Thua lỗ nặng nề
Cuộc đối thoại do ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì với sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, nhà xe.
Đứng lên phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Sơn La, đại diện nhà xe Thái Bình cho rằng, khi nhận được lệnh điều chuyển, các nhà xe đều thực hiện tốt nhưng trong quá trình việc thực hiện gần 60 ngày qua, các nhà xe gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Sơn La.
"Giá cao thấp, phí chúng tôi không ý kiến nhưng mấu chốt là bến xe Nước Ngầm không có khách. Tất cả các ngày lễ, Tết, các bến đều quá tải nhưng tại bến Nước Ngầm không có khách, điều này, dẫn đến nguy cơ chúng tôi phá sản.
Muốn chuyển đổi, cần làm như bến xe Miền Đông ở TP. Hồ Chí Minh, tức là cần phải có lộ trình.
Tôi cũng xin thưa là nếu tôi nói sai hay ai chứng minh được chúng tôi về bến Nước Ngầm hoạt động có lãi thì tôi xin không làm nghề này nữa", ông La nêu.
Ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc Công ty vận tải Nam Trực (Nam Định), Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Nam Định cũng nhấn mạnh, việc điều chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm là chưa hợp lý, khiến doanh nghiệp bị điều chuyển bị thua lỗ nặng nề.
Ông Nguyễn Văn Thạc.
"Có doanh nghiệp có số lượng 150 xe chạy, trong 2 tháng bị điều chuyển vừa qua, tháng đầu lỗ 325 triệu đồng, tháng thứ hai lỗ 275 triệu đồng. Họ đang đối diện với nguy cơ phá sản.
Điều này là trái với chỉ đạo của Thủ tướng về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35. Việc điều chuyển là chưa công tâm, chưa công bằng, gây bức xúc", ông Thạc nêu ý kiến.
Đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách tỉnh Thanh Hoá, ông Trần Ngọc Quảng, chủ hãng xe Hà Sơn Hải nói: Sở mới chỉ ra văn vản chỉ đạo, chứ chưa kiểm tra, nên chưa biết thực tế những xe bị điều chuyển tuyến đang như thế nào.
"Các anh có điều kiện, lên khu vực bến xe Mỹ Đình xem tình trạng xe dù, bến cóc mạnh như thế nào sau khi chúng tôi bị ra khỏi bến Mỹ Đình. Có phải điều chuyển chúng tôi để xe dù, bến cóc hoạt động không?"- vị này đặt câu hỏi
"Chỗ nào thuận lợi thì khách chọn. Hai tháng chúng tôi về Giáp Bát, Nước Ngầm, lượng khách ở các bến này không tăng. Vậy khách đi xe ở đâu?", ông Quảng đặt câu hỏi.
Bà Hồ Thị Hoàng, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Phương (Thanh Hóa) cũng cho hay, sau khi thực hiện điều chuyển từ bến Mỹ Đình về bến xe Yên Nghĩa, xe của đơn vị không có khách.
"Chúng tôi chạy ở đường mòn Hồ Chí Minh rồi qua đại lộ Thăng Long về bến Mỹ Đình chứ có đi xuyên tâm đâu, gây ùn tắc giao thông đâu mà phải điều chuyển chúng tôi về Yên Nghĩa rồi lại cho xe khác thế vào đường đó.
Doanh nghiệp chúng tôi có hơn chục lốt ở Mỹ Đình nhưng về Yên Nghĩa không có khách, mỗi chuyến được 2 - 3 khách, dẫn đến khả năng phá sản rất cao", bà Hoàng trình bày.
Ngay sau đó, ông La và một đại diện doanh nghiệp khác đã đề nghị được đối thoại trực tiếp với Sở GTVT Hà Nội là đơn vị ban hành chính sách điều chuyển này.
Khó quay trở lại bến xe Mỹ Đình
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, chủ trương giải quyết ùn tắc giao thông cho TP HN là rất lớn, không chỉ phục vụ cho người dân Hà Nội mà tạo động lực cho vùng kinh tế phía Bắc và cả nước.
Theo ông Viện, việc điều chuyển này là đúng, là có căn cứ pháp lý và từ năm 2013, Sở đã tính phương án. Năm 2014, 2015 đã bàn với các doanh nghiệp.
