Nghi phạm khủng bố Moscow sẽ bị xử tử ở Belarus? - Nga khó đáp ứng 'kỳ vọng của công chúng'

Hữu Hiển |

Sau vụ tấn công khủng bố chết người tại nhà hát Crocus City Hall, một số chính trị gia Nga đang tranh luận về việc xét xử các nghi phạm ở Belarus - quốc gia vẫn áp dụng án tử hình.

Nghi phạm khủng bố Moscow sẽ bị xử tử ở Belarus? - Nga khó đáp ứng 'kỳ vọng của công chúng'- Ảnh 1.

Nhà hát Crocus City Hall ở Moscow, Nga, bị đốt cháy sau vụ tấn công chết người. Ảnh: Reuters

Theo hãng thông tấn DW (Đức), vụ tấn công khủng bố vào nhà hát Crocus City Hall ở Moscow vào ngày 22/3/2024 khiến 140 người chết và hơn 500 người bị thương đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc áp dụng lại án tử hình ở Nga.

Việc khôi phục hình phạt tử hình có nghĩa là phải thay đổi hiến pháp Nga hiện hành, mà đến năm 1993 đã định nghĩa việc thực thi này là "một biện pháp đặc biệt cho đến khi nó bị luật liên bang bãi bỏ".

Ngay sau đó, vào năm 1997, án tử hình đã được hoãn thi hành dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin.

Theo DW, như một giải pháp tiềm năng, các nhà tuyên truyền và chính trị gia Nga đang đề xuất chuyển những nghi phạm khủng bố đến Belarus - nơi họ có thể bị xử tử sau khi bị tuyên án là có tội.

Belarus là quốc gia duy nhất ở châu Âu và Liên Xô cũ vẫn áp dụng hình phạt tử hình.

Hơn 10 nghi phạm đã bị bắt sau vụ tấn công khủng bố ở Moscow, 4 người trong số họ bị các nhà điều tra Nga mô tả là thủ phạm trực tiếp.

Ở Nga, họ phải đối mặt với mức án tối thiểu là 15 năm cho tới tù chung thân.

'Kỳ vọng của công chúng'

DW đưa tin, người đầu tiên lên tiếng ủng hộ việc khôi phục án tử hình là cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga.

Vladimir Vasilyev - Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) - cho biết, vấn đề này sẽ được xem xét tại Hạ viện và quyết định sẽ được đưa ra "phù hợp với kỳ vọng của công chúng".

Maria Butina - thành viên Duma Quốc gia Nga đề nghị chuyển những nghi phạm sang Belarus. Bà chỉ ra rằng Belarus và Nga được liên kết trong một "quốc gia liên minh", nghĩa là Belarus có "quyền" phán xét các bị cáo như Liên bang Nga, vì công dân Belarus cũng thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố.

Bà Butina nói với đài truyền hình nhà nước Belarus1 rằng: "Các bị cáo tin rằng họ có thể thoát khỏi án tử hình nhờ lệnh cấm ở Nga. Nhưng chúng ta hãy chờ xem vì các cuộc đàm phán đang được tiến hành."

Tuy nhiên, theo DW, cho đến nay, cả chính quyền Nga và Belarus đều chưa xác nhận các cuộc đàm phán như vậy.

Để một vụ án được xét xử tại tòa án Belarus, việc điều tra phải do các quan chức địa phương tiến hành. Maria Kolesova-Gudilina - người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Belarus - không tin rằng nhà chức trách Nga sẽ giao cho phía Belarus xét xử một vụ án quan trọng như vậy vì làm như vậy đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền kiểm soát thủ tục tố tụng.

Hơn nữa, một phiên tòa như vậy sẽ đặt ra câu hỏi về chủ quyền của cả hai quốc gia. Bà Kolesova-Gudilina nói: "Người ta sẽ tự hỏi liệu Nga, với tư cách là một quốc gia độc lập và tự trị, lại không thể giải quyết các vấn đề an ninh và công lý bên trong biên giới của chính mình hay sao."

Nghi phạm khủng bố Moscow sẽ bị xử tử ở Belarus? - Nga khó đáp ứng 'kỳ vọng của công chúng'- Ảnh 3.

Hơn 10 nghi phạm đã bị bắt sau vụ tấn công khủng bố ở Moscow, 4 người trong số họ bị các nhà điều tra Nga mô tả là thủ phạm trực tiếp. Ảnh: AP

Moscow và Minsk hợp tác chống khủng bố

Theo DW, thỏa thuận pháp lý ràng buộc Nga và Belarus trong một liên minh có dự đoán trước về sự hợp tác chống khủng bố, nhưng nó không nêu rõ cơ chế chuyển giao các vụ án hình sự giữa hai quốc gia. Vì công dân Belarus cũng thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở Moscow nên Belarus có thể yêu cầu dẫn độ các nghi phạm. Nhưng sau khi dẫn độ, sẽ không thể truy tố những cá nhân đó ở Nga nữa.

Bà Kolesova-Gudilina cho rằng việc dẫn độ khó có thể xảy ra vì vụ tấn công diễn ra trên lãnh thổ Nga và hầu hết nạn nhân là công dân Nga. Bà nói thêm rằng Nga cũng đã phê chuẩn Công ước Chisinau, cấm chuyển giao ai đó nếu họ có nguy cơ phải chịu án tử hình.

Như vậy, nếu Belarus yêu cầu dẫn độ thì phải đảm bảo với Moscow rằng các bị cáo sẽ không bị xử tử và cao nhất chỉ nhận mức án chung thân.

Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra. Ví dụ, vào năm 2022, Nga đã dẫn độ Sergei Derbenev - một thành viên băng đảng tội phạm – sang Belarus, nơi hắn ta bị kết án 15 năm tù vì tội giết nhiều người. Đây là mức án tối đa mà tòa án Belarus có thể áp dụng. Vì Derbenev đã bị dẫn độ khỏi Nga nên Văn phòng Tổng công tố Belarus đã đảm bảo rằng họ sẽ không kết án tử hình.

Bởi vậy, luật sư Kolesova-Gudilina nhận định rằng, việc chuyển những nghi phạm khủng bố sang Belarus là khó xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại