Áp lực từ kỳ thi lớp 10 là điều mà không chỉ các bậc phụ huynh hay thí sinh mà ngay cả người bình thường cũng có thể cảm nhận được. Đứng trước kỳ thi chuyển cấp quan trọng, tâm trạng chung của các sĩ tử chắc chắn là lo lắng, căng thẳng. Là cha mẹ, bạn nên là người bạn đồng hành tốt, giúp trẻ xây dựng sự tự tin thay vì tạo thêm áp lực cho con.
Làm thế nào để cha mẹ xác định được con cái có đang âu lo quá mức trước kỳ thi?
Việc dao động tâm lý trước khi thi là hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu những áp lực này vượt quá khả năng ứng phó của trẻ, một số phản ứng tâm lý tiêu cực có thể xảy ra, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, cuộc sống và việc học của trẻ.
Vậy làm sao cha mẹ có thể nhận biết con mình đang quá lo lắng, dưới đây là một số dấu hiệu tham khảo:
- Trẻ khó ngủ, thậm chí mất ngủ trước kỳ thi
- Trẻ dễ nóng giận trước kỳ thi và khó hòa hợp với các thành viên trong gia đình
- Trẻ bị đau bụng nếu ăn trước khi thi
- Trẻ dễ chối bỏ bản thân, dẫn đến cảm giác mệt mỏi khi học và tâm lý muốn trốn thi tránh kỳ thi
Ngoài những biểu hiện về cảm xúc và sinh lý nêu trên, chứng lo âu trong thi cử còn có những biểu hiện về nhận thức như mất tập trung, giảm trí nhớ, lú lẫn, hay nghĩ linh tinh…
Những "lời cấm kỵ" trước kỳ thi, phụ huynh tốt nhất không nên nói
Càng gần kỳ thi, cảm giác căng thẳng lo âu của trẻ càng gia tăng. Một số phụ huynh cũng sẽ cảm thấy lo lắng, thậm chí còn lo lắng hơn trẻ mà không biết rằng sự lo lắng của họ cũng sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Trước kỳ thi, các phụ huynh nên cẩn thận khi nói 5 câu dưới đây:
1. "Con nhất định phải thi đỗ trường A, trường B"
Cha mẹ nên tránh áp đặt những yêu cầu chủ quan của mình lên con cái. Bởi điều này không chỉ là thiếu tôn trọng trẻ mà còn tạo thêm áp lực không đáng có cho trẻ.
2. "Không cần lo chuyện gì khác, chỉ cần tập trung học"
Trong giai đoạn chuẩn bị thi căng thẳng, trẻ nên làm một số công việc nhà và tập thể dục phù hợp, điều này không chỉ giúp trẻ sảng khoái đầu óc mà còn giúp trẻ thư giãn.
3. "Con phải ôn luyện cho cẩn thận để đạt điểm cao"
Kỳ thi chuyển cấp là bài kiểm tra trình độ học tập toàn diện của thí sinh và gia đình nên đặt ra mục tiêu thành tích hợp lý, đó là "phát huy như thường" thay vì đặt ra cột mốc cao chới với. Thí sinh chỉ cần cố gắng duy trì thành tích như ngày thường.
4. "Con thi xong là bố mẹ nhẹ nợ"
Câu nói này dễ khiến trẻ cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình, nếu thi không tốt sẽ càng thấy có lỗi với gia đình. Việc tự trách móc và mặc cảm tội lỗi như vậy cũng sẽ làm tăng thêm căng thẳng trước kỳ thi và ảnh hưởng đến tình trạng thi của trẻ.
5. "Đọc kỹ câu hỏi, trả lời cẩn thận, đừng hấp tấp, phải tranh thủ từng điểm một"
Thí sinh hiểu rõ tầm quan trọng của kỳ thi và giáo viên các môn học chắc chắn cũng đã nhiều lần cảnh báo các em về những lưu ý khi trả lời câu hỏi. Cha mẹ không cần tiếp tục nhấn mạnh, nếu không sẽ khơi dậy sự oán giận ở trẻ và làm tăng thêm căng thẳng.
