Nhà Trắng lại nóng "cuộc chiến" viện trợ cho Ukraine

Hải Vân |

Vừa thoát nguy cơ phải đóng cửa, Khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine đã bị loại khỏi gói tài trợ chính phủ của Mỹ, khiến dư luận hoài nghi về cam kết hỗ trợ của Washington dành cho Kiev trong tương lai.

Nước Mỹ đã tránh được kịch bản chính phủ đóng cửa với một dự luật tạm thời được Tổng thống Joe Biden ký vào hạn chót lúc nửa đêm 30/9 vừa qua (theo giờ Mỹ). Tuy nhiên đáng chú ý, khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine đã bị loại khỏi gói tài trợ chính phủ, khiến dư luận hoài nghi về cam kết hỗ trợ của Mỹ cho Kiev trong tương lai.

Theo giới quan sát, sự thiếu vắng khoản viện trợ này trong dự luật tạm thời khiến hình ảnh và vai trò của nước Mỹ bị đặt dấu hỏi; đồng thời làm lung lay mặt trận đoàn kết của phương Tây nhằm hỗ trợ cho Kiev.

Nhà Trắng lại nóng cuộc chiến viện trợ cho Ukraine - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine dỡ lô tên lửa chống tăng Javelin tại sân bay quốc tế Boryspil, ngoại ô thủ đô Kiev ngày 10/2. Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến đảng phái

Một cuộc chiến đảng phái đang diễn ra gay gắt liên quan đến vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, cuộc chiến này cũng không hoàn toàn chỉ xuất phát từ quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Xét về thực tế, mặc dù có một số nghị sỹ Cộng hòa, đặc biệt là những người theo quan điểm cựu Tổng thốngTrump muốn cắt giảm viện trợ nhưng đến nay, đa số nghị sỹ cả Dân chủ và Cộng hòa vẫn ủng hộ chính sách này.

Tuy nhiên, số lượng nghị sỹ Cộng hòa phản đối đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng cộng với việc viện trợ cho Ukraine trở thành con bài mặc cả khi thông qua các dự luật ngân sách khiến đảng Dân chủ bắt buộc phải nhượng bộ để có được lợi ích trong các vấn đề khác. Mặc dù chưa có thông tin về việc đưa ra thông qua dự luật riêng rẽ viện trợ cho Ukraine, nhưng một số nghị sỹ Cộng hòa vẫn để ngỏ giải pháp này khi cho rằng bất kỳ luật nào nhằm viện trợ bổ sung cho Ukraine có thể sẽ cần phải gắn liền với bổ sung ngân sách cho an ninh biên giới nước Mỹ cũng như những thay đổi về chính sách. Hay nói cách khác, đảng Dân chủ phải nhượng bộ để đổi lấy sự ủng hộ của Cộng hòa về vấn đề Ukraine.

Tuy nhiên, cuộc chiến này không chỉ là mâu thuẫn giữa Cộng hòa và Dân chủ mà còn là cuộc chiến âm thầm trong chính nội bộ mỗi đảng. Đối với đảng Dân chủ, mâu thuẫn về việc này không rõ nét khi các thành viên thường sẽ ủng hộ chính sách của chính quyền.

Trong đảng Cộng hòa, mâu thuẫn này rõ nét hơn và đang trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bế tắc trong việc thông qua các khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine. Những người theo trường phái đối ngoại “kiềm chế”, chủ trương nâng cao sức mạnh trong nước, hạn chế triển khai quân sự nước ngoài, cũng là quan điểm của cựu Tổng thống Trump, trong đó có nhóm phản đối viện trợ đang gia tăng, lấn át quan điểm truyền thống cho rằng Mỹ có thể và phải duy trì lãnh đạo và hiện diện quân sự trên toàn cầu. Chính vì thế, viện trợ cho Ukraine sẽ trở thành một trong những tranh cãi lớn nhất trên chính trường Mỹ thời gian tới, đặc biệt là khi các đảng phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống 2024.

