Nhà đầu tư nhỏ lẻ “đua nhau” rút khỏi Phú Quốc sau đề xuất dừng thành đặc khu

Vân Phong |

Trong tháng 7, lượng sản phẩm rao bán thứ cấp tại thị trường này tăng thêm 14% so với tháng trước do động thái bán ra của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trang Batdongsan.com.vn vừa công bố Báo cáo thị trường bất động sản tháng 8/2019. Theo đó, sau khi Phú Quốc đề xuất tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), trong tháng 7/2019 mức độ quan tâm, tìm kiếm bất động sản (BĐS) tại địa bàn tỉnh Kiên Giang giảm hơn 60% so với nhu cầu tìm mua một tháng trước đó.

Bên cạnh đó, lượng sản phẩm rao bán thứ cấp tại thị trường này đang tăng thêm 14% so với tháng trước do động thái bán ra của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ dạng lướt sóng sau một thời gian dài chờ đợi.

“Kiên Giang cũng là tỉnh duy nhất khu vực phía Nam ghi nhận mức độ quan tâm BĐS giảm mạnh”, báo cáo nhấn mạnh.

Phân tích về sự suy giảm mạnh nhu cầu tìm kiếm BĐS tại Kiên Giang, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, việc chính quyền tỉnh Kiên Giang đề nghị tạm dừng lập quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế ngay lập tức tác động đến thị trường BĐS nơi đây. Đây là diễn biến tất yếu khi Phúc Quốc hiện là thị trường BĐS chủ lực của tỉnh Kiên Giang, bên cạnh Rạch Giá và Hà Tiên. Trong đó, thị trường Phú Quốc dẫn đầu với 60% tổng lượng giao dịch, Hà Tiên và Rạch Giá vẫn là những thị trường mới, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư. Do đó, một khi đất Phú Quốc giảm nhiệt, BĐS Kiên Giang sẽ bị ảnh hưởng.

“Sự sụt giảm mức độ quan tâm tại đây chỉ mang tính nhất thời do dân lướt sóng, đầu cơ chuyển hướng. Bên cạnh Phú Quốc, Kiên Giang còn có Hà Tiên và Rạch Giá, hai thị trường đang trên đà phát triển với hệ thống cơ sở hạ tầng được tỉnh đầu tư và kết nối vùng thuộc diện trọng điểm của khu vực”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.

Theo ông Anh, bản thân Phú Quốc dù không trở thành đặc khu thì vẫn là thị trường du lịch hấp dẫn với tiềm năng phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng cao cấp

“Về dài hạn, để phát triển bền vững, tỉnh Kiên Giang cần có một quy hoạch tốt hơn, rõ hơn và đặc biệt là quản lý chặt chẽ hơn để thu hút các hoạt động đầu tư. Sự trầm lắng của thị trường BĐS Phú Quốc chỉ trong là trong ngắn hạn, xét về lâu dài đây vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng chủ yếu nhờ khả năng khai thác dịch vụ cao”, ông Anh nhận định.

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt được thông qua.

Đồng thời, đề xuất được sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác lập mới Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.

Tỉnh Kiên Giang cho rằng, đến nay dự thảo Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua, nên việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định...

Hơn nữa, nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển, sẽ vướng mắc trong quá trình thu hút kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án đầu tư.

Trước đề xuất của tỉnh Kiên Giang, Bộ Xây dựng sau đó đã có văn bản trả lời báo chí về việc tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị tạm dừng lập quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.

Bộ Xây dựng cho hay, đã có hai văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về nội dung này gồm: Văn bản số 1839/BXD-QHKT ngày 7/8/2019 về việc triển khai lập quy hoạch đảo Phú Quốc theo định hướng khu kinh tế và văn bản số 1655/BXD-QHKT ngày 16/7/2019 về ý kiến đối với kiến nghị bổ sung của UBND tỉnh Kiên Giang.

Bộ này cũng nêu rõ việc tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại thời điểm này là chưa đủ căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đã thống nhất với kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo ý kiến đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 739/TTg-CN ngày 8-6-2018, quy hoạch đảo Phú Quốc, theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhằm định hướng phát triển không gian đảo Phú Quốc trong giai đoạn tới, tạo tiền đề cho Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại