Nhà đầu tư “lướt sóng” lao đao khi lùi thông qua Luật Đặc khu?

Vạn Xuân |

Thời gian qua, trước “cơn sốt” đất nền, các tỉnh Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa đã yêu cầu tạm dừng giao dịch, chuyển đổi các dự án bất động sản ở Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản.

Liên tiếp các lệnh tạm ngừng giao dịch đất vùng đặc khu được ban hành

Đầu tháng 5 vừa qua, trước việc phân lô, tách thửa đất tại Phú Quốc diễn ra phức tạp. Nhiều công ty, doanh nghiệp, cá nhân tự quảng cáo các khu phân lô, tách thửa là các dự án dân cư, nhiều người dân mua và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiến hành xây dựng, dẫn đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quản lý xây dựng gặp nhiều khó khăn, UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã có công văn chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện.

Sau khi Phú Quốc có “lệnh” tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh trong chuyến thị sát ở Vân Đồn cũng yêu cầu tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại địa bàn này cho đến ngày Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được thông qua.

Sau đó vài ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, ông Lê Đức Vinh cũng có văn bản gửi Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh về việc tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và UBND huyện Vạn Ninh tham mưu, dự thảo văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo tạm ngừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh.

Việc tạm ngừng này có hiệu lực cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc tạm ngừng này là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp giao ban Tỉnh ủy vào sáng 4/5.

Thời điểm đó, trước việc các tỉnh liên tiếp đưa ra yêu cầu tạm dừng giao dịch đất vùng đặc khu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng đã bày tỏ sự lo ngại, việc này sẽ tác động xấu đến thị trường bất động sản.

Cân nhắc kỹ Luật Đặc khu là cần thiết

Liên quan đến vấn đề này, sáng 9/6, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo lùi việc thông qua Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sang kỳ họp Quốc hội cuối năm để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Việc lùi thời gian thông qua Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt này sẽ tác động thế nào đến thị trường bất động sản các vùng sắp lên đặc khu khi các nhà chức trách đang yêu cầu tạm ngừng giao dịch?

Trao đổi về vấn đề này, Gs. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc cân nhắc thông qua việc hình thành các đặc khu là hết sức cần thiết.

"Thị trường bất động sản tại 3 khu vực Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong sẽ không có tác động nhiều sau quyết định này. Có chăng chỉ tác động đến những nhà đầu tư đang lướt sóng. Sau quyết định này, họ sẽ phải suy nghĩ cẩn trọng về việc có nên đổ tiền tại các đặc khu hay không. Họ sẽ cần có cái nhìn đúng đắn hơn, thận trọng hơn và dài hạn hơn khi đầu tư tại đây", ông Võ cho biết.

Theo Gs. Đặng Hùng Võ, việc cấp đất 99 năm tại các đặc khu không phải là vấn đề chính, điều cần quan tâm ở đây là đặc khu sẽ phát triển thế nào sau khi hình thành.

"Theo quan điểm của tôi mô hình phát triển về thể chế đặc khu là tư tưởng đúng. Điều quan trọng là chúng ra làm thế nào để phát triển hợp lý", Gs. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại