Nhà hàng đặc biệt, toàn bộ nhân viên là người nhiễm HIV

VŨ UYÊN |

Một nhà hàng "chưa từng có" đã được khai trương tại thành phố Toronto, tỉnh Ontario, Canada nhằm giúp xóa bỏ những định kiến về việc chia sẻ đồ ăn với người nhiễm HIV.

Toàn bộ 14 nhân viên của nhà hàng mới khai trương từ hồi tháng 6/2017 này đều là người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Họ chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội được đặt chân vào khu vực nấu nướng hiện đại như thế vì luôn bị xã hội nhìn nhận bằng ánh mắt kỳ thị.

Nhưng giờ đây, họ lại đang cắt xẻ vài miếng bít-tết từ tảng thịt khổng lồ, nhẹ nhàng dùng tay ép vỏ lựu ra khỏi phần vỏ nhằm chuẩn bị một bữa tối sang trọng cho hơn 100 vị khách hàng đáng mến.

Nhà hàng đầu tiên có nhân viên là người nhiễm HIV

Nhà hàng vô cùng đặc biệt này đã được mở ra bởi Casey House – trung tâm chăm sóc sức khỏe đầu tiên và duy nhất tại Canada dành riêng cho những người sống chung với căn bệnh HIV/AIDS.

"Chúng tôi thực sự muốn góp phần xóa bỏ định kiến xấu còn tồn tại trong xã hội nhằm vào cộng đồng người mang HIV", CEO của Casey House bà Joanne Simons chia sẻ.

Nhà hàng đặc biệt, toàn bộ nhân viên là người nhiễm HIV - Ảnh 1.

Virus HIV không thể sống quá lâu khi bị đưa ra khỏi cơ thể người và sẽ chết trong quá trình nấu nướng như bất kỳ loại vi khuẩn hay virus nào khác.

Những bệnh nhân đầu tiên của Casey House được đưa tới bởi đội ngũ nhân viên y tế trong trang phục bảo vệ sinh hóa hazmat che kín người vào 1988. 

Giờ đây, dẫu khoa học đã giúp cộng đồng hiểu biết thêm về căn bệnh HIV/AIDS nhưng trong xã hội vẫn còn tồn tại rất nhiều định kiến đối với các mảnh đời kém may mắn này.

Theo một khảo sát mới nhất tại Canada thì có chưa tới 50% cá nhân tham gia trả lời câu hỏi chấp nhận việc sử dụng thức ăn do người nhiễm HIV chuẩn bị, hay sẵn sàng dùng chung bữa với người nhiễm HIV.

Nhà hàng đặc biệt, toàn bộ nhân viên là người nhiễm HIV - Ảnh 2.

Nhà hàng đặc biệt với đội ngũ nhân viên là những người nhiễm HIV.

Bà Simons cho biết thêm, kể từ khi mở cửa vào hồi tháng 6/2017, nhà hàng đã nhận khá nhiều lời chỉ trích trên mạng xã hội, liên quan tới vấn đề tuyển dụng nhân viên là những người nhiễm HIV.

Nhưng theo bà Simons thì đó chính là cơ hội hiếm có để nâng cao nhận thức cho số đông, góp phần xóa bỏ định kiến của họ đối với cộng đồng mang căn bệnh thế kỷ này.

"Họ luôn cảm thấy ghê sợ nếu một ai đó mang trong mình căn bệnh HIV chẳng may bị đứt tay khi đang làm việc trong nhà bếp.

Tuy nhiên, đừng tỏ ra lo lắng vì chúng tôi sẽ vứt bỏ toàn bộ số thực phẩm dính máu ngay sau khi sơ cứu cho người bị thương và dọn dẹp xong xuôi khu vực xung quanh. Việc dùng đồ ăn do một người mang HIV chế biến thực sự rất an toàn", bà Simons nói.

Vượt qua định kiến của xã hội

Trước khi nhà hàng chính thức khai trương, toàn bộ 14 nhân viên tại đây đã phải dành nhiều tuần để học cách nấu nướng và trang trí các món ăn phức tạp như súp khoai tây kiểu Thái Lan hay mỳ Ý sốt cá hồi chấm hồng sao cho thật đẹp mắt.

Đồng thời, việc thiết kế thực đơn chính thức cũng không thể bỏ qua. Và tất cả các công đoạn ấy đều được vị bếp trưởng nổi tiếng Matt Basile hướng dẫn chi tiết từ đầu tới cuối.

Nhà hàng đặc biệt, toàn bộ nhân viên là người nhiễm HIV - Ảnh 3.

Những người nhiễm HIV đang chế biến món ăn cho các thực khách dùng bữa tại nhà hàng.

Cô Muluba Habanyama, một đầu bếp 24 tuổi từng mất cả cha lẫn mẹ vì căn bệnh thế kỷ tâm sự rằng: "Tôi biết bản thân mang căn bệnh HIV nên không muốn chia sẻ bí mật này với bất kỳ ai khác.

Thậm chí, một giáo viên ở bậc tiểu học còn để tôi dùng thức ăn bằng đĩa giấy, uống nước bằng cốc giấy trong khi vợ chồng cô ấy sử dụng đĩa và cốc thủy tinh. Điều đó khiến tôi bị tổn thương rất nhiều.

Tôi cũng từng lo lắng mỗi khi qua đêm ở nhà của những đứa trẻ khác. Tôi sợ chúng sẽ phát hiện mình phải uống thuốc mỗi ngày, rồi lập tức xa lánh nếu nhận ra sự thật kinh hoàng ấy".

Nhà hàng đặc biệt, toàn bộ nhân viên là người nhiễm HIV - Ảnh 4.

Nhà hàng cũng giúp mọi người trong xã hội nâng cao nhận thức về căn bệnh HIV/AIDS.

Việc luôn phải che giấu việc bản thân nhiễm HIV trong suốt quá trình trưởng thành đã khiến cô Habanyama cảm thấy mệt mỏi và bắt đầu xa lánh với những người xung quanh.

Cô đã rơi vào trạng thái trầm cảm khi cha mẹ đời vào năm cô lên 19 tuổi: "Hai chị em tôi phải nói dối để đối phó với câu hỏi của mọi người xung quanh, rồi chẳng thể chia sẻ sự thật với bạn bè hay họ hàng thân thích".

Nhà hàng đặc biệt, toàn bộ nhân viên là người nhiễm HIV - Ảnh 5.

Không gian của nhà hàng do trung tâm Casey House thành lập.

Chính quãng thời gian đen tối ấy cũng dần khiến cô Habanyama trở nên dũng cảm hơn. Và tới năm 2014 thì cô đã sẵn sàng thừa nhận tình trạng sức khỏe của bản thân với những người xung quanh.

"Tôi biết mình sẽ không bao giờ muốn sống trong bóng tối thêm một lần nào nữa. Dẫu vậy, tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi chia sẻ về bí mật này vì nó có thể khiến bầu không khí trong cuộc đối thoại thay đổi hoàn toàn", cô Habanyama nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh HIV/AIDS

Những câu chuyện của cô Habanyama cũng là điều mà đa phần cộng đồng người mang căn bệnh thế kỷ phải trải qua trong cuộc sống thường ngày.

Anh Trevor Stratton, người đàn ông 52 tuổi hiện đang đảm nhiệm công việc trang trí món ăn tại nhà hàng của Casey House kể lại: "Tôi được chẩn đoán mắc HIV từ 27 năm trước nên việc tìm một nửa đích thực trở nên rất khó khăn.

Tôi luôn công khai tình trạng sức khỏe với mọi người, kể cả trên các trang hẹn hò trực tuyến nhưng chỉ đều nhận về các câu hỏi giống nhau: ‘Vì sao anh mắc phải căn bệnh ấy chứ?".

Nhà hàng đặc biệt, toàn bộ nhân viên là người nhiễm HIV - Ảnh 6.

Dù mất điện, song các nhân viên tại nhà hàng này vẫn cố gắng sơ chế thực phẩm một cách rất chăm chỉ.

Mặc dù có nhiều biện pháp phòng tránh, song căn bệnh HIV/AIDS vẫn đang gây ảnh hưởng một cách đặc biệt tiêu cực tới cộng đồng sắc tộc thiểu số tại Canada.

Anh Stratton cho rằng: "Hiện cộng đồng người thổ dân đang có tỷ lệ mắc HIV mới cao gấp đôi con số trung bình của toàn Canada. Thậm chí, tại tỉnh Saskatchewan, tỷ lệ mắc mới trong những năm gần đây còn tương đương với nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Đa phần họ đều nhiễm HIV sau khi sử dụng chung kim tiêm để chích ma túy. Dĩ nhiên, tình trạng kinh tế và giáo dục yếu kém hay nhiều bất công mà chúng tôi phải chịu đựng khi chưa mắc bệnh cũng làm mọi việc trở nên trầm trọng hơn".

Nhà hàng đặc biệt, toàn bộ nhân viên là người nhiễm HIV - Ảnh 7.

Một nữ nhân viên đang hóa trang trong dịp lễ Halloween.

Anh Stratton quyết định tham gia vào dự án nhà hàng của Casey House ngay khi đọc thông tin và miêu tả đây là một cơ hội quan trọng để làm nổi bật một vấn đề đã bị bỏ qua trong những năm gần đây.

"Chúng tôi cần sự trợ giúp, cần đồng minh, cần được thừa nhận là một cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi căn bệnh thế kỷ. Chúng tôi biết mình chỉ là những nhân vật vô hình trong mắt nhiều người. Do đó, mọi việc mà đội ngũ nhân viên tại nhà hàng này đang làm chính là cách để giúp xã hội nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại