* Dưới đây là bài viết của tác giả Đẳng Phong Lai, một bà mẹ nội trợ 2 con, từng ra nhiều đầu sách về giáo dục con cái, trên nền tảng Baijiahao. Bài viết thể hiện một số quan điểm cá nhân của tác giả.
Gần đây, tôi đến nhà một người bạn chơi. Bạn tôi giới thiệu từng thành viên trong gia đình mình.
Bạn tôi là con thứ hai trong gia đình, có tính cách thực tế, chín chắn và đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong tính cách của cô ấy lại có chút gì đó giống như thể "sinh ra để làm hài lòng người khác".
Chị gái của bạn tôi thì rất quyết đoán, mọi việc trong gia đình thường do chị ấy đưa ra quyết định cuối cùng. Chẳng hạn, trong bữa ăn, mỗi người đưa ra ý kiến về món ăn, nhưng cuối cùng chị gái của bạn tôi sẽ là người chốt lại. Cả bạn tôi và em trai bạn tôi đều đã quen với việc này.
Còn em trai của bạn tôi, là con út, có vẻ thoải mái hơn. Cậu ấy không mang sự cẩn thận thái quá như bạn tôi.
Nhìn ba anh chị em với tính cách khác biệt, tôi tự hỏi: Tại sao những đứa trẻ lớn lên trong cùng một gia đình lại có tính cách khác nhau như vậy chỉ vì thứ tự sinh?
1. Con cả: Người tiên phong gánh vác trách nhiệm
Con cả là người đầu tiên đối diện với sự kỳ vọng cao của cha mẹ. Theo lý thuyết tâm lý học cá nhân của Adler, con cả thường cố gắng tìm kiếm giá trị và sự thuộc về trong gia đình.
Họ thường nỗ lực học tập và đạt thành tích để duy trì hình ảnh mẫu mực trong gia đình. Tuy nhiên, khi thất bại (ví dụ như thi trượt), họ dễ rơi vào trạng thái tự trách vì luôn gắn giá trị bản thân với sự kỳ vọng của cha mẹ.
Trong tương lai, con cả có xu hướng cầu toàn và khó chấp nhận thất bại trong công việc hay cuộc sống.
2. Con thứ: Người đấu tranh trong "kẽ hở"
Con thứ sinh ra trong bối cảnh gia đình đã ổn định với sự hiện diện của con cả. Họ vừa muốn vượt qua anh/chị mình để được chú ý hơn, vừa cảm thấy khó cạnh tranh với thành tích của anh/chị mình.
Điều này dễ tạo ra cảm giác tự ti và tính cách cạnh tranh mạnh mẽ. Ngoài ra, con thứ còn thường xuyên cảm thấy vị trí của mình trong gia đình mơ hồ.
Họ không phải con cả để được kỳ vọng, cũng không phải con út để được nuông chiều. Do đó, họ thường cố gắng tìm kiếm vị trí riêng trong gia đình và xã hội.
Ví dụ, trong bộ phim nổi tiếng Reply 1988, nhân vật Duk Sun - là con thứ, luôn phải mặc lại quần áo của chị, hoặc phải tổ chức sinh nhật chung với chị gái. Điều này phản ánh rõ sự thiệt thòi của con thứ trong việc phân bổ nguồn lực và sự chú ý của gia đình.
3. Con út: Người được yêu chiều nhưng thiếu độc lập
Con út thường được cha mẹ và anh chị cưng chiều. Nhu cầu của họ thường được đáp ứng ngay, dẫn đến việc thiếu kinh nghiệm đối mặt với khó khăn và thất bại.
Theo thuyết nhu cầu của Maslow, con út thường được thỏa mãn đầy đủ các nhu cầu cơ bản và sự an toàn, nhưng lại thiếu ý chí và năng lực để đạt được những mục tiêu lớn hơn.
Ví dụ, khi đối mặt với việc chọn nghề, con út có thể do dự vì sợ trách nhiệm hoặc thất bại. Họ quen với sự che chở của gia đình nên thiếu sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng độc lập.
Ngoài ra, do luôn được coi là "bảo bối" của gia đình, con út dễ hình thành tính cách ích kỷ và không quan tâm đến cảm xúc của người khác, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, đặc biệt là trong tình yêu.
Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được yêu thương
Nhiều người cho rằng con cả "khổ nhất" vì phải gánh vác trách nhiệm. Người khác lại nhận định con thứ mới "khổ" vì không được chú ý.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, không thể đánh giá ai "khổ hơn" chỉ dựa vào thứ tự sinh. Mỗi đứa trẻ đều đang cố gắng trong hành trình riêng của mình.
Cha mẹ cần hiểu những khó khăn mà mỗi đứa trẻ đối mặt và hỗ trợ chúng một cách công bằng.
- Với con cả, hãy giảm bớt áp lực, khuyến khích con bộc lộ cảm xúc và không để cầu toàn trở thành gánh nặng.
- Với con thứ, cần chú ý đến nhu cầu nội tâm, công nhận những nỗ lực và thành tích của con để giúp con tự tin hơn.
- Với con út, dù yêu chiều, cũng cần rèn luyện tính độc lập và trách nhiệm để con sẵn sàng đối mặt với thử thách.
Cuối cùng, mối quan hệ giữa anh chị em cũng cần dựa trên sự hiểu biết và bao dung.
Theo Baijiahao