Nhà máy cố thủ trên đất vàng: Lo câu chuyện nhà máy di dời, cao ốc mọc lên

Minh Lâm |

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông một lần nữa cho thấy tình trạng báo động của các cơ sở, nhà máy sản xuất trong khu dân cư đô thị, nhất là khu vực nội thành.

Tiến độ di dời chậm

Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015, đến năm 2020, Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sở; quận Ba Đình: 2 cơ sở; quận Cầu Giấy: 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng: 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm: 6 cơ sở; quận Hà Đông: 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm: 6 cơ sở; quận Thanh Xuân: 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm: 2 cơ sở; quận Hoàng Mai: 11 cơ sở; quận Long Biên: 17 cơ sở.

UBND Tp. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục di dời. Trong đó, kết quả phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường có 23 đơn vị nước thải đạt quy chuẩn cho phép; 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường; 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để thực hiện di dời, Tp. Hà Nội phân loại đối với các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch đề xuất hình thức bắt buộc di dời ngay. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch tiến hành phân loại đề xuất xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị.

Dù lộ trình đặt ra như thế nhưng đến thời điểm hiện tại (quý 3/2019) trên địa bàn Tp. Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chịu di dời. Báo cáo chính thức tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018 của Hà Nội cho thấy tại thời điểm đó mới chỉ giảm được 4 cơ sở.

Điển hình như Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới xảy ra cháy dù nằm trong danh sách phải di dời nhưng cho tới tận gần trước sự cố xảy ra vẫn chưa có kế hoạch chuyển đi, nhà máy đặt tại điểm đến mới cũng chưa được xây.

Đây chỉ là một ví dụ trong hàng trăm cơ sở đang hàng ngày tồn tại với khu dân cư, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, chưa kể nếu như xảy ra mất an toàn về phòng chống cháy nổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực.

Lý giải về sự chậm trễ này, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến…

Trong một bài viết, KTS. Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị cho rằng, để thực hiện tốt chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi nội đô, yêu cầu đặt ra với thành phố lúc này là cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Sâu xa hơn nữa, theo vị chuyên gia, để giải quyết triệt để việc này, ngoài việc chủ động của doanh nghiệp thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, đó là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn, để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.

Ngoài ra, việc sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. Bởi thực tế quỹ đất của các bộ, ngành trong danh sách cần di dời vẫn ít hơn nhiều so với các quỹ đất thuộc cơ sở công nghiệp chưa di dời.

Lo câu chuyện "nhà máy di dời, cao ốc mọc lên"

Di dời các nhà máy, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô là hướng đi cần thiết nhưng điều mà người dân mong mỏi là việc di dời các cơ sở này, quỹ "đất vàng" đó cần được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng để tạo lập không gian sống văn minh, hiện đại, bảo đảm giảm tải được áp lực về hạ tầng đô thị.

Báo cáo của Chính phủ gửi tới đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị tại kỳ họp hồi tháng 5, Chính phủ cũng thừa nhận, một số cơ sở sau di dời được sử dụng quỹ đất này để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng nên chưa giải quyết được việc giảm tải áp lực về tập trung đông dân cư khu vực nội thành, việc sử dụng quỹ đất sau di dời này còn hạn chế.

Thêm vào đó, việc di dời nhà máy, trụ sở để xây cao ốc cũng phải lưu ý những lỗ hổng khiến ngân sách thất thu.

Trong một báo cáo kết luận được Thanh tra Chính phủ công bố hồi năm ngoái cho thấy, riêng tại Hà Nội, có những doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thoả thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên; Dự án tại 365 A Minh Khai; Dự án 167 Thuỵ Khuê…

Theo Thanh tra Chính phủ, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án.

"Đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa", kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Tại Kết luận lần này, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn tồn tại tình trạng không căn cứ vào Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường.

Kết quả thanh tra 38 dự án cho thấy, trong tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi phí không đúng theo quy định của pháp luật như: chi phí dự phòng, lãi tiền vay ngân hàng, chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp công trình… để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất, dẫn đến chủ đầu tư hưởng lợi về kinh tế trong khi ngân sách thất thu số tiền lớn.

Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án số tiền tính sai lên tới hơn 1.480 tỷ đồng.

Kiểm tra 38 dự án, tại thời điểm thanh tra có 8 dự án nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp với tổng số tiền hơn 1.951 tỷ đồng. Từ phát hiện này, một số chủ đầu tư đã nộp hơn 1.106 tỷ đồng, số nợ đọng còn lại là gần 845 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại