Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trước đó, Báo Phụ Nữ TP HCM đã đăng 3 bài viết phản ánh các dấu hiệu sai phạm của Công ty CP Quốc tế Ước Mơ Việt và Công ty CP Bất động sản Cao Thắng trong việc huy động vốn vào dự án ở tỉnh Hậu Giang.
Sau khi báo đăng, Uyển liên hệ với ông Võ Thanh Long, giám đốc 2 công ty, nói rằng muốn gỡ 3 bài viết thì phải đưa 700 triệu đồng, nếu chậm thì báo sẽ đăng thêm 1 bài.
Lúc này, nếu muốn gỡ thì phải chi 1 tỉ đồng. Lo sợ bị đăng tiếp nên ông Long đã đồng ý sẽ đưa Uyển 700 triệu đồng.
Tối 6-8, Uyển hẹn ông Long tại một quán cà phê ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ông Long chỉ đem theo 280 triệu đồng đưa trước cho Uyển. Khi Uyển đang nhận tiền thì công an ập vào bắt quả tang.
Bước đầu, Uyển thừa nhận không hoạt động một mình mà đã bàn bạc với một số người về việc nhận tiền. Cơ quan điều tra đang làm việc với các đối tượng có liên quan trong nhóm của Uyển.
Trong khi đó, dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều đối với tội danh trong trường hợp bị khởi tố của nữ nhà báo này. Luật sư Trần Thị Ánh (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích:
Nếu nhà báo này là tác giả hoặc có khả năng tác động tháo gỡ được các bài viết thì đây là hành vi uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, sẽ bị áp dụng điều 135 Bộ Luật Hình sự (BLHS) về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Trường hợp nghi phạm không là tác giả hoặc là tác giả bài viết nhưng không có khả năng tác động đến tòa soạn báo tháo gỡ bài viết thì đây là hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, sẽ bị áp dụng điều 139 BLHS về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bà Nguyễn Ánh Dương, nguyên thẩm phán TAND tỉnh Cần Thơ (cũ), Trưởng Văn phòng Luật sư Thiện Tâm (TP Cần Thơ), cho rằng nếu Uyển là tác giả của những bài báo trên mà đi tống tiền doanh nghiệp trên 500 triệu đồng thì có thể phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm a, khoản 5, điều 140 BLHS. Nếu Uyển không liên quan gì đến những bài viết nhưng lại mạo danh là tác giả rồi hứa hẹn sẽ gỡ bỏ bài viết để nhận 700 triệu đồng của doanh nghiệp thì có thể phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm a, khoản 4, điều 139 BLHS.
Theo đại tá Đoàn Xuân Trường, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng, 2 tội này gần giống nhau, chỉ khác ở điểm là:
Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" nghĩa là lợi dụng niềm tin của người khác để nhận tiền trước rồi sau đó mới có ý định chiếm đoạt, không làm gì như đã hứa. Còn tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là có ý định trước khi lấy tiền để người khác tin tưởng rồi nhận tiền.