Nhà ga C9 đặt cạnh hồ Hoàn Kiếm: Không ảnh hưởng đến di tích?

Trường Phong |

Trao đổi với Tiền Phong quanh việc đặt nhà ga ngầm C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, muốn có một cái mới thì luôn phải mất một thứ gì đó đã cũ, tuy nhiên, việc xây dựng nhà ga C9 “không ảnh hưởng đến di tích”.

Thưa ông, nhiều ý kiến lo ngại việc xây dựng nhà ga ngầm C9 sẽ ảnh hưởng đến quần thể di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, đặc biệt là vị trí Tháp Bút. Ông nghĩ sao?

Đúng là trước đây có nhiều ý kiến lo ngại nhà ga ảnh hưởng đến quần thể di tích, trong đó có Tháp Bút vì đây là công trình đơn lẻ, dễ bị tổn thương nếu có nghiêng, lún.

Chúng tôi đã tính toán, xây dựng nhà ga sẽ ảnh hưởng trong phạm vi khoảng 34 mét. Tháp Bút nằm ở vị trí ngoài vùng ảnh hưởng (cách ga 36 mét).

Chúng tôi dùng công nghệ khoan TBM, mở lối từ trên xuống và dựng hai tường vây chống đỡ, đào đến đâu có xà chống đỡ đảm bảo hai tường vây không bị nghiêng.

Xong tường vây thì đào bên trong, đảm bảo tường không bị chuyển dịch, các công trình hai bên không bị ảnh hưởng. Tháp Bút chỉ chịu ảnh hưởng khi thi công ống hầm.

Tư vấn cũng tính toán khu vực Tháp Bút chỉ chịu ảnh hưởng độ lún khoảng 1 – 4mm, tức là không đáng kể.

Trong quá trình thi công, các điểm nhạy cảm, các tòa nhà cao tầng sẽ có kiểm soát lún bằng quan trắc, các thiết bị cảm biến. Nếu có hiện tượng thì xử lý ngay.

Tại sao lại đặt nhà ga C9 vào vị trí nhạy cảm nằm trong khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, thưa ông?

Trên tổng thể tuyến từ Nam Thăng Long về Trần Hưng Đạo, tư vấn đã nghiên cứu hai hướng, một hướng đi trong phố cổ, một hướng vòng ra ngoài đê.

Phương án ra ngoài đê sẽ vi phạm pháp luật đê điều và không phù hợp với kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Nếu vòng ra ngoài, phải bố trí phương tiện kết nối về trung tâm, như thế làm tăng áp lực giao thông.

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu 7 phương án tuyến đi qua các phía quanh hồ Hoàn Kiếm. Có phương án vòng hẳn ra ngoài...

Tuy nhiên, phương án đi ngầm có một số điểm khống chế như gặp móng các công trình nhà cao tầng. Chúng tôi phải tránh các trường hợp như thế. Riêng vị trí nhà ga C9 thì có nhiều phương án.

Một là đặt ở bến xe điện cũ, sẽ phải vòng xuống phía dưới trụ sở UBND thành phố; phương án lùi về ngã ba Đinh Tiên Hoàng thì vướng Nhà hát múa rối và phải giải phóng mặt bằng một số hộ dân.

Phương án đưa về phía trước tượng đài Lý Thái Tổ cũng không ổn vì yếu tố tâm linh và diện tích hẹp, vi phạm vành đai bảo vệ hồ. Duy chỉ có vị trí vườn hoa đối diện Tổng Cty Điện lực Hà Nội là đáp ứng được nhiều tiêu chí.

Trong triển lãm xin ý kiến người dân, thành phố chỉ đạo và chúng tôi cũng nhận thấy đây là vị trí nhạy cảm nên phải cố gắng thiết kế chi tiết. Toàn bộ ga và cửa lên xuống sau khi làm xong sẽ được hoàn trả mặt bằng nguyên trạng.

Trên bản vẽ cũng hiển thị ký hiệu của lượng cây xanh phải dịch chuyển. Hệ thống cây xanh, vườn hoa sẽ trình phương án cho Sở Quy hoạch & Kiến trúc phê duyệt.

Chúng tôi là những người làm chuyên môn, đã cố gắng lựa chọn phương án tối ưu. Tại sao chúng tôi phải công khai xin ý kiến người dân? Mục đích là giới thiệu cho người dân, tiếp thu, giải trình thêm để người dân ủng hộ.

Hoàn thành trong 54 tháng

Việc kết nối giao thông khu vực này sẽ thế nào khi có nhà ga C9, thưa ông?

Mục tiêu khi hình thành xong tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội không cho phép sử dụng phương tiện cá nhân nữa.

Trong quy hoạch đường sắt đô thị đến 2030 tầm nhìn 2050, toàn tuyến đường sắt đô thị được kết nối thì người dân có thể đi đến bất cứ chỗ nào mà không cần phương tiện cá nhân nữa.

Các ga nằm ở ngoại ô sẽ có phương tiện xe buýt kết nối như kiểu BRT hiện tại. Còn trong khu vực nội đô và vùng lõi thì người dân, hành khách chỉ đi bộ. Chúng tôi thiết kế các nhà ga cách nhau chỉ khoảng 1km thôi.

Nhiều du khách hỏi, tại sao phải hỏi ý kiến người dân. Chúng tôi trả lời vì đây là di sản quốc gia. Họ nói bên Pháp, đi tàu điện ngầm rồi lên ngay Khải hoàn môn và Tháp Eiffel rồi.

Bên Nhật, ngay trước cổng khu Nhật hoàng ở cũng có ga tàu điện. Nhiều cơ quan bộ, ngành có ga tàu điện ngay trong sân tòa nhà. Họ đi tàu, đến ga bấm thang máy là lên nơi làm việc.

Thưa ông, dự kiến thời gian hoàn thành nhà ga và tuyến đường sắt đô thị này là bao lâu?

Chúng tôi dự kiến thi công tổng thể phần ngầm, phần ga trong vòng 54 tháng. Riêng nhà ga cố gắng làm trong vòng 3 năm. Thời gian đó người dân phải hy sinh một chút vì chúng tôi phải quây lại để thi công.

Chúng tôi sẽ làm tường vây, sau khi làm xong một phần sẽ dùng tấm thép phủ lên mặt hầm và xe cộ vẫn đi lại bình thường được.

Các loại xe ra vào công trường đều phải rửa sạch. Trong công trường cũng lắp hệ thống theo dõi độ rung, tiếng ồn, bụi... để đảm bảo dân cư sinh hoạt bình thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại