Nguyễn Văn Chung được xem là một nhạc sĩ trẻ thành công trong việc gây dựng hình ảnh cho các ca sĩ như Khánh Phương (Chiếc khăn gió ấm), Akira Phan (Mùa đông không lạnh), Tần Khánh (Chuyện tình dưới mưa), The Men (Em luôn ở trong tâm trí anh), Hiền Thục (Nhật ký của mẹ)...
Sau gần 20 năm làm nghề, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã có một gia tài bài hát đồ sộ. Và trong cuộc gặp mới đây với phóng viên, nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ" đã có những giây phút trải lòng về âm nhạc cũng như cuộc sống của anh thời gian qua...
Có những người viết 3 bài/ ngày, bán bài hát nhiều như bán cà phê
Anh có nhớ mình đã sáng tác bao nhiêu ca khúc không?
Tôi nhớ gần hết vì tôi chỉ nghe nhạc của mình. Tôi bị một kiểu, chỉ nghe một lần là nhớ giai điệu nên phải hạn chế nghe nhạc người khác. Tôi sợ mình viết nhạc giống người ta nhưng lại nghĩ là mình sáng tác ra. Tôi từng gặp trường hợp như thế và nếu tôi phát hành thì chắc chắn sẽ bị nói là đạo nhạc nên phải bỏ bài đó luôn.
Nhưng đâu phải lúc nào cũng ở trong nhà, anh cũng phải ra ngoài, đi gặp bạn bè, dự sự kiện của đồng nghiệp... thì cũng nghe nhạc của người khác chứ?
Đúng vậy nhưng tôi không có thói quen đeo tai nghe nhạc người khác một cách chủ đích. Còn nghe thụ động thì vào tai này sẽ ra tai kia. Ngày xưa, khi chưa sáng tác, tôi thích nghe nhạc và nghe nhiều lắm nhưng sau này phải bỏ. Đó là một sự hy sinh và mình phải chịu.
Thông thường, một bài tôi viết ra, tôi sẽ nghe rất lâu cho tới khi nó tới được với khán giả là tôi không nghe nữa. Tôi phải tự quên chính bài hát đó của mình để tập trung viết bài khác vì sợ bài sau giống chính bài mà mình đã viết trước đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Nhạc sĩ nào cũng như vậy?
Tôi không biết người khác sáng tác thế nào. Nói về nhạc sĩ, cũng chia ra làm nhiều kiểu. Có những nhạc sĩ chỉ viết vì nghệ thuật, thật đẳng cấp nhưng kiếm tiền ít vì đối tượng đủ trình độ nghe được những bài đó rất ít, và hầu như không phải các bạn trẻ.
Có những nhạc sĩ muốn viết thật nhiều, bán thật nhiều, thị trường cần gì, sân khấu tỉnh cần gì là viết rồi bán. Tôi biết có những nhạc sĩ như vậy và tác quyền rất cao. Có những người ngày viết 3 bài, bán nhiều như bán cà phê vậy. Mục tiêu của những người đó là bán được bài, kiếm được tiền.
Tôi đi theo hướng cân bằng cả hai. Sáng tác gần gũi với mọi người nên nói về yếu tố chuyên môn, "Nhật Ký Của Mẹ" không khó, thậm chí đơn giản như bài hát ru, không có sự sáng tạo về nghệ thuật nhưng tôi đặt hết tâm trí trong lời bài hát. Đó là cái tôi hơn các bạn sáng tác theo thị trường.
Và cái tôi hơn những người sáng tác vì nghệ thuật ở chỗ, tôi không viết khó như họ, mà viết gần gũi hơn. Như vậy, bài hát lan tỏa được tới nhiều người mà không bị đánh giá là dở.
Tại sao tôi phải cân đối hai con đường đó vì nhạc sĩ cũng cần tiền để sống. Mình phải có thu nhập bằng nghề thì mới yêu nghề. Còn nếu mình viết nhạc mà không sống được bằng nghề thì làm kinh doanh cho rồi.
Xếp hạng 4 trong top 10 nhạc sĩ có thu nhập cao nhất từ tác quyền
Anh có sống được bằng nghề không?
Có, tôi sống tốt bằng nghề. Ngay cả bây giờ, nếu tôi không làm gì, tôi vẫn sống khỏe nhờ tiền tác quyền. Tác quyền là nguồn thu nhập thụ động mỗi quý đến tận 50 năm sau khi tôi mất, vẫn còn tiền về cho gia đình. Đó là những gì tôi đã gầy dựng gần 20 năm qua nhưng không ai đánh giá tôi là nhạc sĩ viết cho thị trường.