Cha mẹ làm gì để giúp con vượt qua căng thẳng?
1. Đảm bảo một "thời gian biểu cuộc sống" cân đối và hợp lý
Trước ngày thi, phụ huynh nên lưu ý hướng dẫn con ăn ngủ nghỉ theo nhịp điệu của các ngày thi. Ví dụ buổi sáng con cần dậy lúc mấy giờ, con có cần ngủ trưa không, tối con mấy giờ phải đi ngủ… Việc điều chỉnh theo quy tắc này sẽ giúp con bạn thích nghi tốt hơn với nhịp điệu thi cử.
Ngoài ra, trẻ có thể sẽ cần bổ sung năng lượng để nghỉ ngơi tốt hơn. Ví dụ, hãy cùng con lập một thời gian biểu đơn giản mà phù hợp với kỳ thi, chẳng hạn như giảm thời gian học xuống một cách hợp lý, tăng thời gian tập thể dục, nghe nhạc, thư giãn…
Nhưng cần lưu ý rằng khi xây dựng kế hoạch, từng bước đi đều phải được thảo luận với trẻ, trẻ cần được tôn trọng và được quyền lựa chọn. Tóm lại, bạn phải giao tiếp với con mình một cách bình đẳng để con bớt lo lắng.
2. Tạo "bầu không khí gia đình" thoải mái và hòa thuận
Càng là những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành lúc bình thường thì khi gặp căng thẳng càng dễ mất bình tĩnh. Lúc này, bầu không khí gia đình sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Là cha mẹ, bạn nên chân thành đối mặt với mọi trạng thái hiện tại của con mình, dành cho chúng những lời động viên và gợi ý tích cực, đồng thời khuyến khích con tin tưởng vào bản thân. Chẳng hạn, những ngày trước kỳ thi của con, cả nhà nên hòa thuận, đoàn kết, đầm ấm để tạo không khí gia đình tốt đẹp, yên bình, êm . Điều này rất hữu ích trong việc ổn định cảm xúc của trẻ.
Cha mẹ cũng có thể cùng con tham gia các môn thể thao giải trí. Trong quá trình đi dạo và trò chuyện, cha mẹ có thể kiên nhẫn lắng nghe những lo lắng, tâm sự của con, từ đó giải tỏa tinh thần mệt mỏi và trút bỏ những cảm xúc không tốt của con một cách hiệu quả.
3. Làm tốt công việc hỗ trợ hậu cần và giúp con ăn uống cân bằng, bổ dưỡng
Sức khỏe là ưu tiên hàng đầu trước kỳ thi. Sự thay đổi đột ngột về khẩu vị có thể gây khó chịu ở đường tiêu hóa, tiêu chảy, chướng bụng… Cha mẹ có thể chuẩn bị bữa ăn theo công thức thông thường của con, với sự kết hợp khoa học giữa ngũ cốc, trứng, sữa, thịt và chế độ ăn uống cân bằng mà không cần thay đổi quá nhiều. Mùa hè có rất nhiều trái cây nên trẻ nên ăn điều độ, không nên ăn quá nhiều trái cây dễ gây tiêu chảy, nóng trong.
Một ngày trước ngày thi, bạn có thể cùng con tìm hiểu trước môi trường xung quanh phòng thi, điều này sẽ có tác dụng tích cực trong việc ổn định cảm xúc và cải thiện khả năng thích ứng của trẻ. Đồng thời, hãy chú ý hơn đến địa hình xung quanh, quan sát vị trí đỗ xe của bạn, hoặc tìm hiểu độ dài của các tuyến xe buýt cũng như khoảng cách giữa các điểm dừng. Đến ngày thi, phụ huynh nên nhắc nhở con mang theo CCCD, phiếu dự thi và các vật dụng học tập cần thiết. Nên cho con xuất phát sớm để tránh ùn tắc giao thông và các tình huống phát sinh khác.
Cuối cùng, cha mẹ nên phát huy đầy đủ vai trò của người đồng hành, bởi đồng hành chính là hướng dẫn và bảo vệ. Chúc các sĩ tử bình tĩnh, tự tin và hoàn thành tốt kỳ thi!