Nguyện vọng tha thiết, sai thời điểm của người Kurd có thể đẩy Trung Đông vào thảm họa

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Một nhà nước độc lập mà không được sự ủng hộ và công nhận của quốc tế thì khó có thể tồn tại được lâu dài.

Nguyện vọng tha thiết của người Kurd

Từ xa xưa, người Kurd sinh sống trên vùng lãnh thổ mà hiện nay là một phần của Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria. Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng người Kurd ước tính có khoảng 35-38 triệu người. Trong số này có 18 triệu người sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, 8 triệu ở Iran, 7 triệu ở Iraq và 3 triệu ở Syria.

Cộng đồng người Kurd có lịch sử riêng, tiếng nói, chữ viết, văn hoá, phong tục tập quán riêng, quân đội và kinh tế riêng. Đây là dân tộc lớn nhất trên thế giới hiện nay vẫn không có quốc gia riêng của mình.  

Nguyện vọng tha thiết, sai thời điểm của người Kurd có thể đẩy Trung Đông vào thảm họa - Ảnh 1.

Người Kurd tham gia trưng cầu dân ý về nền độc lập. Ảnh: NYTimes

Trong lịch sử, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, vùng Kurdistan ở Iraq trở thành cái nôi của phong trào giải phóng của dân tộc Kurd.

Năm 1922, đế quốc Ottoman tan rã sau 623 năm đô hộ và chính chiến (1299-1922), người Kurd được nhập vào một bộ phận của Vương quốc Ả rập ở Iraq. Theo Hiệp ước Lausanne năm 1923 vùng đất của người Kurd được chia cho Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria.

Người Kurd đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh đòi độc lập, nhưng đều thất bại.

Trong lịch sử 1.000 năm của mình, người Kurd đã nhiều lần lập quốc gia nhưng đều thất bại do bị đế quốc Ottoman đàn áp. Mới đây nhất, sau Thế chiến II, năm 1946 người Kurd đã tuyên bố thành lập quốc gia riêng, nhưng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi lại bị trấn áp, phải sáp nhập vào Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Với lịch sử và tinh thần dân tộc như vậy, người Kurd có vai trò và vị trí quan trọng ở khu vực Trung Đông. Hiện nay, lực lượng quân đội Peshmerga của người Kurd ở Iraq, Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở Syria đang tham gia tích cực vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại vùng Kurdistan thuộc Iraq ngày 25/9 vừa qua với 93.29% số người ủng hộ nền độc lập của người Kurd đã chứng tỏ nguyện vọng tha thiết được tự quyết về tương lai và vận mệnh của mình.

Khả năng bùng phát xung đột

Việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngày 25/9 là hành động đơn phương, không trao đổi với chính quyền trung ương ở Baghdad, trái với Hiến pháp 2005 của Iraq (Quy định Kurdistan là chính quyền tự trị nằm trong một nước Iraq thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ).

Thời điểm tổ chức trưng cầu ý dân về nền độc độc lập của người Kurd vào lúc này cũng không phù hợp, đặc biệt trong khi cần tập trung ưu tiên hàng đầu vào cuộc chiến chống khủng bố IS, ổn định tình hình ở Mosul và các thành phố khác thuộc vùng Kurdistan vừa được giải phóng khỏi bàn tay IS và duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, vốn đang đứng trước nguy cơ bị chia cắt và xung đột sắc tộc.

Nguyện vọng tha thiết, sai thời điểm của người Kurd có thể đẩy Trung Đông vào thảm họa - Ảnh 2.

Người Kurd tham gia trưng cầu dân ý về nền độc lập. Ảnh: NYTimes

Về việc này, nguyên bí thư đảng Cộng sản Iraq, ông Baha'a al-Din Nouri là người Kurd, trong bức thư gửi thủ lĩnh người Kurd Masoud al-Barzani đã viết:

"Thật là không sáng suốt nếu ngày hôm nay chúng ta dành ưu tiên cho nền độc lập của Kurdistan, trong khi cuộc chiến chống khủng bố IS chưa kết thúc và điều 140 của Hiến pháp chưa được thực hiện. Cuộc trưng cầu ý dân cần phải được tổ chức trong điều kiện thuận lợi hơn."

Chính vì lẽ đó, cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd đã gây phản ứng hết sức gay gắt của các nước. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và hầu hết các nước khu vực cũng như trên thế giới không ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân này của người Kurd.

Đặc biệt, các nước có đông người Kurd sinh sống như Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria hết sức lo ngại về an ninh của mình đã dứt khoát đòi hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua. Các lực lượng Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tổ chức tập trận chung gần biên giới Iraq vùng Kurdistan.

Quốc hội Iraq đòi đem những người tổ chức cuộc trưng cầu ý dân này, trước hết là thủ lĩnh Masoud al-Barzani ra toà, đồng thời áp đặt cấm vận dầu mỏ, kinh tế đối với Kurdistan. Một nhà nước độc lập mà không được sự ủng hộ và công nhận của quốc tế thì khó có thể tồn tại được lâu dài.

Tôi cho rằng, mục tiêu chính của việc tổ chức trưng cầu ý dân này không phải là để tuyên bố độc lập ngay lập tức mà là nhằm khẳng định vai trò và vị trí của người Kurd trên bàn cờ chính trị tại Trung Đông và tạo thế trước khi bước vào đàm phán với Baghdad.

Bất chấp sự phản đối của các nước Ả Rập, đặc biệt của chính quyền Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và không được sự đồng thuận của quốc tế, Uỷ ban bầu cử và trưng cầu ý dân tối cao của vùng Kurdistan vẫn công bố tiếp tục hoàn thiện tất cả các công việc trù bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào ngày 1/11 tới và thời gian này là không thay đổi.

Nguyện vọng tha thiết, sai thời điểm của người Kurd có thể đẩy Trung Đông vào thảm họa - Ảnh 3.

Tình hình này không loại trừ khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột mới.

Khu vực Trung Đông vốn đầy bất ổn, cuộc chiến chống IS đang bước vào giai đoạn hết sức cam go. 

Khủng hoảng Syria vẫn chưa thấy hồi kết, nội chiến Yemen, Libya còn hết sức căng thẳng, chưa kể cuộc xung đột dai dẳng Israel - Palestine thì cuộc xung đột mới giữa người Kurd và Iraq với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chắc chắn sẽ là một thảm họa đối với khu vực.

Riêng đối với Iraq, kết quả cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd sẽ thổi bùng lên ngọn lửa xung đột sắc tộc, tôn giáo tại một đất nước vốn có nhiều mâu thuẫn giữa cộng đồng người Sunni, người Shia, người Kurd, người Yazidi, người Turkman...

Tại vùng Kurdistan có nhiều tổ chức chính trị khác nhau, trong đó có nhiều đảng phái tiến bộ như Liên minh Dân chủ Kurdistan DPK của Masoud al-Barzani, Liên minh Yêu nước Kurdistan PUK của Jalal Talabani, đảng Cộng sản Kurdistan CPK của Kamal Shakir, đảng Công nhân Cộng sản Kurdistan WCPK của Osman Haji Marouf...

Nguyện vọng tha thiết, sai thời điểm của người Kurd có thể đẩy Trung Đông vào thảm họa - Ảnh 4.

Người Kurd rất có cảm tình và yêu mến nhân dân Việt Nam. Năm 2005, ông Jalal Talabani, Chủ tịch đảng Liên minh yêu nước Kurdistan PUK được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Iraq sau khi chính quyền Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ. Ông làm Tổng thống Iraq từ 2005-2014. Người Kurd rất yêu mến ông và gọi ông là Mam Jalal (tiếng Kurd nghĩa là Bác Jalal).

Nguyện vọng tha thiết, sai thời điểm của người Kurd có thể đẩy Trung Đông vào thảm họa - Ảnh 5.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai chụp với ông Jalal Talabani, chủ tịch đảng Liên minh Yêu nước Kurdistan PUK tại nhà riêng ở Baghdad.

Được biết lúc đó tôi có mặt ở Baghdad, ông Jalal Talabani đã mời tôi đến ăn trưa tại nhà riêng. Tuy đây là lần đầu tiên tôi gặp một lãnh đạo người Kurd, nhưng cuộc gặp đã diễn ra hết sức thân mật.

Ông kể khi còn là sinh viên đại học, ông đã tham gia nhiều phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, bày tỏ ngưỡng mộ đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ông nói với tôi: "Quan hệ Iraq-Việt Nam đã rất tốt dưới thời chính quyền cũ thì chúng ta sẽ phải làm cho mối quan hệ đó tốt đẹp hơn dưới chính quyền mới."

Tiễn tôi ra xe, ông Jalal Talabani tặng tôi một thùng quà và nói rằng đây là mật ong lấy từ vùng núi Suleimanyia của Kurdistan, các loại bánh kẹo đặc sản của người Kurd. Ông còn dặn với theo, khi nào ăn hết thì gọi điện cho ông để ông cho người mang đến Đại sứ quán.

Hôm qua, ngày 3/10, tôi rất buồn nghe tin ông J. Talabani đã qua đời ở tuổi 84 sau nhiều năm bị ốm nặng. Xin nghiêng mình trước vong linh của ông và cầu chúc ông an nghỉ nơi vĩnh hằng.

[VIDEO] Người Kurd ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý ngày 25/9

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại