Nhà đầu tư Trung Quốc rút lui, giấc mơ sân bay 80 triệu USD ngay sát Việt Nam của Campuchia đi về đâu?

Hữu Hiển |

Vào năm 2022, Power China đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 80 triệu USD để phát triển sân bay Mondulkiri.

Tạp chí Nikkei Asia (Nhật Bản) mới đây đưa tin, trong nhiều năm, một sân bay được dự kiến xây dựng ở tỉnh Mondulkiri của Campuchia, nhưng tất cả những gì còn tồn tại chỉ là những cột hàng rào bê tông bắc qua vùng đất nông nghiệp bị san bằng của một cộng đồng bản địa, được dọn sạch để làm đường băng mà có thể không bao giờ được xây dựng.

Nhà đầu tư Trung Quốc rút lui, giấc mơ sân bay 80 triệu USD ngay sát Việt Nam của Campuchia đi về đâu?- Ảnh 1.

Toàn cảnh dự án sân bay tại tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Ảnh: Bộ Du lịch Campuchia

Một lựa chọn kỳ lạ

Các nhà quan sát cho biết, Mondulkiri là một lựa chọn kỳ lạ cho một sân bay mới trị giá hàng triệu USD. Giáp biên giới với Việt Nam, khu vực này là một trong những nơi dân cư thưa thớt nhất ở Campuchia, với thành phố thủ phủ Senmonorom của tỉnh chỉ có hơn 13.000 cư dân và rất ít điểm thu hút khách du lịch. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi một nhà tài trợ chủ chốt đến từ Trung Quốc đã rút khỏi dự án được công bố lần đầu tiên vào năm 2019.

Ou Virak - người sáng lập tổ chức nghiên cứu Diễn đàn Tương lai của Campuchia - nói về dự án Mondulkiri rằng: "Tôi không thấy bất kỳ cơ sở kinh tế nào khác đằng sau nó. Tôi không thấy hy vọng nào về nhu cầu trong nước, về việc khách du lịch đột ngột bay đến."

Với việc đầu tư của Bắc Kinh vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang chậm lại, Thủ tướng Campuchia Hun Manet vào tháng 2/2024 đã kêu gọi các công ty Trung Quốc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác ở nước này.

Theo các nhà quan sát, ngay cả sân bay trị giá 1,1 tỷ USD được tài trợ theo BRI mới khai trương ở Siem Reap, có quy mô gấp ba lần sân bay cũ và được các công ty Trung Quốc xây dựng theo mô hình tài trợ Xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT), vẫn chưa thể thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch tương đương với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch COVID-19, bất chấp khu vực này là nơi có quần thể đền Angkor Wat nổi tiếng.

Nhà đầu tư Trung Quốc rút lui, giấc mơ sân bay 80 triệu USD ngay sát Việt Nam của Campuchia đi về đâu?- Ảnh 2.

Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor khai trương vào tháng 11 năm ngoái như một cửa ngõ vào quần thể đền Angkor Wat - điểm đến du lịch hàng đầu của Campuchia. Ảnh: AP

Power China rút khỏi thỏa thuận 80 triệu USD

Cơ sở dữ liệu kinh tế toàn cầu CEIC báo cáo có 1,66 triệu du khách đến sân bay Siem Reap cũ vào năm 2019. Tỷ lệ các chuyến bay nội địa và quốc tế đã tăng so với năm ngoái, nhưng vẫn còn rất thấp - chỉ có 1,86 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2023 trên cả ba sân bay chính của Campuchia, bao gồm cả thủ đô Phnom Penh và vùng ven biển Sihanoukville.

Các nhà quan sát nhận định, nếu điểm đến du lịch hàng đầu Siem Reap đang gặp khó khăn, thì có rất ít lý do để lạc quan đối với các sân bay phục vụ những địa điểm xa xôi hơn như Mondulkiri trừ khi chính phủ Campuchia có thể thực hiện tốt kế hoạch biến nơi đây thành đặc khu kinh tế với khu phức hợp sòng bạc.

Vào năm 2022, Power China đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 80 triệu USD để phát triển sân bay Mondulkiri. Các nhà chức trách Campuchia cho biết họ đang tìm kiếm đối tác tài trợ mới và chính phủ nước này đã ký một thỏa thuận vào tháng 1 với một nhóm các nhà đầu tư để tiến hành nghiên cứu khả thi.

Theo Nikkei Asia, địa điểm chưa hoàn thành này chỉ là một trong một số sân bay của Campuchia đang trong giai đoạn tạm dừng phát triển và có vấn đề về khả năng tồn tại nếu xét về mặt kinh tế, đặc biệt là sau khi các nhà đầu tư Trung Quốc rút lui trong những năm gần đây và ngành du lịch Campuchia phải vật lộn để trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch COVID-19.

Cư dân bản địa phản ứng

Trong khi các dự án được quảng bá là một cách để thúc đẩy sự phát triển của địa phương, thì những sân bay chưa hoàn thành này thay vào đó lại gây ra xung đột về đất đai.

Theo Nikkei Asia, kế hoạch phát triển du lịch tổng thể tỉnh Mondulkiri của chính phủ Campuchia có đề cập đến việc quảng bá văn hóa dân tộc thiểu số, tuy nhiên cư dân Bunong bản địa sống quanh khu vực này cho biết họ đã bị mất quyền sở hữu đất đai truyền thống của mình.

Srey Vong - một cư dân ở làng Bunong gần khu vực này - cho biết: "Dự án sân bay ảnh hưởng đến nhiều gia đình có đất nằm trong khu vực sân bay".

Giống như hàng chục người hàng xóm, ông Vong cho biết ông phải bán phần lớn đất nông nghiệp trong vài năm qua để phục vụ chương trình xây dựng sân bay rộng 300 ha.

Som Chanthy, một người dân khác, nói rằng việc cấp đất đền bù giải phóng mặt bằng vẫn chưa được xúc tiến.

Sin Chanserivutha - người phát ngôn của Cục Hàng không Dân dụng Campuchia (SSCA) - cho biết, các nhà chức trách đang nỗ lực giải quyết các vấn đề của Chanthy và những người hàng xóm của ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại