần bị lãng quên, có Cám xinh đẹp hát hay nhưng khép mình vì mặc cảm là kẻ xấu, có Sơn Tinh và Thủy Tinh trong cuộc chiến khởi nguồn từ sự bất công bằng…
Trong "Đồng dao cổ tích", thế giới cổ tích không dừng ở những câu chuyện "ngày xửa ngày xưa" mà là một dòng chảy bất tận của những câu chuyện mới, nơi các nhân vật cổ tích tiếp tục sống và tương tác cùng con người hiện đại, để những câu chuyện xưa "vốn phải là như thế" được soi chiếu bằng góc nhìn khác, nơi thế giới cổ tích trở nên thật hơn, gần gũi hơn, nơi phép màu hoàn toàn có thể trở thành sự thật nhờ niềm tin và nỗ lực cùng những giá trị sống tốt đẹp.
Với yếu tố "cổ tích", dự án mong muốn góp một phần nhỏ bé đưa các hình tượng nhân vật cổ tích Việt sống lại trong thế giới hiện đại để khi nhắc tới, các em nhỏ sẽ có một hình dung cụ thể và thân thuộc về ông Bụt, Mai An Tiêm, Thánh Gióng…
Trong khi đó, với yếu tố "đồng dao", ê kíp thực hiện dự án khai thác phần âm nhạc mang màu sắc dân gian làm xương sống, sử dụng những chất liệu như nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, hò, vè… và đưa thêm vào cái cốt đó tinh thần, hơi thở của thời đại.
Chủ nhiệm dự án nhạc kịch chị Quyên Trần.
Người khởi xướng và dẫn dắt dự án, cũng đồng thời là tác giả sách và chủ nhiệm dự án nhạc kịch chị Quyên Trần chia sẻ:
"Điều lớn nhất tôi mong muốn làm được ở "Đồng dao cổ tích" chính là phá vỡ định kiến. Trước hết là trong âm nhạc, hãy để bọn trẻ có cơ hội được chọn lựa thay vì mặc định rằng nhạc hiện đại mới là thời thượng, rằng âm nhạc dân tộc thiếu hấp dẫn hoặc chỉ dành cho người ưa hoài cổ.
Bằng cách đưa khá nhiều bộ môn nghệ thuật vào một vở kịch trên nền âm nhạc hoàn toàn là nhạc cụ dân tộc, chúng tôi sẽ tạo nên một không gian được dẫn dắt bởi cảm xúc từ sôi động, trẻ trung, hào hùng tới trữ tình, sâu lắng, xúc động.
Thứ hai là phá vỡ định kiến giữa người với người bằng góc nhìn bao dung của nhân sinh quan hiện đại. Trong hành trình cuộc đời, mỗi người trải qua biết bao bước chuyển về ý thức và hành vi, sự tranh chấp giữa đúng - sai, thiện - ác.
Khi đưa ra cuộc gặp gỡ giữa đại diện của con người hiện đại với đại diện của những nhân vật cổ tích đang bị giam cầm bởi những ẩn ức, những định kiến, tôi mong muốn chúng ta được ngoái lại quá khứ để cởi trói cho những sai lầm và tạo cơ hội để có niềm tin vươn sống một cuộc đời vui vẻ hơn trong hiện tại và đẹp hơn, ý nghĩa hơn trong tương lai".