Trong top 10 nhạc sĩ có tiền tác quyền lớn nhất Việt Nam, Nguyễn Văn Chung đứng thứ mấy?
Tôi hạng 4. Trung bình một quý, tôi có từ 60 đến hơn 200 triệu tiền tác quyền. Ngoài ra, tôi vẫn sáng tác cho các nhãn hàng, công ty, dạy học, thu tiền từ nhạc chờ. Riêng kênh Youtube của tôi, mỗi tháng cũng thu được hơn 10 triệu đồng.
Làm thế nào để anh kiểm soát được tiền tác quyền?
Rất khó để kiểm soát tiền tác quyền, mọi thứ chỉ là tương đối, mọi người làm việc trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Nếu các đơn vị không hợp tác, không đưa ra danh sách những bài hát họ đang dùng thì sẽ không có căn cứ để họ phải trả tiền. Hoặc họ chây ì, trốn tránh không trả tiền... thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lấy tiền tác quyền.
Cho tới thời điểm hiện tại, ca khúc nào mang lại cho anh tác quyền nhiều nhất?
"Nhật ký của mẹ". Ngày xưa, tôi có nhiều bài hit về tình yêu nhưng bán cho ca sĩ. Khi ca sĩ mua độc quyền thì ca khúc đó không mang lại tiền nhiều cho mình. Ví dụ, tôi bán hài hát được 25 triệu nhưng khi tiền về là ca sĩ được vì họ bỏ tiền ra mua đầu tư.
"Nhật ký của mẹ" là ca khúc đầu tiên tôi không bán mà nhờ Hiền Thục thu. Nhờ vậy mà mọi quyền lợi đều đổ về cho tôi. Ví dụ, có một hãng bột giặt dùng một đoạn chừng 30 giây bài "Nhật ký của mẹ" cho quảng cáo của họ trong 6 tháng và tôi được trả 60 triệu đồng. Có rất nhiều nhãn hàng dùng bài hát này.
Và chắc chắn "Nhật ký của mẹ" tới sau này vẫn còn nhiều người nghe trong các dịp sinh nhật, vu lan, đám cưới... Khi khán giả còn nghe thì mình còn nhận được tiền.
Tôi từng viết theo thị trường, trào lưu và có tiền nhiều ngay lập tức nhưng "Nhật ký của mẹ" là một con đường khác hoàn toàn. Và khi nhìn thấy hai con đường đó, tôi quyết tâm viết nhạc thiếu nhi. Nói đúng hơn, tôi chuyển sang sáng tác nhạc thiếu nhi từ sau "Nhật ký của mẹ".
Nhạc thiếu nhi còn kinh khủng hơn vì qua lứa thiếu nhi này sẽ có lứa thiếu nhi khác và cứ liên tục như thế. Đó là lý do tại sao đến giờ người ta vẫn hát "Con cò bé bé" hay "Cháu lên 3", "Gia đình nhỏ hạnh phúc to"... Không đứa nhỏ nào không biết những bài hát đó. Thử hỏi, những bài trên top 1 Youtube, 50 năm sau làm sao được nhớ như những bài đó?
Làm nhạc thiếu nhi, anh phải đánh đổi cái gì?
Tôi đánh đổi rất nhiều. Tôi đánh đổi bằng cả sĩ diện của mình. Tôi đang là nhạc sĩ nổi tiếng về nhạc tình, mỗi năm đều có giải thưởng nhưng khi viết nhạc thiếu nhi tôi chấp nhận năm đó mình không có bài hit, không có giải thưởng. Cuối năm, những người em trong nghề đi nhận giải còn mình không được mời, tôi rất tủi thân.
8 năm qua là 8 năm tôi rất cô độc và tủi thân nhưng tôi chấp nhận vì tôi tính đường khác lâu dài. Suốt 8 năm đó, nhiều người đánh giá tôi làm vậy là sai. Đôi khi tôi cũng băn khoăn, mình đúng hay sai nhưng bây giờ khi kết thúc hành trình rồi, tôi tự tin mình làm quá đúng.
Tôi đã đi một bước quá xa với các nhạc sĩ trẻ. Tôi chắc chắn là các bạn đó 10 năm nữa cũng chưa làm được những gì như tôi vừa làm. Tôi tự tin như thế.