Câu hỏi về việc duy trì viện trợ cho Ukraine

Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời tránh cho chính phủ đóng cửa vào cuối tháng 9 mặc dù không có khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine theo đề xuất của Tổng thống Biden nhưng không ảnh hưởng ngay lập tức đến chính sách của Mỹ đối với Ukraine. Theo đó, các chương trình viện trợ cho Ukraine với mục đích huấn luyện quân đội vẫn được duy trì ở mức độ như hiện nay. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn có quyền sử dụng khoảng 5,6 tỷ USD vũ khí và thiết bị quân sự từ các kho dự trữ hiện có để cung cấp cho Ukraine.

Nhà Trắng lại nóng cuộc chiến viện trợ cho Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Zelensky (Ảnh: AP)

Trước đó, ngày 28/09, Hạ viện Mỹ với tỷ lệ 310/117 cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá 300 triệu USD cho Ukraine như là một phần của dự luật độc lập sau khi lãnh đạo Hạ viện loại bỏ khoản viện trợ này trong gói ngân sách năm tài khóa 2024 của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong số đó, tỷ lệ ủng hộ và phản đối của Cộng hòa là 101/117.

Điều này cho thấy, đa số nghị sỹ cả Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang ủng hộ tăng cường viện trợ cho Ukraine mặc dù ngày càng giảm đi. Chính quyền Tổng thống Biden và những người ủng hộ sẽ tiếp tục tìm cách cung cấp các khoản viện trợ cho Ukraine bằng cách này hay cách khác. Quốc hội Mỹ cũng dự kiến tổ chức các cuộc đàm phán mới về gói viện trợ riêng cho Ukraine trong những tuần tới. Và nếu đảng Dân chủ đáp ứng các đề xuất của Cộng hòa thì nhiều khả năng đề xuất viện trợ của Tổng thống Biden sẽ được thông qua.

Rạn nứt trong mặt trận đoàn kết của phương Tây

Sau những thành công của chính quyền Tổng thống Biden tập hợp được nhiều đồng minh và đối tác trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu ủng hộ về chính trị và viện trợ về quân sự cho Ukraine, không chỉ giữa Mỹ và châu Âu mà ngay trong nội bộ từng nước đang xuất hiện một số chia rẽ, mâu thuẫn. Theo giới chuyên gia Mỹ, xu hướng này là khó có thể tránh khỏi khi cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài trong khi các nước đều phải đối mặt với những vấn đề nội bộ, nguy cơ suy thoái kinh tế, lợi ích chính trị…

Chuyên gia Brett Bruen, Chủ tịch Công ty tư vấn Phòng tình huống toàn cầu, cựu quan chức ngoại giao Mỹ nhận định, việc Quốc hội Mỹ không thông qua khoản viện trợ mới cho Ukraine cho thấy không chỉ đảng Cộng hòa mà ngay cả một số thành viên của đảng Dân chủ cũng sẵn sàng đánh đổi Ukraine vì lợi ích chính trị.

Việc tạm thời trì hoãn các nguồn tài trợ cho Ukraine là động lực cho những người phản đối ủng hộ không điều kiện cho Ukraine và sẽ tác động mạnh đến cán cân Nga-Ukraine. Điều này cũng thể hiện rõ tại một số nước châu Âu, vốn ủng hộ Ukraine như Slovakia, Ba Lan hay Bulgaria… đặc biệt là những nước đã và đang tổ chức tổng tuyển cử. Để đảm bảo lợi ích trong nước, thu hút sự ủng hộ của cử tri, lãnh đạo các nước này bắt buộc phải có các điều chỉnh chính sách đối ngoại, đặc biệt là chính sách đối với Ukraine.

Thời điểm này có thể cũng là giai đoạn quyết định làm thay đổi cuộc chiến Nga-Ukraine khi hai bên được cho là đang chuẩn bị những chiến dịch quân sự mới. Chính vì thế, xu hướng đoàn kết hay rạn nứt của liên minh do Mỹ dẫn dắt trong vấn đề Ukraine có thể phụ thuộc một phần vào diễn biến cuộc chiến sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại