Dư âm của vụ cháy Nhà thờ Đức Bà vẫn còn đó, nhưng người Pháp giờ đây bắt đầu hướng đến việc đứng dậy sau mất mát. Tổng thống Pháp Macron đã triển khai chiến dịch gây quỹ quốc gia nhằm khôi phục Nhà thờ Đức Bà, và đã thu hút được nhiều đóng góp, trong đó có cả các tỷ phú lớn trên thế giới với khoản tiền lên đến hàng trăm triệu USD.
Nhưng hãy tạm bỏ qua câu chuyện về tiền bạc, thì câu hỏi lớn nhất vào lúc này là làm thế nào để phục dựng được công trình mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử này một cách trọn vẹn nhất có thể? Và theo như thông báo mới đây, chúng ta sẽ làm được điều đó, với chìa khóa là công trình nghiên cứu của một kiến trúc sư mới qua đời năm ngoái.
Andrew Tallon - kiến trúc sư qua đời cuối năm 2018
Đó là Andrew Tallon - kiến trúc sư vừa qua đời cuối năm 2018 ở tuổi 49 vì căn bệnh ung thư não. Ông đã dành những năm cuối đời để cặm cụi lập ra tấm bản đồ cực kỳ chi tiết của Nhà thờ Đức Bà bằng công nghệ laser và đồ họa vi tính.
Tấm bản đồ được hoàn thành vào năm 2015. Được biết, ông đã sử dụng đến hơn 1 triệu điểm dữ liệu đồ họa, từ đó giúp nhà thờ trở nên sống động với những chi tiết chính xác bậc nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, Tallon sử dụng một máy phát laser xoay tròn để đo lường nội và ngoại thất của nhà thờ tại hơn 50 điểm khác nhau.
Tiếp đến, ông sử dụng công nghệ ảnh toàn cảnh (panoramic photograph) tại chính các địa điểm đã vẽ bản đồ, để tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Nhờ vậy, tấm bản đồ của Tallon không chỉ mô phỏng lại chiều sâu của nhà thờ, mà còn chính xác về mặt hình dáng bên ngoài.
Trên thực tế, Tallon không phải là người đầu tiên sử dụng công nghệ laser để lập ra bản đồ của các công trình từ thời Trung Cổ. Nhưng riêng với Nhà thờ Đức Bà Paris thì ông là người thành công nhất từ trước tới nay. Như theo National Geographic, một dự án tương tự trước đó thậm chí đã khiến cỗ máy laser bị hỏng trầm trọng.
Một trong những điểm khiến công trình của Tallon khác biệt so với toàn bộ dự án trước kia, đó là bản đồ của anh không chỉ mô tả lại hình dáng của Nhà thờ Đức Bà, mà còn về quá trình thay đổi của công trình này qua thời gian. Cấu trúc, vật liệu... mọi thứ thay đổi dưới sự tác động của môi trường và thời gian đều được thể hiện trên tác phẩm của ông.
Nhờ ghi nhận được sự thay đổi, Tallon có thể phân tích được sự tác động của thời gian đến các công trình xây dựng. Đây vốn là yếu tố quan trọng, và là một trong những bí ẩn của kiến trúc đối với những công trình có tuổi đời từ rất lâu.
Dù vậy, tấm bản đồ của Tallon chỉ có thể giúp quá trình phục dựng được dễ dàng và chính xác hơn. Còn bộ khung có gỗ hơn 850 tuổi của Nhà thờ thì hiện tại đã không còn gì nữa rồi. Tất cả đã bị thiêu rụi trong vụ cháy.
Tham khảo: Science Daily, Daily Mail