Tôi quan niệm, người nghệ sĩ chỉ cân đo được sự thành công khi họ quyết định không làm nghề nữa. Đó là lúc họ tổng kết tuổi xuân, con đường của mình có thành công không, chứ không phải ở 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm.
Khi đã xong con đường lâu dài cho mình rồi, tôi trở lại với niềm đam mê, sáng tác nhạc trẻ. Giờ, tôi tự cho phép mình liều lĩnh vì đã thoải mái về kinh tế. Tôi có gia tài nhạc thiếu nhi 300 bài sắp xuất bản thành sách. Giờ tôi cho phép mình phóng túng trong dự án mới.
Đó là dự án mà tôi nghĩ ít có nhạc sĩ nào dám làm, nhạc hòa tấu trị liệu tâm hồn. Đó là dòng nhạc mà những người đang buồn, đang stress nghe sẽ cảm thấy được giải tỏa. Vì nguyên 1 năm vừa rồi, tôi là người như vậy.
Tôi đã chịu một nỗi buồn rất lớn về gia đình. Trong thời gian đó, tôi cứ ngồi đàn và không muốn nghe bất cứ một bài hát nào có lời. Vì lời bài hát sẽ luôn gắn với một câu chuyện nào đó, không đúng với câu chuyện của mình. Còn nhạc hòa tấu thì khác, không khí là của bài hát nhưng câu chuyện là của mình.
Tôi gọi album đó là "Cứu chữa cho tôi". Khi làm album này, tôi có tham khảo các bác sĩ tâm lý. Có 6 bước để trị liệu tâm lý cho một ai đó. Bước 1 là gợi cho họ nói ra những điều họ buồn. Thứ hai là lắng nghe để họ vơi bớt, nhẹ lòng đi. Thứ ba là lời khuyên. Thứ tư là lãng quên. Thứ năm là thanh lọc và cuối cùng là cứu chữa.
Album "Cứu chữa cho tôi" gồm 6 bài hát tương tự với 6 bước trị liệu đó.
Trầm cảm vì hôn nhân đổ vỡ
Nghĩa là, khi rơi vào stress, anh cũng phải tới bác sĩ tâm lý để trị liệu?
Tinh thần tôi khá vững ở chỗ, tuy tôi nhạy cảm so với người thường nhưng không bao giờ suy nghĩ tiêu cực. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải chết mà phải làm gì để mình tốt hơn hôm qua.
Nỗi buồn đó rất lớn, mỗi ngày tôi phải ngồi nhìn nó nhưng tôi có thể chịu được. Tôi cảm nhận được nó rất gần mình nhưng không để nó khiến mình suy nghĩ tiêu cực. Tôi biết mình phải viết gì, đàn gì để xoa dịu nó, làm nó vơi đi.
Sau khi hôn nhân đổ vỡ, anh làm album nhạc hòa tấu trị liệu tâm hồn. Và sau dự án này, anh sẽ quay lại dòng nhạc trẻ về tình yêu. Liệu rằng những ca khúc mới của Nguyễn Văn Chung có buồn hơn, da diết hơn...?
Buồn nhiều hơn. Nỗi buồn chia tay bạn gái và nỗi buồn chia tay trong hôn nhân rất khác, nó mang theo sự day dứt, dằn vặt. Đã từng là một gia đình với nhau, còn liên đới nhiều thứ khác, con cái, tình nghĩa. Chỉ những ai đã từng ly hôn mới thấu hiểu được cảm giác đó, tâm trạng đó.
Những sáng tác của tôi buồn nhưng không có sự chỉ trích, chửi bới hay cãi vã mà hướng đến kết thúc tốt hơn cho cả hai, bình yên hơn cho cả hai. Đó là quan điểm trong sáng tác cũng là quan điểm trong cuộc sống của tôi. Buồn là nhất thời thôi.
Tất nhiên là, nếu hạnh phúc không ai quyết định chia tay hết. Phải có chuyện gì đó xảy ra, dẫn đến sự ngột ngạt, dẫn đến không thể đi cùng nhau nữa. Và sau cùng, dù không đi cùng nhau vẫn đối với nhau như những người thân, để cả hai có cuộc sống tốt hơn và tìm được người xứng đáng hơn. Ai cũng xứng đáng có được hạnh phúc!
Cảm ơn anh đã chia sẻ!