UBND TP Đà Nẵng đã có công văn đề nghị tỉnh Quảng Nam cung cấp thông tin về dự án nhà máy thép này. Tuy vậy, tại buổi họp báo công bố thông tin dự án hoàn toàn không có đại diện của bất cứ Sở, Ban ngành nào của Đà Nẵng tham gia.
Quảng Nam khẳng định an toàn
Chiều 13/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo thông tin các nội dung liên quan đến dự án Nhà máy thép Việt Pháp do Công ty TNHH thép Việt Pháp làm chủ dự án tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang).
Đây là dự án có vốn đầu tư gần 1.000 tỉ. Nhà máy này được di dời từ vị trí cũ tại xã Điện Nam Đông (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đến vị trí mới hiện nay.
Người già, trẻ nhỏ ở xã Điện Nam Đông bao vây nhà máy thép Việt Pháp vì ô nhiễm
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Nam, cho biết nhà máy thép Việt Pháp hoạt động tại xã Điện Nam Đông từ năm 2011.
Trong quá trình hoạt động, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn 8 lần tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của nhà máy.
"Tất cả các kết qủa phân tích đo đạt mẫu khí, bụi tại ống khói của nhà máy đều nằm trong quy chuẩn cho phép", bà Hạnh khẳng định.
Theo bà Hạnh, lý do nhà máy thép Việt Pháp được di chuyển vị trí lên thị trấn Thạnh Mỹ, nơi đầu nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn là vì nhu cầu mở rộng đô thị tại thị xã Điện Bàn.
Bà Hạnh cho hay nhà máy thép sẽ không thải nước thải sản xuất ra môi trường.
"Nguồn nước sử dụng là nước ngầm từ các giếng khoan và các khe suối gần dự án. Nước sản xuất chủ yếu để làm mát thiết bị và sẽ được xử lý tái sử dụng hoàn toàn, không thải ra môi trường", bà Hạnh nói.
Ngoài ra, nước thải sản xuất thải ra môi trường khoảng 19,5m3/ngày và được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Bụi, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại sẽ được hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom xử lý.
Khu vực ở thôn Hoa (huyện Nam Giang), vị trí sẽ đặt nhà máy thép Việt Pháp mới
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh VP UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận nhà máy thép ở xã Điện Nam Đông có ảnh hưởng đến người dân, cụ thể là tiếng ồn.
Ngoài ra, ông khẳng định 8 lần xét nghiệm các tiêu chí khí thải, bụi ở nhà máy do tỉnh, Tổng cục Môi trường thực hiện đều đảm bảo an toàn, đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Về việc UBND TP Đà Nẵng đề nghị cung cấp thông tin dự án, ông Quang cho rằng đã xem xét kỹ các yếu tố về môi trường. Theo ông Quang, tất cả các dự án đều có ảnh hưởng đến môi trường, kể cả dự án du lịch.
"Nếu muốn xin ý kiến, tỉnh chỉ xin ý kiến cấp trên", ông Quang nói.
Sử dụng công nghệ Trung Quốc
Đại diện Công ty thép Việt Pháp cho biết vị trí đặt nhà máy cách thượng nguồn sông Vu Gia 5km theo đường chim bay. Nhà máy mới sẽ sản xuất 100.000 tấn phôi thép và 80.000 tấn thép cán nóng.
"Việc đầu tư nhà máy để phát triển ngành công nghiệp cán thép Việt Nam, tạo nguồn thu, tăng thu ngân sách cho địa phương, tạo việc làm cho địa phương", đại diện công ty nói.
Theo đại diện Công ty thép Việt Pháp, nguyên liệu sản xuất là sắt thép phế liệu được thu gom trong nước và được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản. Nhà máy cam kết nhập thép phế liệu đúng tiêu chuẩn Việt Nam.
Thép sẽ được xử lý bằng phương pháp cắt gọt thành nguyên liệu để đưa vào lò sản xuất. Nhà máy sẽ được xây dựng bắt đầu từ năm 2017 và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2019.
"Nhà máy hoạt động chủ yếu phát sinh bụi và khí thải từ phế liệu đã qua sử dụng. Nhà máy sẽ thải ra 3kg sỉ trên 1 tấn thép sản xuất", vị đại diện cho biết.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch, Hội viên Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng - thành viên Hội đồng đánh giá tác động môi trường (DTM), khẳng định công nghệ sản xuất tại nhà máy thép Việt Pháp không giống Formosa.
"Nhà máy không thể đưa quặng vào sản xuất mà dùng nguyên liệu là thép phế liệu", ông Thạch khẳng định.
Theo ông Thạch, việc di dời nhà máy là đúng vì quy mô hoạt động phát triển thì ở vị trí cũ không đáp ứng được.
"Nhà máy hoạt động tạo tiếng ồn, bụi, tác động đến người dân xung quanh. Sai lầm là việc cấp phép nhà máy ở khu dân cư.
Công nghệ nhà máy sử dụng thuộc diện trung bình khá trên thế giới. Công nghệ này nhập từ Trung Quốc", ông Thạch nói.
Bà Võ Thị Hạnh, Phó giám đốc Công ty Việt Pháp thông tin thêm, chỉ tiêu hàng đầu của công ty là sản xuất đồng hành với bảo vệ thiên nhiên. Thời gian qua, vị trí sản xuất của nhà máy không phù hợp nên muốn di dời.
Bà Võ Thị Hạnh cho biết công nghệ sản xuất nhập từ Trung Quốc nhưng đật tiêu chuẩn EU
"Chúng tôi khẳng định rằng nếu có ô nhiễm, chúng tôi là người chịu ảnh hưởng đầu tiên. Chúng tôi luôn đặt ra việc bảo vệ môi trường lên hàng đầu.
Tôi khẳng định nhà máy sản xuất từ sắt phế liệu, không sản xuất từ quặng. Quy trình sản xuất đã có sẵn.
Chúng tôi vay vốn từ Thụy Sĩ qua Bộ Công thương để mua công nghệ sản xuất. Công nghệ này được mua từ Trung Quốc.
Bên cho vay là Thụy Sĩ đã kiểm tra, kiểm nghiệm công nghệ đạt tiêu chuẩn chất lượng EU mới đồng ý cấp vốn cho vay", bà Hạnh giải thích.