Lãi vay tăng cao, nhà đầu tư “kiệt sức”
Thị trường bất động sản từ quý II/2022 đột ngột rơi vào trầm lắng, nguyên nhân là các chính sách tiền tệ có sự thay đổi. Theo đó, nguồn tiền đổ vào thị trường có phần hạn chế khiến thanh khoản cũng sụt giảm mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để mua trước đó, đến nay chật vật rao bán lỗ nhưng không thoát được hàng. Cộng thêm thời gian qua, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao khiến không ít người lâm tình cảnh “kiệt sức”.
Từ tháng 6 năm nay, anh Nguyễn Quang, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ ngân hàng nhắc lịch trả nợ. Anh Quang cũng thừa nhận, bản thân rơi vào tình cảnh này cũng do quá kỳ vọng thị trường sẽ sôi động mạnh sau dịch.
Do vậy, từ giữa năm 2021, anh Quang đã dồn hết vốn liếng 5 tỷ đồng, vay thêm ngân hàng 4 tỷ đồng để “tất tay” vào 3 mảnh đất nền tại Bắc Giang, Hải Dương và Mê Linh (Hà Nội).
“Ban đầu tôi nghĩ, thị trường bất động sản khi dịch bệnh vẫn rất sôi động, đến khi kiểm soát được giá sẽ còn tăng mạnh nữa. Nên tôi đã dồn hết tiền của, vay thêm để mua đất. Song, thị trường rơi vào trầm lắng, dù cắt lỗ tổng gần 2 tỷ đồng nhưng tôi vẫn chưa bán được. Còn tiền lãi và gốc vẫn phải đóng đều hàng tháng cho ngân hàng”, anh Quang nói.
Hiện nay đã hết thời gian ưu đãi lãi suất, khiến áp lực tài chính đối với anh Quang càng lớn hơn khi mỗi tháng phải trả hơn 60 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, số tiền hàng tháng anh Quang phải trả ngân hàng vẫn có thể tăng lên, bởi, lãi suất vay đang có xu hướng tiếp tục đi lên.
Không chỉ anh Quang mà nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để tham gia thị trường bất động sản cũng đang lao đao khi sản phẩm không thanh khoản được. Nhưng lãi suất thả nổi của các ngân hàng đã tăng mạnh.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đang là ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất, lên tới 15%/năm. Tuy nhiên, ngân hàng này, có chính sách cho vay khá tốt khi mà áp dụng tỷ lệ cho vay lên tới 100%.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng nằm trong danh sách các ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất, từ 11- 12%/năm, tăng mạnh so với con số 6,79%/năm của cùng kỳ năm ngoái. Sau đó, lãi suất được thả nổi theo lãi suất tiết kiệm 24 tháng cộng thêm 3,5%. Trong tháng 12/2022, lãi suất 24 tháng tại Vietcombank là 7,4%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có lãi suất cho vay mua nhà trên 10%. Trong những tháng đầu, khách hàng phải trả 10,59%/năm, sau đó giảm xuống 10,5%/năm. Trong khi đó, cách đây 1 năm, con số này chỉ là 6,69%/năm.
Thị trường sẽ xảy ra tình trạng “bán tháo”?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lãi suất tăng cao sẽ tác động mạnh tới thị trường bất động sản. Những nhà đầu tư trước đó dùng đòn bẩy tài chính sẽ phải bán tài sản để giải phóng áp lực.
Theo các chuyên gia, lãi suất tăng cao, các ngân hàng sẽ hút được lượng lớn tiền gửi. Song, điều này sẽ không tốt đối với thị trường bất động sản.
Năm trước, thị trường tăng nóng, nhiều người đi vay để mua, đến nay đã hết ưu đãi lãi suất và thả nổi theo thị trường. Lúc này, mức chênh lệch lãi suất đang khoảng 4,5 - 5% so với thời điểm xuống tiền. Nhiều dự báo cho thấy, lãi vay vẫn tăng trong thời gian tới, việc các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy không chịu được áp lực sẽ phải bán tháo.
Ông Điệp cho rằng, tình trạng bán tháo có thể xảy ra vào thời gian tới, sẽ xuất hiện đầu tiên ở phân khúc có tính đầu cơ cao như đất nền. Đặc biệt là ở các tỉnh khi không có nhiều nhu cầu thực, chưa đưa vào khai thác ngay được và thời gian qua đã tăng nóng, vượt xa giá trị thực.
Theo anh Nguyễn Tấn Hiền, chủ một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, lãi suất tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư không dám xuống tiền lúc này. Kéo theo thanh khoản thị trường xuống thấp.
Không ít nhà đầu tư đi vay để mua đang phải bán để trả nợ, song việc giao dịch được trong thời điểm này là khó. Trong khi đó, áp lực tài chính đang ngày một lớn hơn, việc các chủ đất tiếp tục hạ giá bán là điều sẽ xảy ra. Đến một mức giá hấp dẫn, những người có tiền mặt sẵn sàng xuống tiền mua. Khi đó, là đáy của thị trường bất động sản.