Nhà máy nước hơn 230 tỷ đồng: Xây xong... bỏ hoang!

Công Hoan |

Nhà máy nước Phước Nam (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) được đầu tư xây dựng hơn 230 tỷ đồng nhưng lại bỏ hoang từ khi khánh thành đến nay. Sau hơn 10 năm không được sử dụng, nhiều hạng mục công trình của nhà máy xuống cấp trầm trọng.

Đầu tư công không hiệu quả

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, dự án Nhà máy nước (NMN) Phước Nam được xây dựng theo hai giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 230 tỷ từ nguồn vốn vay Trái phiếu Chính phủ và Ngân hàng Phát triển châu Á.

Cụ thể, giai đoạn một có tên: Hệ thống cấp nước sinh hoạt nhân dân các xã thuộc huyện Ninh Phước và Khu công nghiệp Phước Nam, có tổng mức đầu tư khoảng 148 tỷ đồng.

Vào năm 2009, dự án được tỉnh bàn giao cho Cty CP Cấp nước Ninh Thuận quản lý, sử dụng với quyết toán kinh phí hơn 149,6 tỷ đồng. Đến giai đoạn hai công trình có tên: Hệ thống cấp nước Cà Ná - Phước Nam, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Vào năm 2013, dự án được tỉnh bàn giao cho Cty CP Cấp nước Ninh Thuận quản lý, sử dụng với quyết toán kinh phí hơn 83 tỷ đồng.

Ngày 26/7, PV Tiền Phong “đột nhập” vào bên trong khu vực NMN Phước Nam. Điều dễ nhận thấy bên trong khu vực nhà máy nhà làm việc bỏ không, cỏ dại mọc um tùm... Một số hạng mục của công trình xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài hàng chục mét.

Tại nhà máy, NMN Phước Dân (trực thuộc Cty CP Cấp nước Ninh Thuận, nằm cách NMN Phước Nam khoảng 100m) cử vài nhân viên đến đây để trông coi, bảo vệ.

Khi phát hiện PV đang ghi hình, một nhân viên bảo vệ của NMN Phước Dân chạy đến yêu cầu PV rời khỏi hiện trường với lý do chưa có sự đồng ý của ban giám đốc thì không được ghi hình!

“Mượn tạm” đường ống nhà máy?

Sau khi NMN Phước Nam được xây dựng xong, UBND tỉnh Ninh Thuận nhiều lần đề nghị Cty CP Cấp nước Ninh Thuận nhận bàn giao tài sản nhà máy này để sử dụng nhưng Cty này chỉ nhận nhiệm vụ quản lý mà thôi.

Một lãnh đạo NMN Phước Dân cho biết, mục tiêu xây dựng NMN Phước Nam ban đầu lấy nguồn nước sông Dinh về xử lý, sau đó cung cấp nước sạch cho người dân các xã thuộc huyện Ninh Phước, cung cấp nước thô cho Khu công nghiệp Phước Nam (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) và Dốc Hầm - Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam).

Nhưng sau đó Khu công nghiệp Phước Nam và Cà Ná không có nhu cầu lấy nước thô, còn NMN Phước Dân đã cung cấp đủ nước cho người dân trong vùng nên Cty CP Cấp nước Ninh Thuận chỉ nhận quản lý chứ không nhận bàn giao tài sản, vận hành nhà máy.

Hiện NMN Phước Dân cũng đang “mượn tạm” khoảng 7km đường ống D400 của NMN Phước Nam để bơm cấp nước sạch cho người dân trong huyện Ninh Phước.

Sau khi PV lọt được vào bên trong NMN Phước Nam, điều bất ngờ là vẫn thấy công nhân NMN Phước Dân đang vận hành máy bơm, bể chứa của NMN Phước Nam.

Một nhân viên NMN Phước Dân cho biết, bể chứa của NMN Phước Nam có dung tích khoảng 1.500m3, đang được NMN Phước Dân “mượn tạm” để bơm trữ nước và sau đó bơm lên hệ thống cấp nước cho người dân khu vực huyện Ninh Phước.

Trong khi đó ông Đinh Viết Sơn - Phó giám đốc Cty CP Cấp nước Ninh Thuận lại cho biết: Từ khi nhận bàn giao đến nay, Cty chỉ làm công tác bảo vệ, quản lý NMN Phước Nam chứ không hề vận hành nhà máy.

Lý giải việc NMN Phước Dân bơm nước vào bể chứa NMN Phước Nam, ông Sơn cho biết là để bảo hành, bảo dưỡng hệ thống cấp nước của nhà máy này.

Liên quan đến việc NMN Phước Dân sử dụng “miễn phí” đường ống cấp nước dài 7km của NMN Phước Nam mà không phải bỏ kinh phí đầu tư xây dựng, ông Sơn cho biết khi nào tỉnh bán NMN Phước Nam thì Cty sẽ thanh toán chi phí “mượn tạm” đường ống.

Sẽ tổ chức bán đấu giá nhà máy

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Hậu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: NMN Phước Nam xây dựng xong không đưa vào hoạt động được là do nguyên nhân khách quan trong việc thay đổi nhu cầu sử dụng nước của Khu công nghiệp Phước Nam và Dốc Hầm - Cà Ná. Hiện tỉnh cũng đã có kế hoạch bán đấu giá NMN Phước Nam để tránh lãng phí tài sản đầu tư công của Nhà nước. Còn việc để xảy ra lãng phí đầu tư xây dựng NMN Phước Nam là trách nhiệm chung, rất khó xử lý các cán bộ liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại