Nhà hóa học đã làm gì để quân Đức không thể ném bom Leningrad?

CTV Lê Ngọc |

Nhà hóa học Liên Xô Alexander Dmitrievich Petrov đã phát hiện được điểm yếu chết người của không quân Đức để Hồng quân triệt để khai thác.

Đầu tháng 10/1941, một chiếc máy bay Me-109 Đức bị bắn trên bầu trời Leningrad, phi công đã buộc phải hạ cánh ở ngoại ô thành phố. Khi viên phi công bị đội tuần tra bắt giữ, một đám đông đã đến xem, trong đó nhà hóa học hữu cơ nổi tiếng Liên Xô, Alexander Dmitrievich Petrov. Nhìn nhiên liệu chảy từ chiếc bình xăng bị vỡ của máy bay, vị giáo sư trở nên tò mò việc máy bay Đức dùng nhiên liệu gì để bay. Petrov dùng một cái chai hứng dòng nhiên liệu và với mẫu thu được. Ông Petrov sau đó đã tiến hành một loạt thí nghiệm tại Viện Công nghệ-Hóa học Leningrad.

Nhà hóa học đã làm gì để quân Đức không thể ném bom Leningrad? - Ảnh 1.

Thời gian đầu Thế chiến II, máy bay Đức không thể cất cánh khi nhiệt độ dưới -20 độ C; Nguồn: pantv.livejournal.com

Khi phân tích, Petrov phát hiện ra rằng nhiệt độ đóng băng của xăng máy bay Đức là -14 độ C, so với -60 độ C của xăng Liên Xô - đó là lý do tại sao máy bay Đức không thể bay cao. Nhưng làm thế nào để chúng cất cánh khi nhiệt độ không khí trong khu vực Leningrad giảm xuống dưới -15 độ C? Nhà hóa học tỏ ra phấn chấn và đến gặp Phó Tư lệnh Không quân Mặt trận Tây-Bắc. Ngay từ ngưỡng cửa, Petrov nói với vị Phó Tư lệnh rằng anh ta biết một cách để tiêu diệt tất cả máy bay của kẻ thù.

Vị tướng có một số mối quan tâm, muốn trao đổi với các nhà khoa học và sau khi nghe nhà hóa học trình bày, ông tỏ ra thích thú với thông tin vừa nghe được. Để cho chắc chắn, các mẫu nhiên liệu từ máy bay Yu-87, và sau đó từ sân bay do các trinh sát mặt trận thu thập được chuyển về để nhà hóa học phân tích, kết quả đều trùng khớp nhau. Hồng quân Liên Xô bí mật chuẩn bị chơi khăm quân Đức, họ chờ đợi thời tiết lạnh.

Và cuối cùng điều gì đến đã đến, vào ngày 30/10, những bức ảnh thám không giải mã các sân bay ở Gatchina và Siverskaya nằm trên bàn tại Bộ Tham mưu Không quân Mặt trận. Các trinh sát phát hiện thấy 40 chiếc máy bay Yu-88, 31 máy bay tiêm kích và bốn máy bay vận tải tại Siverskaya. Sáng ngày 6/11, Trung đoàn Không quân Cường kích số 125 được lệnh xuất kích. Từ độ cao 2.550m, những chiếc Pe-2 của Liên Xô đã đánh bom trúng bãi đậu máy bay của kẻ thù. Súng phòng không của quân Đức đã bắn trả, nhưng người Đức không thể đưa nổi một máy bay chiến đấu nào lên không trung vì sương giá dưới -20 độ C.

Nhà hóa học đã làm gì để quân Đức không thể ném bom Leningrad? - Ảnh 3.

Nhà hóa học hữu cơ Liên Xô Alexander Dmitrievich Petrov; Nguồn: historygreatrussia.ru

Sau 15 phút, các máy bay ném bom được thay thế bằng sáu máy bay của Trung đoàn Không quân Tấn công 174. Cùng lúc đó, một nhóm 9 máy bay I-153 đã trấn áp các trận địa pháo phòng không, rồi bắn súng máy vào bãi đậu của máy bay địch. Sau hai tiếng rưỡi, bảy máy bay ném bom của Trung đoàn Không quân Cường kích 125 đã giáng đòn thứ hai xuống sân bay. Tổng cộng có 14 máy bay ném bom, 6 máy bay tấn công và 33 máy bay tiêm kích tham gia chiến dịch.

Sau cuộc đột kích này, các cuộc tấn công vào các sân bay khác đã được thực hiện, và kết quả Không đoàn số 1 Đức của Thượng tướng Alfred Keller bị tổn thất nặng nề và thực sự mất sức chiến đấu trong một thời gian. Về sau, người Đức đã sớm giao xăng hàng không chất lượng cao hơn cho không quân của họ, mặc dù nó không chịu được -60 độ băng giá, nhưng cho phép khởi động động cơ máy bay ở -20 độ C. Tuy nhiên, khả năng tiến hành các cuộc tấn công ném bom rải thảm vào Leningrad chỉ được khôi phục sau 6 tháng, vào tháng 4/1942.

Petrov sớm được đưa về Moscow và năm 1947, trở thành người đứng đầu Phòng thí nghiệm của Viện Hóa học hữu cơ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Alexander Petrov sinh năm 1895 tại St-Petersburg, tốt nghiệp Đại học Petrograd năm 1922, là học trò của nhà hóa học hữu cơ nổi tiếng Alexei Tabor. Năm 1935, không phải bảo vệ luận án, Petrov được đặc cách trao bằng Tiến sĩ Hóa học nhờ các công trình nghiên cứu về xúc tác ở nhiệt độ và áp suất cao, và vào tháng 1/1936, nhà khoa học đã được phong hàm Giáo sư; ông mất năm 1964./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại