Nhà bác học vĩ đại của nước Nga

PGS Lê Thanh Bình |

Nữ hoàng Nga, chính giới và khoa học gia kính trọng, đánh giá công lao to lớn của Lomonosov, coi ông là 'cha đẻ, người thầy của nền khoa học Nga'.

M.V. Lomonosov - nhà khoa học, nhà thơ, nhà địa chất, nhà thiên văn học xuất sắc - sinh ra tại làng Mishaninskaya (sau này làng được mang tên Lomonosov) thuộc vùng Archangelgorod, trên một hòn đảo gần với Kholmogory, nằm về phía Bắc xa xôi, khắc nghiệt và lúc đó rất kém phát triển của nước Nga.

Cha của Lomonosov, ông Vasily là một ngư dân cần cù, biết làm ăn nên khá giả, dần trở thành chủ thuyền, tích lũy vốn liếng nhờ những chuyến vận chuyển hàng hóa từ Arkhangelsk tới các cảng xung quanh. Mẹ Lomonosov, bà Elena - người vợ đầu của ông Vasily, là con gái của một người trợ tế trong nhà thờ Chính thống giáo trong làng.

Cha ông muốn con trở thành doanh nhân như ông, nhưng Lomonosov hoàn toàn không thích mà chỉ hướng đầu óc vào việc mở mang kiến thức rất mãnh liệt, trong khi trẻ con ở làng chủ yếu chỉ học chữ nghĩa qua người trợ tế của nhà thờ.

Người cha kết hôn lần 2 không như ý nên thêm lần 3 với bà Irina năm 1724. Bà này có ác cảm, hay xoi mói, đối xử không hay với Lomonosov khiến cậu thiếu niên mới lớn cũng khó chịu. Hiểu rõ bối cảnh gia đình, lại thêm ước mơ học cao, bay xa nên sau nhiều ngày đêm cân nhắc, chàng trai nuôi ý định rời làng quê tù túng, đến các thành phố lớn tìm cơ hội.

Ra đi tìm cơ hội và du học

Nhà bác học vĩ đại của nước Nga - Ảnh 1.

Nhà bác học Mikhail Vasilyevich Lomonosov.

Năm 1730, ở tuổi 19, được bác thợ cả chuyên đóng thuyền của làng giúp 3 đồng rup, Lomonosov làm 1 việc phi thường là vừa đi nhờ xe ngựa, vừa đi bộ trên quãng đường 750 km tới thành phố Moskva với lòng quyết tâm tìm đường nghiên cứu khoa học.

Đặt chân đến thành phố lớn thứ 2 của đất nước, ông gửi đơn vài nơi và được nhận vào học tại Học viện Latinh Hy Lạp - Slave (dành cho con em quý tộc) với mẹo khai mình là con trai một nhà quý tộc ở Kholmogory. Trong trường, bạn bè hỏi, ông còn hay nói dối rằng cha xuất thân quý tộc nhưng làm thầy tế sùng đạo.

Thế rồi đến năm 1734, việc gian dối này bị điều tra khiến ông suýt bị đuổi học, may có mấy giáo sư quý mến tinh thần ham học, sáng tạo của Lomonosov bênh vực, nên sự việc cũng qua đi. Cuộc sống sinh viên của nhà bác học tương lai rất kham khổ, khó khăn, Lomonosov không nản chí, ngày đêm tích cực dùi mài đèn sách.

Đang tuổi thanh niên, nhưng Lomonosov buộc phải chi tiêu gói gọn trong 3 đồng kopeck do trường trợ cấp mỗi ngày, chỉ dám ăn bánh mỳ đen và uống nước kvass (loại nước uống lên men làm từ lúa mạch đen hoặc bánh mì lúa mạch đen có độ cồn từ 0,05 - 1,1%), không có thịt cá, bơ sữa... để dành một ít tiền ít ỏi để mua sách cũ.

Do chuyên tâm, trí tuệ sáng láng, quyết tâm cao độ, chàng trai hiếu học tiến bộ vượt bậc trong việc học tập. Bắt đầu học lớp 1 khi đã 19 tuổi nhưng sau 5 năm, con người đầy nghị lực đó đã học xong cả chương trình phổ thông cơ sở và trung học, tốt nghiệp (12 năm) xếp vào top 12 học sinh giỏi của trường; giành được 1 suất học bổng học tại Học viện Khoa học Hoàng gia ở Saint Petersburg (1735).

Tháng 9/1736 Lomonosov được cử sang Đức học hóa học và khoáng sản học (là 2 ngành mà nước Nga đang rất cần). Lúc đó, nhà khoa học tương lai đã tìm cho mình phương pháp học tập hiệu quả và nhanh chóng nhận được học bổng 4 năm tại Đức (đầu tiên là ở Đại học Marburg và sau đó là ở Freiberg), đó là một trong các trung tâm khoa học của châu Âu đương thời.

Ngay trong thời du học, Lomonosov đã có nhãn quan mới mẻ, rộng lớn, vượt qua những quan điểm lạc hậu, trì trệ của nền giáo dục giáo điều mà một số nhà khoa học đương thời níu giữ để trở thành một nhà khoa học dấn thân, nhiều sáng kiến, suy nghĩ và hành động hợp với các xu thế tiến bộ của thời đại mới.

Ở thế kỷ XVIII, Đại học Marburg có tiếng ở cả Đức và châu Âu vì là nơi nhà triết học Christian Wolff - một đại biểu lớn của phong trào Khai sáng Đức giảng dạy, nghiên cứu.

Lomonosov trở thành một trong những học trò ưu tú, gần gũi của C. Wolff trong khoảng từ tháng 11/1736 - 7/1739 và chính quan điểm triết học cùng phương pháp quản trị khoa học của Wolff về sau trở thành yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ lâu dài, đậm nét trong cuộc đời nghiên cứu, hướng đi, cách quản trị khoa học của người học trò ông đến từ Nga.

Là nhà khoa học bận rộn, nhưng khi ở trọ nhà bà Catharina Zilch, vợ một người làm nghề ủ bia quá cố ở gần Đại học Marburg, Lomonosov đã phải lòng cô Elizabeth Christine Zilch, con gái bà chủ nhà. Cô Elizabeth là người hiền hậu, giàu lòng vị tha, ủng hộ công việc hôn phu, đảm đang, chu đáo; cô có thể vừa làm việc nhà vừa say đắm ngắm người yêu đọc sách hay thả ý tưởng, tưởng tượng vào ý tưởng khoa học nào đó cho đến khi Lomonosov giật mình nhận ra cô.

Hai người kết hôn vào 6/1740 và nhận ra cuộc sống gia đình thật khó khăn nếu tài chính hạn hẹp. Từ năm 1739 - 1740, Lomonosov tiếp tục nghiên cứu các ngành khoáng vật học, luyện kim, khai khoáng, hóa học cả lý thuyết và thực nghiệm do nhà khoa học J.F. Henckel tại Đại học Freiberd hướng dẫn (tuy nhiên do không hợp quan điểm nên 2 thầy trò hay va chạm).

Ngoài ra, nhờ luyện được tiếng Đức khá thành thạo, Lomonosov đã đọc nhiều về văn học Đức (ông say sưa tìm hiểu Günther); nghiên cứu cả thần học, triết học Đức và nước khác, rồi sáng tác cả thơ ca.

Phụng sự Tổ quốc

Nhà bác học vĩ đại của nước Nga - Ảnh 2.

Biểu đồ Mikhail Lomonosov vẽ diễn tả “Sự xuất hiện của sao Kim phía trên Mặt trời, quan sát từ Học viện Khoa học Hoàng gia St. Petersburg ngày 26 tháng 5 năm 1761”.

Cuối năm 1740, Học viện Khoa học Nga gửi trợ cấp không thường xuyên, nhà vợ không dư dả, vợ chồng Lomonosov ngày càng thấy rõ: Không có tài chính thì gia đình riêng, tổ ấm của mình khó bảo đảm, huống gì có thể yên tâm nghiên cứu khoa học.

Tình hình càng bi đát, người vợ hiền của ông sức khỏe kém đi, nhưng cả cô và mẹ đều không kêu ca, chính thế làm cho Lomonosov thêm day dứt, ông kiên quyết xin cơ quan chức năng Nga cho phép trở về Saint Petersburg.

Năm 1741 nhà khoa học mang vợ trở về nước Nga sau hơn 4 năm xa cố quốc với chức danh chính là một nhà tự nhiên học, nghiên cứu những vấn đề quan trọng nhất của vật lý và hóa học dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Amman tại Học viện Khoa học St. Petersburg. Trong mấy năm tiếp theo, với động lực đem hết sức mình phụng sự Tổ quốc, Lomonosov đã thu được nhiều thành tựu đáng nể phục.

Năm 34 tuổi (1745), ông được phong hàm Giáo sư Hóa học Học viện Khoa học St. Petersburg và được bầu làm Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và ông là người Nga đầu tiên được bầu, còn thành viên lúc đó toàn là nhà khoa học ngoại quốc.

Thấy cả nước Nga chưa có phòng thí nghiệm, ngay lập tức Lomonosov đã bắt tay xây dựng phòng thí nghiệm hóa học đầu tiên cho Viện Hàn lâm Khoa học nước Nga.

Mười năm sau, khi 44 tuổi, ông lên kế hoạch và quyết tâm triển khai để cải cách toàn diện nền giáo dục Nga bị tụt hậu so với nhiều nước châu Âu. Ông đã thuyết phục được Bá tước Ivan Shuvolov, một mạnh thường quân yêu khoa học và quý mến mình, đi khắp nơi vận động, xin hỗ trợ tài chính và thành lập nên Đại học Moskva năm 1755 (Năm 1940 để vinh danh nhà bác học, Đại học Quốc gia Moskva được chính thức mang tên Lomonosov (MGU), đó cũng là đại học đầu tiên của nước Nga).

Chính vì thế, Nữ hoàng Nga lúc đó, chính giới và khoa học gia đã rất kính trọng, đánh giá công lao to lớn của Lomonosov, coi ông là “cha đẻ, người thầy của nền khoa học Nga”.

Năm 1748, Khoa Lịch sử và Bộ sưu tập Lịch sử kèm theo được thành lập tại Viện Hàn lâm Khoa học. Cuộc tranh chấp, đối đầu giữa M. V. Lomonosov với nhà sử học nổi tiếng G. Miller cùng các nhà khoa học nước ngoài bùng nổ.

Nhóm khoa học gia ngoại quốc cho rằng thanh niên Nga khó có thể trở thành nòng cốt của nền khoa học quốc gia, chưa kể đến việc họ tự coi là đại thụ khoa học, cố chấp, công thần (vì được Sa hoàng mời đến làm việc), không mặn mà với việc đào tạo các nhà khoa học trẻ.

Tuy họ với tư cách là chuyên gia nước ngoài đã cống hiến cho nền khoa học Nga, nhiều người trong số họ đã từng đồng hành với Piotr Đại đế xây dựng St. Petersburg… nhưng thái độ coi thường người Nga đã làm Lomonosov không chấp nhận.

Cuối cùng, nhà khoa khoa học dũng cảm, yêu nước, luôn vì công lý M.V. Lomonosov đã thắng trong một trận chiến đầy thử thách với G. Miller - đại diện cho nhóm khoa học nước ngoài làm việc ở Nga.

Chính nhờ trí tuệ, tâm huyết, công lao của Lomonosov và nhiều đồng nghiệp, học giả xuất sắc của nước Nga mà triều đại của Nữ hoàng Elizabeth Petrovna đã đi vào lịch sử như một thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhiều lĩnh vực: Quản trị quốc gia, ngoại giao, văn hóa, khoa học và giáo dục, làm cơ sở để cho nhiều lĩnh vực tiếp tục phát triển ở các giai đoạn sau..

Là một con người khí chất mạnh mẽ, tư duy độc lập, luôn khao khát khám phá, ý chí theo đuổi chân lý đến cùng, Lomonosov là đại diện cho lớp các nhà khoa học tiến bộ mới xuất hiện ở Nga thời điểm đó và tầm nhìn, tư tưởng của ông đã vượt xa khỏi nền khoa học giáo dục của Nga hồi thế kỷ XVIII.

Năm 1746, lần đầu tiên trong lịch sử Nga, Lomonosov giảng dạy bộ môn khoa học của mình không bằng tiếng Latinh, mà bằng tiếng Nga. Ông đóng vai trò chính trong cải cách căn bản Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đề xuất xây dựng trường đại học tổng hợp đầu tiên ở Nga, trực tiếp đào tạo nên thế hệ đầu tiên các bác học Nga, các nhà nghiên cứu, các nhà tổ chức quản lý khoa học, truyền bá kiến thức khoa học, quảng bá văn hóa (nhấn mạnh ngôn ngữ, thi ca và các thành tố khác).

Không chỉ là nhà khoa học tự nhiên, ông còn đóng góp to lớn trong lĩnh vực văn chương và ngôn ngữ. Ông là đại biểu của chủ nghĩa cổ điển Nga, nhà khai sáng Lomonosov là một trong những người tiền phong đi đầu trong việc canh tân văn học nghệ thuật Nga với những nghiên cứu về lý thuyết ngôn ngữ, ngữ pháp, thuật hùng biện, niêm luật thơ, quan niệm gắn thơ ca với đời sống hiện thực Nga... Việc cải cách ngôn ngữ Nga của ông và những người kế tiếp đã đặt nền tảng để “Mặt trời thi ca Nga” - nhà thơ A. Puskin hoàn thiện, sáng tạo nên ngôn ngữ văn học hiện đại, góp phần phát triển văn học Nga lên tầm cao mới.

Trong sự nghiệp thi ca, Lomonosov sáng tác gần 200 bài thơ, chủ yếu thể hiện tinh thần yêu nước và ca ngợi công cuộc cải cách của Piort Đại đế cùng sự đi lên của nước Nga thời ông, có bài được chính Nữ hoàng Nga đọc và tán thưởng.

Năm 1748, ông được trao giải thưởng lớn về thơ ca, có nhiều đóng góp cho sự ra đời của tiếng Nga hiện đại. Do yêu thích hội họa, ông còn sáng tạo ra những bức tranh ghép gốm khổng lồ có giá trị.

Về khoa học, thành tựu của Lomonosov rất đồ sộ: Ông đã khám phá ra khí quyển sao Kim và định luật bảo toàn khối lượng trong các phản ứng hóa học. Lĩnh vực nghiên cứu của ông rộng khắp gồm khoa học tự nhiên, hóa học, vật lý, khoáng vật học, lịch sử, nghệ thuật, triết học, dụng cụ quang học và nhiều lĩnh vực khác. Ông còn là người khai sinh ra ngành địa chất học hiện đại.

Lomonosov được bầu làm thành viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển năm 1761. Năm 1765, ông qua đời vì bệnh viêm phổi lúc năm 54 tuổi. Vợ chồng ông có 1 con gái sau cũng đi theo con đường khoa học của cha.

Còn ngôi trường đại học mang tên ông sau này rất nổi tiếng và có rất nhiều người nước ngoài, kể cả người Việt Nam đến học tập nghiên cứu. Đến nay, Trường MGU vẫn là niềm tự hào của nước Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại