Argentina 'ngả theo' phương Tây: Nhận 40 triệu USD từ Mỹ, đề nghị gia nhập NATO với tư cách đặc biệt

Hữu Hiển |

"Argentina đóng một vai trò quan trọng ở Mỹ Latinh. Hợp tác chính trị và thực tế chặt chẽ hơn có thể mang lại lợi ích cho cả hai chúng ta", Phó Tổng thư ký NATO Geoana nói.

Theo hãng tin AP, Argentina hôm 18/4 đã chính thức đề nghị gia nhập NATO với tư cách là "đối tác toàn cầu" - một vị thế sẽ dọn đường cho sự hợp tác chính trị và an ninh lớn hơn vào thời điểm chính phủ cánh hữu của Tổng thống Javier Milei đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ với các cường quốc phương Tây và thu hút đầu tư.

Argentina 'ngả theo' phương Tây: Nhận 40 triệu USD từ Mỹ, đề nghị gia nhập NATO với tư cách đặc biệt- Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Luis Petri (trái) và Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana (phải) tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Đề nghị này được đưa ra khi Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana có cuộc hội đàm về những thách thức an ninh khu vực với Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Luis Petri tại trụ sở NATO ở Brussels.

Phó Tổng thư ký NATO Geoana cho biết, ông hoan nghênh nỗ lực của Argentina để trở thành đối tác được công nhận trong liên minh - một vai trò có giá trị dưới dạng "đồng minh" đối với các quốc gia không nằm trong khu vực địa lý của NATO và không bắt buộc phải tham gia các hành động quân sự tập thể. Tư cách thành viên NATO hiện chỉ giới hạn ở các quốc gia Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Mỹ.

"Argentina đóng một vai trò quan trọng ở Mỹ Latinh. Hợp tác chính trị và thực tế chặt chẽ hơn có thể mang lại lợi ích cho cả hai chúng ta", ông Geoana nói tại trụ sở NATO.

Argentina nhận tài trợ quân sự 40 triệu USD từ Mỹ lần đầu sau hơn hai thập kỷ

Theo AP, chính quyền của Tổng thống Argentina Javier Milei cho biết, việc gia nhập NATO này có thể cho phép Argentina tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hệ thống an ninh và chương trình đào tạo mà trước đây nước này chưa có.

Tổng thống Milei đã thúc đẩy một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa tự do cấp tiến nhằm đảo ngược các biện pháp thương mại bảo hộ trong nhiều năm, bội chi và nợ quốc tế đã khiến nền kinh tế Argentina tê liệt, rơi vào tình trạng suy thoái.

Trong bốn tháng làm tổng thống vừa qua, ông Milei đã định hình lại chính sách đối ngoại của Argentina, chấp nhận mọi thứ gần như vô điều kiện từ Mỹ - một phần trong nỗ lực đưa Argentina trở lại vị thế nổi bật trong nền kinh tế toàn cầu sau khi các chính quyền tổng thống Argentina trước đây làm cho mối quan hệ với Washington và các đồng minh châu Âu trở nên xa cách.

Theo AP, chính quyền của ông Milei cũng đang tìm kiếm lợi ích an ninh thông qua mối quan hệ nồng ấm hơn với các nước phương Tây. Hôm 18/4, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Argentina khoản tài trợ quân sự nước ngoài trị giá 40 triệu USD lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ - một khoản trợ cấp cho phép các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Israel mua vũ khí của Mỹ.

Khoản tiền này nhằm giúp Argentina trang bị và hiện đại hóa quân đội, sẽ giúp thanh toán chi phí cho 24 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ mà Argentina mua từ Đan Mạch vào đầu tuần này.

Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Petri ca ngợi việc mua các máy bay chiến đấu tiên tiến là "vụ mua sắm thiết bị quân sự quan trọng nhất kể từ khi Argentina trở lại chế độ dân chủ" vào năm 1983.

Tuy nhiên, mức giá 300 triệu USD đã trở thành chủ đề nhận chỉ trích từ các đối thủ chính trị của Tổng thống Milei khi ông cắt giảm chi tiêu trong toàn chính phủ.

Argentina 'ngả theo' phương Tây: Nhận 40 triệu USD từ Mỹ, đề nghị gia nhập NATO với tư cách đặc biệt- Ảnh 3.

Tổng thống Argentina Javier Milei (người mặc áo da đen) có kế hoạch loại bỏ đồng peso của quốc gia mình và sử dụng đồng đô la Mỹ làm tiền tệ quốc gia. Ảnh: WSJ

Theo AP, việc hợp tác chính thức với NATO cần có sự đồng thuận của tất cả 32 thành viên NATO. Mối quan hệ của Argentina với thành viên chủ chốt của NATO là Anh đã trở nên căng thẳng kể từ năm 1982, khi giữa hai nước xảy ra chiến tranh vì quần đảo Falkland đang tranh chấp ở Nam Đại Tây Dương.

Các đối tác toàn cầu khác của NATO bao gồm Afghanistan, Australia, Iraq, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, New Zealand và Pakistan. Hiện nay đối tác duy nhất của NATO ở Mỹ Latinh là Colombia.

Theo AP, trao quy chế "đối tác toàn cầu" cho một quốc gia không có nghĩa là các đồng minh NATO sẽ đến bảo vệ quốc gia đó trong trường hợp bị tấn công. Cam kết - được nêu trong Điều 5 của Hiệp ước NATO - được giới hạn ở các thành viên chính thức của liên minh.

Cuộc đối thoại của NATO với Argentina bắt đầu vào đầu những năm 1990. Trong một động thái mang tính biểu tượng lớn để cảm ơn chính phủ Argentina thân Mỹ vào thời điểm đó đã gửi quân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Bosnia, Tổng thống Mỹ lúc đó, ông Bill Clinton, đã xác định Argentina là "đồng minh lớn ngoài NATO" vào năm 1998.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại