Báo cáo "Chiến lược Trung Quốc" dài 20 trang nói trên công kích Bắc Kinh về nhiều vấn đề (như vi phạm quyền sở hữu tài sản trí tuệ và bảo hộ kinh tế) nhưng không nêu chi tiết động thái đáp trả của Washington. Theo hãng tin Bloomberg, báo cáo còn lên án các hành động quân sự "gây hấn và cưỡng ép" của Bắc Kinh ở những nơi như biển Đông, eo biển Đài Loan…
Ngoài ra, Nhà Trắng cáo buộc Trung Quốc tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị để gây tổn hại đến các lợi ích của Mỹ và chủ quyền nhiều quốc gia trên thế giới. Báo cáo khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đương đầu những bất đồng lớn hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của Mỹ, đặc biệt là lợi ích kinh tế và an ninh.
Trong một bước đi như thế, Thượng viện Mỹ cùng ngày đã thông qua dự luật có thể ngăn một số công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn về kiểm toán của Washington. Cụ thể, dự luật đòi hỏi các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ phải chứng minh họ không thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi chính phủ nước ngoài. Theo Reuters, dự luật này áp dụng với mọi công ty nước ngoài nhưng mục tiêu chính được cho là doanh nghiệp Trung Quốc. Ông John Kennedy, một trong hai thượng nghị sĩ trình dự luật trên, cho biết ông không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh lạnh mới mà chỉ muốn Trung Quốc tuân theo luật. Dự luật trên còn cần qua "ải" Hạ viện và được Tổng thống Donald Trump ký ban hành để có hiệu lực.
Sự gia tăng căng thẳng nói trên, cộng với sự bùng phát của dịch Covid-19 đang khiến nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ - Trung thông qua con đường ngoại giao gặp khó. Theo tờ South China Morning Post, các cuộc gặp mặt, đối thoại sau hậu trường giữa các quan chức, doanh nhân, học giả và cựu quan chức hai nước gần như bị đình trệ do sự thù địch gia tăng và các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn dịch bệnh lây lan. "Đại dịch Covid-19 đã ngăn chặn các cuộc họp riêng tư, điều đó thật tồi tệ. Nhiều thông điệp chỉ có thể được truyền tải gián tiếp bởi các phát ngôn viên và phương tiện truyền thông, điều này có thể gây hại đến hiệu quả của giao tiếp cũng như dễ dẫn đến hiểu lầm" - ông Wang Huiyao - Giám đốc Trung tâm về Trung Quốc và toàn cầu hóa, trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh - nhận định. Trong khi đó, ông Shi Yinhong, chuyên gia tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, cho rằng các kênh thảo luận như trên hiện không mang lại hiệu quả do thiếu quyết tâm chính trị từ hai bên.