Cao Xianli, chủ một nhà hàng cơm sườn ở thành phố Thanh Đảo phía đông Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong 10 năm kinh doanh. Không chỉ do chi phí tăng gấp đôi vì giá thịt lợn tăng năm ngoái, ông thậm chí còn không chắc có thể đảm bảo số thịt cần thiết cho món chính của nhà hàng.
“Mối quan tâm của tôi là còn có thể mua thịt lợn bao lâu nữa. Nếu không thể mua thịt lợn, tôi phải đóng cửa nhà hàng”, Cao nói với Reuters.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt sau khi dịch tả lợn châu Phi làm chết phần lớn đàn lợn nước này, khiến quốc gia tiêu thụ thịt hàng đầu thế giới thiếu khoảng một phần tư nguồn cung thông thường. Con số này vào khoảng 13,5 triệu tấn, nhiều hơn toàn bộ sản lượng thịt lợn của Mỹ.
Với thịt lợn là loại thịt phổ biến nhất ở Trung Quốc hiện nay, lạm phát thực phẩm đã tăng tới mức cao nhất trong gần 8 năm, gây ngạc nhiên cho cả các nhà kinh tế và chủ nhà hàng.
“Trong năm vừa qua, cả chúng tôi và thị trường đều đã đánh giá thấp tốc độ lạm phát giá thịt lợn”, chuyên gia phân tích Lu Ting và các đồng nghiệp tại ngân hàng Nomura của Nhật Bản viết trong báo cáo tháng 10, điều chỉnh lại dự báo lạm phát vào năm tới.
Nhân viên tại nhà hàng Xishaoye ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Sức mua
Giá thịt lợn tăng vọt đang tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Giá gà bán buôn đã tăng 33% so với năm trước, do nhu cầu thay thế thịt lợn đắt đỏ bằng thịt gia cầm rẻ hơn, đồng nghĩa với việc chuỗi cửa hàng gà rán tại Trung Quốc cũng đang chịu sức ép.
KFC giải quyết chi phí gia tăng bằng cách buộc các nhà cung cấp chịu phần lớn chi phí, giữ lạm phát dưới 10%, giám đốc điều hành công ty sở hữu KFC, Yum China Holdings cho biết trong cuộc gọi ngày 28/10.
Về phần chi phí còn lại, KFC tăng số lượng các món không dùng thịt gà trong thực đơn, như thịt vịt và burger nấm Portobello. Vịt là loại thịt giá rẻ nhất tại Trung Quốc.
KFC cũng đang sử dụng các bộ phận thịt gà rẻ hơn, thay thế cánh bằng thịt ức và có chương trình “xô cánh gà” vào tháng 7 và tháng 10.
Dù đầu cánh chỉ có da, xương và sụn, món cánh gà chiên này đã trở nên phổ biến, giám đốc điều hành Joey Wat cho biết trong cuộc gọi gần đây. “Có một nhóm, tuy không lớn, yêu thích món này”, bà nói với các nhà phân tích.
Công ty cũng cảnh báo năm 2020 sẽ là một năm đầy thách thức với lạm phát hàng hóa nhưng cho biết sẽ “thận trọng” trong việc chuyển chi phí sang cho khách hàng.
Không thể đa dạng hóa
Hàng triệu công ty nhỏ hơn trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống trị giá 4 nghìn tỷ CNY (568 tỷ USD) của Trung Quốc có ít lựa chọn hơn để đối phó với chi phí tăng và nguồn cung hạn chế.
Mặc dù nhập khẩu đã tăng mạnh trong năm nay, dự kiến 3 triệu tấn thịt lợn từ nước ngoài không thể đáp ứng nhu cầu trong nước, và Bắc Kinh chỉ có một lượng nhỏ thịt lợn đông lạnh trong kho dự trữ quốc gia.
“Tác động đối với chúng tôi là rất lớn: chúng tôi bán sườn. Không có cách nào đa dạng hóa”, ông Cao, chủ nhà hàng tại Thanh Đảo nói.
Cao đã tăng giá khoảng 10% mỗi suất lên 19 CNY và vẫn giữ được khách hàng. “Người dân vẫn đến vì họ cũng không có lựa chọn nào khác. Nếu đi chợ mua thịt lợn, họ sẽ thấy giá cũng không rẻ hơn”, ông nói.
Nhưng những người khác đã phải chật vật giữ khách trong cảnh giá tăng. Xishaoye, chuỗi cửa hàng có trụ sở tại Bắc Kinh chuyên về ‘roujiamo’, một loại bánh bao thịt lợn truyền thống của Trung Quốc, đã phải hạ giá sau khi tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng vì giá tăng, Ji Chen, quản lý tại một trong những cửa hàng của chuỗi nói.
“Đây là thị trường cạnh tranh cao, bạn không thể tăng giá lên nhiều hơn một chữ số”, Lina Yan, nhà phân tích người tiêu dùng tại HSBC cho biết. Xishaoye đã chuyển sang quảng bá các biến thể thịt gà và rau của bánh bao thịt lợn, và đưa ra một thực đơn với các món ăn kèm không có thịt lợn để thu hút khách hàng khỏi món chính của họ.
Điều này giúp giảm một nửa mức tiêu thụ thịt lợn tại 43 cửa hàng, nhưng hãng vẫn lỗ hơn 6 triệu CNY trong năm nay, giám đốc điều hành Meng Bing cho biết.
“Nguyên liệu thường chiếm khoảng 30 - 40% chi phí, vì vậy nếu chi phí nguyên liệu tăng từ 20% đến 30%, công ty nhiều khả năng thua lỗ”, Meng nói.
Thực khách tại nhà hàng Xishaoye ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hu Chunhua đã kêu gọi nông dân phục hồi chăn nuôi tại các trang trại và kêu gọi chính quyền tỉnh làm hết khả năng để đảm bảo nguồn cung cấp thịt lợn, đặc biệt trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tháng tới.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết sản xuất lợn sẽ trở lại khoảng 80% mức bình thường vào cuối năm 2020, nhưng nhiều người khác cho rằng dự báo này là quá lạc quan, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn đang lan rộng.
Sau đợt giảm tháng trước, giá thịt lợn đang tăng trở lại và thậm chí các công ty lớn cũng sẽ phải chịu sức ép nếu lạm phát không sớm giảm.
Giám đốc điều hành của một trong những công ty dịch vụ ăn uống lớn nhất Trung Quốc cho biết họ có thể buộc phải tăng giá sớm.
“Tăng giá là biện pháp cuối cùng vì người tiêu dùng của chúng tôi rất nhạy cảm với giá. Nhưng nếu giá thịt lợn duy trì ở mức cao trong năm 2020, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác”, ông nói, yêu cầu được ẩn danh vì nguồn cung thịt lợn là một chủ đề nhạy cảm.