"Chúng tôi đã thông báo đến các doanh nghiệp từ rất lâu chứ không phải mới", ông Viện nêu rõ.
Ông Vũ Văn Viện.
Cũng theo ông Viện, đối với tuyến đường vành đai 3, thường xuyên xảy ra ùn tắc từ nút giao thông Trung Hòa đến ngã tư Khuất Duy Tiến. Vấn đề giảm ùn tắc đường vành đai 3 rất khẩn cấp nên Sở GTVT phải ra soát toàn bộ luồng tuyến vận tải để giảm ùn tắc
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc vắng khách tại bến xe Nước Ngầm mà các doanh nghiệp phản ánh là đúng nhưng có nhiều nguyên nhân.
Trong đó, theo ông Viện, hiện nay, không chỉ bến xe Nước Ngầm vắng khách mà nhiều bến xe khác cũng vắng khách. ở xa như Nghệ An, tàu hỏa tốt lên nên người dân đã chọn đi tàu hỏa thay vì đi xe khách.
"Thứ hai, khách chưa quen tuyến, bởi mới triển khai được 2 tháng, trong khi, vào Mỹ Đình trước đó phải mất hàng năm, 2-3 năm mới quen khách
Thứ ba là chưa thuận tiện cũng vì mới có 2 tháng thì sao mà thuận tiện được. Thứ tư là do trùng luồng tuyến, cùng 1 tỉnh vừa ở Giáp Bát có, Nước Ngầm có (Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa).
Thứ năm, là thực trạng xe dù bến cóc nhưng chúng tôi khẳng định, vẫn kiểm tra xử lý, không bao che, vẫn tập trung xử lý, công an, các cục, thanh tra...", ông Viện nêu.
Ngay sau đó, nhiều chủ doanh nghiệp, nhà xe đã đứng dậy phản đối gay gắt: "Đề nghị ông Giám đốc Sở trả lời câu hỏi chứ không đọc báo cáo, chúng tôi nghe báo cáo nhiều rồi, nếu cứ thế này chúng tôi sẽ về...", đại diện một nhà xe nêu.
Sau đó, ông Viện đã không trả lời thêm các câu hỏi, ý kiến trước đó được đặt ra mà bước xuống khỏi bục hội trường.
Tiếp đó. ông Nguyễn Hồng Trường giới thiệu ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HH vận tải ôtô Việt Nam phát biểu nhưng các doanh nghiệp đã phản đối và cho rằng, chỉ đối thoại với lãnh đạo Bộ, Hà Nội chứ không đối thoại với Hiệp hội.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp để báo cáo Bộ trưởng, Hà Nội.
Theo ông Trường, lãnh đạo Bộ và Hà Nội rất chia sẻ với những tổn thương của các doanh nghiệp về việc điều chuyển này.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu.
Về việc tại sao phải điều chuyển, ông Trường cho hay, thực tế hiện nay, cả Hà Nội chỉ có bến xe Mỹ Đình hội tụ tất cả các xe Bắc - Nam.
"Bến sẽ quá chật so với yêu cầu và nếu có đường song song, bến xe khác thì không cần phải điều chuyển. Lỗi này là do quy hoạch của chúng ta thiếu tầm nhìn, dẫn đến quá tải bến xe, các tiêu cực như cò mồi, ép lên xe này, xe khác...
Người dân kêu rất nhiều, tại sao ở Thủ đô mà lại để bến xe như thế này, luồng tuyến chồng chéo nhau... dẫn đến việc cơ quan Nhà nước phải sắp xếp lại luồng tuyến.
Còn thực tế, Tết Nguyên đán năm trước, bến xe Mỹ đình cực kỳ lộn xộn nên năm nay Thủ tướng yêu cầu Bộ, Hà Nội không để như vậy. Do đó, việc điều chuyển nhanh để phục vụ cho Tết và sau khi điều chuyển ách tắc giảm", ông Trường nêu.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chỉ rõ thực tế, xe dù bến cóc vẫn là vấn đề nóng và đây là lỗi của các cơ quan chức năng, chính vì thế, trong thời gian qua đã có giải pháp xử lý mạnh.
Thêm vào đó, trong quá tình làm do điều chuyển gấp gáp nên xe kết nối giữa hai bên là chưa có mà dựa chủ yếu là xe buýt.