Yêu cầu công việc gây tranh cãi của ứng viên gen Z
Một nhà tuyển dụng người Ấn Độ mới đây đã chia sẻ trải nghiệm phỏng vấn một ứng viên thuộc lứa tuổi gen Z lên mạng xã hội Twitter. Cụ thể, Sameera Khan, giám đốc phát triển nhân sự tại công ty InFeedo cho biết thực tập sinh cô phỏng vấn “đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống” nên chỉ muốn làm việc không quá 5 tiếng/ngày.
Bên cạnh đó, chàng trai này cũng không thích văn hóa MNC (tập đoàn đa quốc gia) và hướng đến môi trường start-up. Điều đáng chú ý là ứng viên trên muốn mức lương khoảng 40.000-50.000 rupee Ấn Độ (tương đương 11-14 triệu đồng). Đây không phải mức lương cao với những người có kinh nghiệm nhưng cũng gấp 8 lần mức lương trung bình của một gen Z Ấn Độ. Theo Forbes, một người 24 tuổi tại quốc gia này kiếm khoảng 5905 rupee (1,7 triệu đồng) mỗi tháng.
Ảnh minh hoạ
Bài viết của Sameera Khan đã thu hút sự chú ý và làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về thái độ làm việc của những người trẻ hiện nay. Nhiều cư dân mạng cho rằng những yêu cầu về việc làm của thực tập sinh gen Z này là không thực tế do thiếu kinh nghiệm. “Bạn phải làm việc 100 giờ/tuần trong 5 năm và có được vị trí cấp cao trong công ty công nghệ lớn. Khi đó bạn mới có thể làm ít hơn và hưởng mức lương 40.000-50.000 rupee”, một cư dân mạng để lại bình luận.
“Tôi từng tuyển gen Z và họ hoàn toàn không chịu áp lực nhưng lại mong đợi một số tiền khổng lồ. Họ sáng tạo nhưng lại không coi trọng công việc cho lắm", một người dùng bình luận trên bài đăng .
Cũng có những người ủng hộ việc ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống của thế hệ trẻ. “Chúng ta đã quá quen với văn hóa lao động hối hả từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhờ có gen Z, mọi người mới hiểu rằng cuộc sống này không chỉ có làm việc”,một người dùng Twitter việc.
Thế hệ đặc biệt trong thị trường lao động
Giữa cuộc tranh cãi này lửa, Sameera Khan đã lên tiếng về bài đăng của mình: “Việc ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống rất tốt nhưng khi bạn tìm kiếm công việc đầu tiên, bạn nên chú trọng đến cơ hội học hỏi, phát triển, các dự án tốt và cả đồng nghiệp trước. Cuối cùng mới xét đến sự cân bằng”.
"Hãy tưởng tượng bạn có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhưng lại ghét 5 giờ làm việc mà bạn phải làm hoặc những người bạn phải làm việc cùng”, Sameera Khan nói thêm.
Lewis Maleh, Giám đốc điều hành của công ty tuyển dụng toàn cầu Bentley Lewis chia sẻ: “Nếu bạn muốn thành công, bạn cần làm việc chăm chỉ. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không thể hiện ở thời gian lao động. Tôi vẫn đến phòng gym 6 ngày/tuần ăn uống điều độ, cố gắng ngủ ngon và làm việc chăm chỉ. Đối với tôi việc cân bằng nên là nỗ lực tìm cách dung hòa cả 2 bên chứ không phải làm việc ít hơn”.
Thế hệ Z là "làn gió mới" trong thị trường lao động với nhiều điểm khác biệt so với các thế hệ trước. Ảnh: ST
Gen Z nổi tiếng với việc yêu thích sự linh hoạt, không thích bó buộc bản thân vào 8 tiếng làm việc truyền thống. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cánh báo rằng những người trẻ tuổi nên nghiên cứu đặc trưng ngành nghề của họ trước khi yêu cầu với nhà tuyển dụng về số giờ làm việc. Ví dụ như ngành tài chính ngân hàng thường có lịch trình dày đặc và rất khó để có sự cân bằng công việc - cuộc sống nhiều gen Z mong muốn.
Bên cạnh đó, người trẻ dường như đang gia nhập thị trường lao động theo 2 hướng hoàn toàn khác biệt: những người làm nhiều việc một lúc, bắt đầu ngày mới từ 5 giờ sáng và những người thích các công việc “làm ít, lương cao”, lên án khối lượng công việc ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và sẵn sàng nhảy việc nếu không đáp ứng mong đời của họ.
Lewis Maleh chỉ ra yếu tố chia rẽ 2 nhóm lao động này chủ yếu xoay quanh vấn đề “đặc quyền”. Đồng thời ông cũng nhận thấy nhiều gen Z chăm chỉ bị mang tiếng xấu vì những cá nhân không thực tế. “Tôi biết rất nhiều người trẻ tuổi đang làm việc cật lực, nhưng cái nhìn về gen Z lại bị sai lệch chỉ vì vài người muốn làm việc 5 tiếng/ngày và mong được trả 1 triệu bảng Anh”, Maleh nói.
Theo Monica McCoy, CEO công ty tư vấn toàn cầu Monica Motivates, định kiến sai lầm cho cả một thế hệ từ hình ảnh của một vài cá nhân có thể gây ra nhiều hệ lụy như hiểu lầm và cả sự hoài nghi.
Theo Fortune, BI